Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng lên

Nhân 75 năm ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2021), phóng viên Báo Lào Cai đã phỏng vấn ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp, cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của tỉnh về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 ngày 7/6/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhân ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/1946 - 9/11/2021):

Phóng viên: Thưa ông,việc triển khai công tác PBGDPL mà cụ thể là Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã được thể hiện như thế nào trong những năm qua?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Thực hiện Chỉ thị số 10, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã chủ động quán triệt, phổ biến những nội dung cơ bản của chỉ thị tới đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Các cấp ủy đảng ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, kế hoạch và chương trình hành động để triển khai thực hiện Chỉ thị số 10, đưa nội dung lãnh đạo công tác PBGDPL trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt với phương châm "công tác PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng".

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp trao đổi với sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai về việc chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.

Ông Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc Sở Tư pháp trao đổi với sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai về việc chấp hành pháp luật trong học sinh, sinh viên.

Về chính sách và nguồn lực, trong khoảng 10 năm qua,HĐND tỉnhđã ban hành 6 nghị quyết quy định về mức chi công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luậtđể các cấp, các ngành áp dụng thống nhất trên địa bàn.Hiện tỉnh Lào Cai có 13 hội đồng phối hợp PBGDPL với hơn 10 nghìn người tham gia công tác này, 72 cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Ngoài ra, một số sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh đã củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để triển khai hoạt động tuyên truyền luật pháp tại cơ quan, đơn vị. Tổng kinh phí dành cho công tác PBGDPL những năm qua là 31,7 tỷ đồng, trong đó cấp tỉnh là 21,3 tỷ đồng.

Phóng viên: Yêu cầu đặt ra là cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, PBGDPL, điều đó thực hiện trên thực tế ra sao, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu xây dựng, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Điển hình như việctham mưu UBND tỉnh ký chương trình phối hợp công tác PBGDPLvới Ủy ban MTTQViệt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên; Sở Tư pháp ký chương trình phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh...

Các sở, ngành cũng tập trung tuyên truyền nhiêùnghị định, thông tư liên quan trực tiếp đến chuyên ngành, nội dung tuyên truyền, PBGDPLgắn với từng nhóm đối tượng, địa bàn triển khai, phù hợp với nhiệm vụ chính trị tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc xây dựng các mô hình điểm về PBGDPL được quan tâm theo hướng thiết thực, coi trọng chất lượng, tính lan tỏa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 152 ban tuyên vận xã, phường, thị trấn với 1.586 cán bộ làm công tác này và4.728 tuyên vận viên thuộc tổ tuyên vận thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Toàn tỉnh cũng có 120 mô hình an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại cộng đồng với 4.000 thành viên là hội viên phụ nữ; có 214 câu lạc bộ và 152 mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội” được quản lý bởi đoàn thanh niên; 475 câu lạc bộ "Phòng, chống bạo lực gia đình" do lực lượng công an phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn xây dựng. Thời gian qua,Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viênđã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động hội viên, thành viên, các tầng lớp Nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luậtcủa Nhà nước.

Hoạt động tuyên truyền,PBGDPL theo tinh thần xã hội hóa bước đầu đã có kết quả. Điển hình như Hội Luật gia tỉnh tham gia Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”, Dự án “Tư vấn pháp luật về Hợp đồng hợp tác cho nông dân dân tộc thiểu số các tỉnh miền Bắc Việt Nam”; Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tham gia Đề án “Thông tin, phổ biến kiến thức giai đoạn 2016-2020”...

Nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện tại các thôn, bản vùng cao.

Nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật được thực hiện tại các thôn, bản vùng cao.

Phóng viên: Thưa ông! Công tác phối hợp đã được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Thời gian qua, hội đồng phối hợp PBGDPL đã tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với công tác tuyên truyền văn kiện, nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Việc tuyên truyền chủ trương của Đảng gắn với việc triển khai tuyên truyền, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Hiến pháp, một số đạo luật chuyên ngành và nhiều đạo luật khác. Nội dung quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng còn gắn với việc tổ chức xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản dưới luật, văn bản cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc đến các tầng lớp Nhân dân.

Phóng viên: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, theo ông, những tác động nào mang tính tích cực, khái quát nhất?

Ông Lê Ngọc Quỳnh: Sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL của cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên rõ rệt. Từ đó đã xác định công tác tuyên truyền, PBGDPL là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương. Nhờ có Chỉ thị số 10 mà chính sách về công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật được nâng lên, phù hợp với Luật PBGDPL và các quy định có liên quan. Nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL được đổi mới về số lượng, chất lượng, hiệu quả công tác theo chiều tích cực.

Điều khái quát nhất là nhờ thực hiện tốt Chỉ thị số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân được nâng lên, thói quen tìm hiểu và thực thi nghiêmluật pháp ngày càng phổ biến. Qua đó, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội, ngăn ngừa hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự; nâng cao dân trí, văn hóa pháp luật, tạo môi trường, động lực thu hút nguồn lực đầu tư đến với Lào Cai, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Cao Cường (thực hiện)

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/349261-y-thuc-chap-hanh-phap-luat-cua-nguoi-dan-duoc-nang-len