Ý thức và trách nhiệm trong xây dựng

Sự việc bé trai ở Đồng Tháp bị lọt xuống trụ bê tông rỗng tại công trình cầu Rọc Sen đang thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước.

Nguyên nhân ban đầu được xác định do đơn vị thi công chưa tuân thủ nghiêm các quy định bảo đảm an toàn, để các cháu bé dễ dàng đi vào khu vực thi công dẫn đến sự cố đáng tiếc này.

Trước đó, ngày 19-12-2022, khi đi chơi cùng nhóm bạn, một bé gái 5 tuổi cũng trượt chân rơi xuống hố cọc ép bê tông sâu hơn 10 mét trong công trình đang thi công ở thị trấn Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Rất may sau đó, lực lượng cứu hộ đã có mặt kịp thời, giải cứu thành công bé gái.

Ngoài hai vụ việc trên, thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng, cướp đi tính mạng, sức khỏe công nhân và nhân dân khu vực lân cận. Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, không ít vụ tai nạn xảy ra trong quá trình thi công các công trình do đơn vị thi công không tuân thủ nghiêm quy định bảo đảm an toàn lao động, không đặt biển cảnh báo, không cử người hướng dẫn, bảo vệ; làm xong không khôi phục lại hiện trạng ban đầu, khiến người đi đường bị tai nạn đáng tiếc.

Lực lượng Công binh Quân khu 9 quán triệt nội dung thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Ảnh: Thúy An.

Lực lượng Công binh Quân khu 9 quán triệt nội dung thực hiện nhiệm vụ cứu hộ. Ảnh: Thúy An.

Rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, như: Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, ngày 28-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng; các thông tư, hướng dẫn của Bộ Xây dựng cùng những quy chế, quy định của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bộ luật Hình sự hiện hành cũng có những quy định cụ thể, chi tiết về hình phạt đối với người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, trong đó, mức phạt cao nhất lên tới 12 năm tù. Mặc dù vậy, ý thức tự giác tuân thủ, việc chấp hành của các cơ quan chức năng, nhà thầu, đơn vị thi công, người lao động và cả người dân chưa nghiêm, còn có biểu hiện lơ là, chủ quan.

Để hạn chế tai nạn lao động, trước hết, chủ đầu tư, chỉ huy công trình, người lao động phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn; quán triệt, phổ biến kỹ các quy định từ đội ngũ cán bộ quản lý đến từng người lao động; triển khai các biện pháp cảnh báo, hướng dẫn, bảo vệ nghiêm ngặt khu vực công trường khi thi công; nhanh chóng phục hồi hiện trạng mặt bằng các khu vực liên quan khi hoàn thành các hạng mục. Đối với người lao động, phải nắm chắc, tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, kịp thời báo cáo và có các giải pháp ngăn chặn nguy cơ gây mất an toàn.

Các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với chủ công trình cố tình vi phạm; nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời khi phát hiện những nguy cơ gây mất an toàn để đơn vị thi công khắc phục; tích cực tuyên truyền cho người dân địa phương các nguy cơ tai nạn để mọi người chủ động phòng tránh. Các gia đình ở gần công trường xây dựng cũng cần quản lý chặt chẽ con nhỏ, nhắc nhở thành viên không được phép đi vào các khu vực cấm, đang thi công. Ngoài ra, cần tăng cường đầu tư kinh phí, mua sắm trang thiết bị tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hiện đại, huấn luyện, tập huấn bài bản để lực lượng chức năng có thể xử trí, ứng phó kịp thời khi có tình huống.

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được tai nạn đáng tiếc tại các khu vực công trình xây dựng nếu như mọi tổ chức, cá nhân có ý thức, nắm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo đảm an toàn.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/y-thuc-va-trach-nhiem-trong-xay-dung-715649