Ý Yên tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo
Cùng với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất (CSVC) trường, lớp là những yếu tố quyết định chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục (CSGD). Những năm qua, huyện Ý Yên đã quan tâm đầu tư CSVC, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo (GD và ĐT).
Để xây dựng CSVC trường đạt chuẩn quốc gia, chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn gắn với lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân trong huyện tập trung rà soát lại diện tích đất của các CSGD, từ đó kịp thời quy hoạch, bổ sung, mở rộng diện tích đất cho các CSGD, đặc biệt là các trường mầm non. Tập trung đầu tư CSVC, trang thiết bị dạy học và các khối công trình theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Các nhà trường xây dựng kế hoạch và các giải pháp thu hút các nguồn lực hợp pháp đầu tư cho giáo dục; đầu tư CSVC, thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT 2018; tăng cường CSVC, thiết bị, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trường xanh - sạch - đẹp - an toàn góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Năm học 2023-2024, cấp mầm non đã bổ sung 7 phòng học mới; xây mới 2 nhà đa năng, 7 bếp ăn; làm mới và cải tạo nâng cấp 6 sân trường; xây mới, sửa chữa và nâng cấp 13 nhà vệ sinh... Một số địa phương như Yên Bình, Hồng Quang đã hoàn tất các thủ tục để chuẩn bị xây dựng trường ra khu mới đảm bảo đủ diện tích, khang trang hiện đại. Cấp tiểu học đang hoàn thiện và đưa vào sử dụng 14 phòng học, phòng chức năng; 2 nhà đa năng. Huy động các nguồn tài trợ đủ thiết bị và phương tiện: máy chiếu, ti vi cho 100% các khối lớp nhằm khai thác hiệu quả các học liệu điện tử thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tập trung các nguồn vận động tài trợ và ngân sách nhằm xây mới công trình vệ sinh, tăng cường trang thiết bị, bàn ghế trong các lớp học và phòng học chức năng; cải tạo, nâng cấp các công trình: hệ thống sân vườn, lán xe, nhà vệ sinh. Một số xã như Yên Khang, Yên Chính, Yên Thọ đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng nhà đa năng cho các nhà trường... Cấp THCS đã khai thác, tận dụng các thiết bị hiện có, thiết bị tự làm, học liệu điện tử để tổ chức các hoạt động dạy và học. Số ti vi thông minh và máy chiếu trang bị cho dạy học và các hoạt động giáo dục của các trường đạt tỷ lệ 99,5%. Xã Yên Đồng đã đầu tư xây dựng mới 12 phòng học, phòng chức năng cho trường THCS. Xã Yên Mỹ đang hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhà đa năng cho trường THCS, xã Yên Chính đang tích cực triển khai dự án chuyển trường THCS ra khu mới với quy mô hiện đại. Kết thúc năm học 2023-2024, các nhà trường trên địa bàn huyện đã tiếp nhận tài trợ được trên 15 tỷ đồng để bổ sung CSVC, trang thiết bị dạy học; toàn huyện đã có 68/95 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục (đạt tỷ lệ 71,57%); 81/95 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 85,26%); 61/95 trường đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, đạt 64,21%. Hiện đã có 10 trường hoàn thiện hồ sơ đề nghị kiểm tra công nhận (2 trường mầm non, 4 trường tiểu học, 4 trường THCS). Số trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia, đạt xanh - sạch - đẹp - an toàn tăng cao, góp phần thắng lợi trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện.
Để nâng cao chất lượng và sử dụng đội ngũ nhà giáo một cách có hiệu quả, trên cơ sở rà soát thực tế đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên, nhân viên các nhà trường, Phòng GD và ĐT huyện phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện điều động, luân chuyển, biệt phái, tăng cường CBQL, giáo viên, nhân viên từ nơi thừa sang nơi thiếu. Năm học 2023-2024 đã điều động 35 giáo viên, biệt phái 22 giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu và tăng cường 31 CBQL, giáo viên sang các trung tâm học tập cộng đồng; tham mưu UBND huyện tuyển dụng 31 nhân viên kế toán, 68 giáo viên cho các trường mầm non, 48 giáo viên cho các trường tiểu học. Huyện chỉ đạo các đơn vị chức năng tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao về trình độ đào tạo và lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện chương trình; đổi mới sinh hoạt tổ - nhóm chuyên môn theo nghiên cứu bài học; việc tổ chức kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; việc xây dựng kế hoạch và chuyên đề dạy học; nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi; đặc biệt là việc tổ chức tập huấn, hội thảo để triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Tổ chức tốt Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp để đội ngũ giáo viên học tập, trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm.
Phòng GD và ĐT phối hợp Ban Tuyên giáo huyện ủy tổ chức lớp bồi dưỡng chính trị trực tuyến trong dịp nghỉ hè cho 2.412 CBQL, giáo viên toàn ngành; phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho CBQL, giáo viên… góp phần tạo chuyển biến tích cực về chính trị, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ CBQL, giáo viên trong việc vận dụng vào thực tiễn quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy của giáo viên.
Đặc biệt, phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) tiếp tục được duy trì. Năm 2023 huyện có 48 SKKN dự thi cấp tỉnh, 24 SKKN được công nhận cấp tỉnh; năm 2024, có 397 SKKN được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng cấp huyện. Các trường tham gia phong trào có hiệu quả gồm: THCS Lê Quý Đôn, Yên Minh, Yên Mỹ, Yên Phú, Yên Phương; Tiểu học Yên Bình, Yên Tiến, Yên Phú, Yên Khánh, Yên Quang, Yên Dương, Yên Nhân, Yên Lộc, Yên Thắng; Mầm non thị trấn Lâm, Yên Cường, Yên Lộc, Yên Thắng,…
Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện kết hợp giải quyết kịp thời, minh bạch, đúng quy định các chế độ chính sách của Nhà nước đối với đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên. Phòng GD và ĐT rà soát để thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Đội ngũ CBQL, giáo viên, nhân viên được thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần từ các cấp quản lý thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao; việc tuyên dương khen thưởng cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc; trao quà động viên giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Việc tập trung đồng bộ tăng cường CSVC, nhân lực, trang thiết bị đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ĐT”. Năm học 2023-2024, GD và ĐT huyện Ý Yên đạt được những thành tích quan trọng: Chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì và phát triển ở các cấp học. Chất lượng học sinh giỏi lớp 8, lớp 9 có tiến bộ vượt bậc với 181 học sinh của 12 đội tuyển đoạt giải (13 giải Nhất, 73 giải Nhì, 52 giải Ba và 43 giải Khuyến khích); có 4/12 đội xếp thứ nhất (Toán 9, Ngữ văn 9, Địa lí 9, Hóa học 9). Tiêu biểu là các trường THCS Lê Quý Đôn, Yên Phú, Yên Bình, Khiếu Năng Tĩnh, Yên Ninh, Yên Thắng, Yên Tiến, Yên Phúc... Tham dự Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) cấp tỉnh, đoạt giải Nhất với tổng số 61 giải (2 giải Nhất, 16 giải Nhì, 23 giải Ba, 20 giải Khuyến khích). Có 7 học sinh tham gia HKPĐ toàn quốc, trong đó có 1 học sinh đoạt giải Huy chương Đồng. Những trường có thành tích xuất sắc như: THCS Yên Tiến, Yên Tân, Yên Đồng, Yên Minh. Thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 có nhiều chuyển biến tích cực với 30 học sinh trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tăng 11 học sinh so với năm học trước. Kết quả thi tốt nghiệp THPT cùng với các huyện trong tỉnh giữ vững thứ hạng cao trong top đầu cả nước.