Yagi ở châu Á, Boris ở châu Âu, Helene ở Mỹ: Tại sao tháng 9 này nhiều bão mạnh?

Chỉ trong tháng 9, chúng ta đã chứng kiến siêu bão Yagi mạnh hiếm có ở Biển Đông, bão Boris gây mưa kỷ lục ở nhiều nước châu Âu và vừa rồi là bão Helene tàn phá nhiều bang ở nước Mỹ. Có phải Trái Đất đã có một tháng 9 nhiều mưa bão hơn bình thường, và lý do có phải chỉ là biến đổi khí hậu?

Đầu tháng 9, siêu bão Yagi (ở nước ta gọi là cơn bão số 3, Philippines gọi là bão Enteng) đã tàn phá nhiều nơi ở châu Á. Giữa tháng 9, bão Boris gây mưa và ngập lụt kỷ lục ở nhiều nước châu Âu. Vừa rồi, vào cuối tháng 9, bão Helene đổ bộ khu vực Big Bend thuộc bang Florida (Mỹ), là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từng đổ bộ khu vực này.

Đấy là chưa kể đến những cơn bão khác như bão Bebinca, bão Soulik (nước ta gọi là cơn bão số 4)…

Như vậy, đúng là tháng 9 năm nay có nhiều bão mạnh và rất nhiều mưa, mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo một số trang báo của châu Âu và Philippines thì tháng 9 này nhiều mưa hơn so với cùng thời kỳ nhiều năm.

Nhiều cây xanh ở Quảng Ninh (Việt Nam) bị gãy đổ do bão Yagi. Ảnh: TPO.

Nhiều cây xanh ở Quảng Ninh (Việt Nam) bị gãy đổ do bão Yagi. Ảnh: TPO.

Nhiều người sẽ nghĩ đây là hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra, nhưng kết luận như vậy là hơi sớm, theo AFP.

Nhà khoa học Liz Stephens ở Ủy ban Chữ Thập Đỏ giải thích: “Trên thế giới có nhiều kiểu thời tiết khác nhau. Rất khó để nói rằng tất cả chúng đều chỉ do biến đổi khí hậu. Nhưng về cơ bản, nhiệt độ của bầu khí quyển mà tăng 1oC thì độ ẩm tăng 7%”.

“Trên thế giới lúc nào cũng có một số kiểu thời tiết cực đoan nào đó,” - ông Paulo Ceppi của Học viện Grantham (thuộc trường Imperial College London, Anh) nói với trang AFP - “nhưng mức độ của chúng, đặc biệt là về lượng mưa, tăng lên do sự ấm lên của Trái Đất”. Nói ngắn gọn thì hành tinh càng nóng sẽ càng nhiều mưa bão.

Hình ảnh ngập lụt do bão Boris ở Glucholazy (Ba Lan) vào ngày 15/9. Ảnh: SERGEI GAPON/ AFP.

Hình ảnh ngập lụt do bão Boris ở Glucholazy (Ba Lan) vào ngày 15/9. Ảnh: SERGEI GAPON/ AFP.

Nhưng biến đổi khí hậu có thể không phải là nguyên nhân duy nhất. Việc La Nina sắp đến cũng làm tăng lượng mưa ở nhiều nơi trên thế giới, nên không chỉ tháng 9 nhiều mưa hơn mà mùa Đông năm nay ở Đông Nam Á được dự báo sẽ lạnh hơn và ẩm hơn (nhiều mưa hơn).

Tóm lại, việc có nhiều bão ở khắp nơi trên thế giới trong tháng 9 năm nay có thể là chuyện bình thường hoặc ngẫu nhiên, nhưng bão nhìn chung sẽ ngày càng mạnh hơn là do sự ấm lên toàn cầu (mà mùa Hè năm 2024 ở bán cầu Bắc có nhiệt độ cao chưa từng thấy, vượt cả kỷ lục của năm ngoái).

Một người dân lội ở khu vực ngập lụt do bão Helene tại Florida (Mỹ). Ảnh: Thomas Simonetti for The Washington Post via Getty Images.

Một người dân lội ở khu vực ngập lụt do bão Helene tại Florida (Mỹ). Ảnh: Thomas Simonetti for The Washington Post via Getty Images.

Cho nên, việc có bão mạnh liên tiếp ở các châu lục khác nhau trên thế giới có lẽ sẽ không còn là chuyện "ngoại lệ" mà sẽ trở nên thường xuyên hơn trong những năm tới, nếu con người không có các biện pháp để hạn chế sự nóng lên của Trái Đất.

Thục Hân

Theo nhiều nguồn tin

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/yagi-o-chau-a-boris-o-chau-au-helene-o-my-tai-sao-thang-9-nay-nhieu-bao-manh-post1677802.tpo