Yeah1 khủng hoảng, sụt giá hay về giá trị thật?

Việc được định giá ban đầu quá cao kèm theo mô hình kinh doanh kém bền vững là những lý do mà nhiều chuyên gia tài chính cho rằng cổ phiếu Yeah1 khó có thể phục hồi.

Những ngày qua, thị trường chứng khoán chứng kiến màn lao dốc của cổ phiếu Yeah1 (mã chứng khoán YEG). Tính từ ngày 4/3, cổ phiếu YEG, từ mức giá 245.000 đồng/cổ phiếu giảm giá 8 phiên liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/3, YEG tụt xuống mức giá sàn 147.600 đồng/cổ phiếu. Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 13/3, YEG tiếp tục giảm sàn, về 137.300 đồng/cổ phiếu.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn tại phiên giao dịch 12/3, nhóm "tháo chạy" khỏi YEG chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài. Khối này đã bán ròng gần 110.000 cổ phiếu YEG, chiếm trên 80% khối lượng giao dịch trong ngày.

Sáng nay, số cổ phiếu dư bán ở mức kỷ lục gần 2,16 triệu cổ phiếu YEG ở mức giá sàn, trong khi cả phiên sáng mới có hơn 17.000 cổ phiếu khớp lệnh (tất cả đều ở giá sàn).

Giá cổ phiếu biến động là điều rất bình thường trên sàn chứng khoán, phần lớn đến từ 2 nguyên nhân: thị trường (yếu tố khách quan) và bản thân công ty (yếu tố chủ quan).

Trong những ngày qua, thị trường chứng khoán Việt Nam ổn định xung quanh mức 1.000 điểm, giá cổ phiếu YEG sụt giảm chủ yếu đến từ nội tại công ty mà sự việc YouTube chấm dứt Thỏa thuận lưu trữ nội dung (gọi tắt là CHSA) với Yeah1 chính là “chất xúc tác”.

Sự cố với YouTube chỉ là mở đầu

Chào sàn chưa đầy một năm, từ tháng 7/2018, đây không phải là lần giảm giá mạnh đầu tiên của cổ phiếu YEG. Còn nhớ chỉ vỏn vẹn 1 tháng sau lần phát hành đầu tiên ra công chúng, cổ phiếu YEG đã mất giá đến 50%.

“Sự việc với YouTube làm giảm giá trị của cổ phiếu YEG trong liên tiếp 8 phiên thế này mở ra sự thiếu ổn định trong hoạt động của Yeah1” - ông Hà Uyên Việt, chuyên phân tích với 5 năm kinh nghiệm phía mua (buy-side) của một quỹ đầu tư tại Hà Nội, đồng thời là nhà đầu tư theo trường phái giá trị, chia sẻ với Zing.vn.

Ngược trở lại 4 năm trước, trong năm tài chính 2015, Yeah1 từng kêu gọi vốn với 3 trụ cột kinh doanh chính: truyền thông (phim ảnh, quảng cáo, MCN), cổng thanh toán điện tử (WebMoney - có nguồn gốc từ Nga), và thương mại dịch vụ (phát triển mảng bất động sản cho giới trẻ).

Kỳ vọng của Yeah1 sẽ đạt doanh thu 41 triệu USD và 8 triệu USD lợi nhuận sau thuế vào năm 2017, trong đó mảng thanh toán điện tử chiếm 70%. Thế nhưng kết quả kinh doanh năm 2017 cho thấy Yeah1 thất bại cả hai tiêu chí, doanh thu chỉ đạt khoảng 37,5 triệu USD, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt khoảng 1/3 chỉ tiêu đề ra. Nhân tố chủ lực mang lại nguồn thu, không phải từ WebMoney như kỳ vọng mà từ quảng cáo trực tuyến, chiếm gần 60%, theo báo cáo tài chính của công ty.

“Cổng thanh toán WebMoney thời gian 2015-2017 đóng góp rất ít vào doanh thu của YEG còn hiện nay WebMoney gần như chỉ còn tồn tại tư cách pháp nhân chứ không còn hoạt động thanh toán điện tử. Nếu so sánh kỳ vọng và những hứa hẹn trong lần gọi vốn 4 năm trước với hiện tại thì thấy rõ được YEG có phần ‘đi trật đường ray’” - ông Việt nhấn mạnh.

“Chiến lược kinh doanh năm 2015 và chiến lược cho IPO 2018 khác nhau. Có vẻ như mỗi lần gọi vốn là một bản chiến lược mới như vậy “ - ông Việt đặt câu hỏi về sự nhất quán trong chiến lược kinh doanh của YEG - ông Uyên Việt nói thêm.

Yeah1 tham vọng trở thành một công ty công nghệ/truyền thông. Ngoài cổng thanh toán điện tử WebMoney, YEG từng phát triển phần mềm Kash - một nền tảng kết nối KOL và các nhà quảng cáo. Nhưng cũng như WebMoney, Kash lại là một thất bại.

Bình luận về việc YEG mua lại công ty thiên về mảng công nghệ Netlink, ông Việt cho rằng đó là động thái nhằm tăng tỷ trọng “công nghệ” của YEG.

“Sau khi mua Netlink, YEG chưa tự xây dựng được một đội ngũ team in-house để phát triển nền tảng này, cải thiện mảng công nghệ của mình. Thế mạnh của YEG vẫn là phát triển nội dung và các phần về truyền thông, giải trí hơn là về các hoạt động liên quan đến công nghệ”.

Nhà đầu tư lúc này nên làm gì?

8 phiên giảm giá liên tiếp và sự thiếu nhất quán trong chiến lược kinh doanh khiến nhà đầu tư hoang mang không biết nên làm gì tiếp theo.

Cổ phiếu YEG khi lần đầu phát hành ra công chúng với mức giá kỷ lục 300.000 đồng/cổ phiếu và được định giá lên đến 400 triệu USD.

Trả lời việc liệu cổ phiếu YEG có thể phục hồi lại được mức giá như khi IPO không, nhiều chuyên gia cho rằng điều đó khả năng đó khó có thể xảy ra.

“Bản thân lúc chào sàn, định giá của YEG đã quá cao nên việc phục hồi lại theo tôi gần như là điều không thể” - ông Uyên Việt nhấn mạnh.

Trước YEG, UUUM, tập đoàn dẫn đầu Nhật Bản về hệ thống đa kênh Youtube, vào tháng 8/2017 lần đầu tiên chào bán đến công chúng với trị giá vốn hóa trên 300 triệu USD. UUUM phần nào giống Yeah1Network (Y1N) của YEG. Dựa trên chỉ số về doanh thu cũng như lợi nhuận sau thuế và tỷ lệ ROE của UUUM, tính toán cho trường hợp của YEG, ông Uyên Việt cho biết kết quả vốn hóa của YEG chỉ rơi khoảng 50-100 triệu USD mà thôi.

“Với việc định giá lên đến 400 triệu USD, trường hợp của Yeah1, tôi gọi là bán kỳ lân. Kỳ lân dành cho những công ty có giá đến 1 tỷ USD như Facebook. Tuy vậy, nghiên cứu của Đại học Stanford chỉ ra rằng những công ty dạng này thường được thổi giá cao hơn 48%. Tôi nghĩ trường hợp của Yeah1 không phải ngoại lệ.”

Theo ông Uyên Việt, trường hợp của YEG, nhà đầu tư khi quyết định mua vào cổ phiếu với giá cao như vậy nghĩa là mua niềm tin tương lai với kỳ vọng trong đây là ngành sẽ tăng trưởng nhanh và mạnh. Trong khi đó, báo cáo của HSC cho thấy với kịch bản xấu nhất, Yeah1 có thể mất tới 83% lợi nhuận.

Ngoài thị giá của cổ phiếu, giá cổ phiếu trên sổ sách (P/B) cũng giảm đáng kể. Từ mức 7,5 lần trong cáo bạch hồi tháng 6/2018 của YEG, kết phiên giao dịch 12/3, chỉ số này của Yeah1 chỉ còn 2.91.

“Trong lịch sử sàn HoSE, chỉ số P/B trung bình dao động từ 1,20 lần đến 4,59 lần. P/B trước lúc chào sàn của YEG ở mức cao đặc biệt chứng tỏ công ty cho rằng phần lớn giá trị định giá của mình đến từ doanh thu dự kiến, chứ hoàn toàn không có bất kỳ tài sản đảm bảo nào trong bảng cân đối kế toán. Giờ đây, doanh thu dự kiến sụt giảm, triển vọng kinh doanh cũng sụt giảm theo” - ông Lê Việt Hùng, người có kinh nghiệm môi giới chứng khoán 6 năm chia sẻ.

"Động thái mua lại cổ phiếu của thành viên HĐQT YEG vừa rồi nhằm đỡ giá cổ phiếu YEG trong lúc nó đang lao dốc mà thôi. Tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nên sáng suốt trong thời điểm này. Trừ phi có những tham số tác động tích cực một cách vô cùng đột biến, nắm giữ cổ phiếu này là khá rủi ro" - ông Hùng đưa ra lời khuyên.

Phương Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/yeah1-khung-hoang-sut-gia-hay-ve-gia-tri-that-post924952.html