Yên Bái chuyển đổi cây trồng trên đất lúa tăng hiệu quả thu nhập cho người dân
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Với mục tiêu từng bước nâng cao thu nhập trên một ha đất lúa, những năm qua, thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng trên đất ruộng thiếu nước, kém hiệu quả.
Thời gian qua, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất ruộng kém hiệu quả, thiếu nước, huyện Nghĩa Lộ còn chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trong, ngoài tỉnh mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sản xuất an toàn, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, triển khai thử nghiệm các mô hình sản xuất mới, có chất lượng, giá trị để nhân rộng, tạo thu nhập ổn định trên đất ruộng cho nông dân.
Từ chuyển đổi cây trồng phù hợp, đã có nhiều hộ xây được nhà mới, mua sắm nhiều đồ dùng có giá trị. Có được kết quả này, thời gian qua, ngoài việc đưa mục tiêu chuyển đổi cây trồng vào nghị quyết hàng năm để thực hiện, huyện Văn Chấn còn chỉ đạo các đoàn thể xây dựng, triển khai có hiệu quả việc trao đổi kinh nghiệm để các tổ hợp tác, nông dân trồng dưa lê, dưa hấu, rau màu được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như liên kết tạo ra sản phẩm ổn định, an toàn cho thị trường.
Vụ xuân 2022, thị xã Nghĩa Lộ có hơn 64 ha đất ruộng kém hiệu quả, thiếu nước được chuyển sang trồng các loại cây rau màu khác. Trong đó, diện tích dưa hấu gần 28 ha, dưa lê hơn 5 ha, còn lại là ớt, mướp đắng, rau các loại… tổng giá trị kinh tế ước đạt từ 200 - 300 triệu đồng/ha/năm và bình quân 3 vụ/năm.
Từ hiệu quả kinh tế này, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường liên kết sản xuất chặt chẽ tránh gây thiệt hại cho người dân. Làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng các mô hình sản xuất VietGAP, tiếp tục hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật cho nông dân, đưa các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng vào canh tác đa dạng hơn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường.