Yên Bái cụ thể hóa chủ trương 'Giáo dục là quốc sách hàng đầu'

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã có những bước đi đầy ấn tượng trong việc cụ thể hóa chủ trương 'Giáo dục là quốc sách hàng đầu' thông qua các chính sách giáo dục nhân văn nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương...

Một giờ học của cô và trò điểm trường Liên Sưu, Trường Mầm non Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

Một giờ học của cô và trò điểm trường Liên Sưu, Trường Mầm non Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

Đương thời, nhà chính trị văn hóa Phạm Văn Đồng từng bày tỏ quan điểm thực hiện "Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Ông cho rằng: "Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay, ở nước ta, nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha, một cách khẩn trương, một cách thiết thực cả hai: giáo dục phải xếp hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau”.

Quan điểm này được đưa vào trong rất nhiều các nghị quyết của Đảng ta, hiện thực hóa bằng những chính sách giáo dục cụ thể. Yên Bái là một địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn, song tỉnh luôn ưu tiên phát triển giáo dục.

Bên cạnh những chính sách của Trung ương, Yên Bái có nhiều chính sách riêng của tỉnh, những chính sách này được đánh giá cao bởi tính nhân văn và hiệu quả dành cho giáo dục vùng khó.

Có thể thấy rằng, tỉnh Yên Bái đã có những bước đi đầy ấn tượng trong việc cụ thể hóa chủ trương "Giáo dục là quốc sách hàng đầu” thông qua các chính sách giáo dục nhân văn nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương, đồng thời tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Đáng chú ý, những năm gần đây, nhiều chính sách giáo dục của tỉnh đã nhận được phản hồi tích cực từ phía người dân cũng như những nhà giáo dục từ Trung ương tới địa phương. Trong nhiều buổi làm việc với tỉnh Yên Bái, với ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Yên Bái, lãnh đạo Bộ GD&ĐT luôn đánh giá cao và cho rằng những chính sách riêng của tỉnh là động lực mạnh mẽ cho giáo dục của địa phương phát triển.

Giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh Yên Bái đã ban hành 4 nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT, 1 nghị quyết của HĐND tỉnh về việc thông qua một số đề án phát triển GD&ĐT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án phát triển giáo dục mầm non, Đề án triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái, Đề án phát triển Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái).

Các nghị quyết góp phần giải quyết được những khó khăn, bất cập xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, chăm lo cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển sự nghiệp GD&ĐT.

Với đặc thù Yên Bái là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cùng với địa hình đồi núi chia cắt, nên trong nhiều năm qua, mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ra đời đã thể hiện được tính ưu việt của mô hình trường học đặc thù tại các địa phương vùng cao.

Khi thực hiện các chính sách của Trung ương về hỗ trợ đối với học sinh được hưởng chế độ bán trú tại tỉnh, Yên Bái cũng đã xây dựng chính sách riêng cùng với chính sách Trung ương giúp giảm bớt khó khăn, thu hút học sinh vùng cao tới trường.

Trong đó có thể kể đến chính sách hỗ trợ Nghị quyết số 57/2016/NQ-HĐND hỗ trợ ăn trưa cho học sinh trường PTDTBT học 2 buổi/ngày từ tháng 9/2017 đến hết năm 2020 được ví như "lấp đầy” những "vùng lõm” khi thực hiện các chính sách của Trung ương. Đã có 13.125 lượt học sinh được hỗ trợ tiền ăn trưa với số tiền 10,239 tỷ đồng.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) đang diễn ra rộng khắp cả nước, Yên Bái cũng nằm trong tiến trình ấy. Khắp nơi trong tỉnh, rộn ràng khí thế phấn đấu xây dựng NTM đặc biệt ở vùng cao. Nhiều thôn, nhiều xã đã xây dựng NTM thành công không chỉ là danh hiệu mà là bộ mặt nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng đi kèm với đó là những khó khăn đối với học sinh thuộc những hộ nghèo, cận nghèo thôi hưởng chế độ bán trú của Nhà nước.

Trước tình hình đó, Yên Bái đã có những chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 70/2020/NQ-HĐND đã có 23.824 lượt đối tượng hưởng các chính sách (như phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú, quản lý học sinh bán trú, hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT) với kinh phí trên 40 tỷ đồng.

Tiếp đó chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND), đã có 2.452 lượt đối tượng hưởng các chính sách (như phục vụ nấu ăn cho học sinh bán trú, quản lý học sinh bán trú, hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh học 2 buổi/ngày, tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT; hỗ trợ tiền ăn, tiền mua gạo cho học sinh ở các xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú khi xã đạt chuẩn NTM; hỗ trợ ăn trưa đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT khi xã đạt chuẩn NTM) với kinh phí trên 5,7 tỷ đồng.

Năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND với các chính sách: hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đây thực sự là chìa khóa giải bài toán hỗ trợ học sinh thôi hưởng chế độ bán trú vốn tưởng chừng khó khăn ảnh hưởng tới tỷ lệ chuyên cần. Đặc biệt là các chính sách với trường mầm non, trẻ mầm non: hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở giáo dục có trên 225 trẻ.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho các trường PTDTBT, trường phổ thông có học sinh bán trú có trên 150 học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn trưa tập trung cho học sinh học 2 buổi/ngày tại trường PTDTBT; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú.

Một giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)

Một giờ học tiếng Anh của cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải, huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: T.L)

Theo số liệu thống kê từ Sở GD&ĐT, từ tháng 9/2023 đến nay, toàn tỉnh hỗ trợ 9.488 lượt đối tượng hưởng các chính sách hỗ trợ với tổng kinh phí trên 21,8 tỷ đồng. Mới đây nhất, tỉnh Yên Bái đã quyết định hỗ trợ học phí cho 100% học sinh các cấp trên địa bàn toàn tỉnh năm học 2024 - 2025 sau cơn bão Yagi.

Những con số minh chứng cho sự quan tâm cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp của tỉnh Yên Bái đối với công tác giáo dục. Mỗi nghị quyết được ban hành đều mang lại niềm hạnh phúc cho thầy và trò khắp nơi trong tỉnh.

Khó khăn, thách thức đối với ngành GD&ĐT là không ít, song cán bộ, giáo viên, học sinh của tỉnh Yên Bái không đơn độc mà cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp sẵn sàng đồng hành và cùng tháo gỡ khó khăn cùng với ngành GD&ĐT. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh và cả nước ngoài cũng đồng hành cùng với ngành giáo dục thông qua sự mời gọi, tạo điều kiện của tỉnh…

Tất cả những nỗ lực ấy đã mang lại những kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục ở Yên Bái từng bước được nâng lên, được thể hiện qua các chỉ số như tỷ lệ học sinh giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Riêng năm học 2023 - 2024, tỉnh Yên Bái đạt 40 giải học sinh giỏi quốc gia, tăng 7 giải so với năm trước; có 2 dự án đạt giải Nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; 1 dự án đạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Ba cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp quốc gia; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 99,4%, cao hơn năm trước… Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hiện nay đạt 77,4%, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt gần 90%.

Đây là những thành quả đáng tự hào, khẳng định sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc cụ thể hóa chủ trương "Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Yên Bái cũng đang đối mặt với không ít thách thức như chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng, thiếu hụt về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo ở một số địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa. Đây là những vấn đề cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới để hoàn thiện hơn nữa hệ thống giáo dục của địa phương.

Những chính sách giáo dục nhân văn ở Yên Bái đã thể hiện rõ nét chủ trương "Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu này, cần có sự hỗ trợ và chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng. Đó là nền tảng, tiền đề cho sự phát triển bền vững của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/330784/yen-bai-cu-the-hoa-chu-truong-giao-duc-la-quoc-sach-hang-dau.aspx