Yên Bái: Làm rõ nhiệm vụ theo từng tháng, từng quý gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể
Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Chiều 5/7, đồng chí Trần Huy Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024; thông qua dự thảo Quyết định của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số diều của Quy chế quản lý hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Quyết định số 33 ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh.
10 chỉ tiêu đạt và vượt kịch bản tăng trưởng
6 tháng đầu năm, bám sát phương châm hành động, chủ đề công tác của năm, UBND tỉnh tiếp tục ban hành đầy đủ và triển khai kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả các kế hoạch, chương trình, kịch bản thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Các ngành, địa phương đã chủ động, tích cực thực hiện nghiêm túc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện nghiêm chế độ làm việc. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Trong 6 tháng đầu năm có 10 chỉ tiêu có kết quả thực hiện đạt và vượt so với kịch bản tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 5,36%, đứng thứ 10/14 tỉnh trong khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tốc độ tăng trưởng đạt 5,1%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng và thứ 6/63 tỉnh, thành phố; huyện Yên Bình được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,2%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,3%. Số lượt khách du lịch tăng 28%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 28,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10%. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 10,2%. Số lao động được tạo việc làm mới tăng 5%...
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 tiếp tục đứng trong nhóm trung bình cao, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 8 bậc so với năm 2022. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tăng 4 bậc so với năm 2022 và đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 39/63 tỉnh, tăng 12 bậc. Chỉ số hài lòng của doanh nghiệp, người dân về sự phục vụ của các cơ quan hành chính(SIPAS) đứng thứ 09/63 tỉnh, thành phố (tăng 02 bậc so với năm 2022).
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân.
4 chỉ tiêu không đạt kịch bản tăng trưởng
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn 4 chỉ tiêu không đạt so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; giá trị xuất khẩu hàng hóa; thu ngân sách nhà nước; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, tập trung làm rõ các kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và các nhiệm vụ trọng tâm thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương; nhất là các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn thấp, chưa đạt so với kịch bản tăng trưởng, đồng thời đề xuất các giải pháp để đảm bảo hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Các đại biểu cũng đã thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Quyết định của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý hoạt động thông tin đối ngoại tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 của UBND tỉnh; báo cáo tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025; báo cáo kết quả rà soát các nhiệm vụ được giao tại các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương ban hành.
Thảo luận tại Hội nghị, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung làm rõ hơn những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những khó khăn, vướng mắc đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn thấp, chưa đạt kịch bản tăng trưởng… Đồng thời đề xuất các kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức
Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: có địa phương còn lúng túng, chưa triển khai đúng các bước quy định của Trung ương và chỉ đạo của UBND tỉnh trong thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025; trong thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhân dân làm phát sinh vấn đề gây bức xúc, dư luận không tốt trong nhân dân; tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chưa phát huy vai trò trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các địa phương cũng như của một số cán bộ công chức, viên chức; tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, thậm chí còn nhũng nhiễu trong thực thi công vụ chưa được xử lý dứt điểm…
Làm rõ nhiệm vụ theo từng tháng, từng quý gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể
Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Huy Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện các nghị quyết, kết luận, chương trình của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh gắn với mục tiêu "Kết thúc năm 2024, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh đã đề ra”; khẩn trương rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện các chỉ tiêu đạt thấp, chưa đạt so với kịch bản để có giải pháp hiệu quả, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; làm rõ nhiệm vụ theo từng tháng, từng quý gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong tổ chức thực hiện; tăng cường và thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm trong xử lý công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong quá trình tham mưu cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ, các sở, ngành, địa phương cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của từng tháng, từng quý, từ đó có kế hoạch cụ thể để tập trung thực hiện. Các cơ quan được giao chủ trì các báo cáo, tờ trình trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh chủ động giải trình, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện các tài liệu bảo đảm chất lượng và tiến độ; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công, dự toán ngân sách Nhà nước 2025, kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2025 - 2027 đảm bảo thời gian, chất lượng; đặc biệt cần chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức đại hội Đảng các cấp, quan tâm công tác nhân sự chuẩn bị cho đại hội…
Đồng chí đề nghị các địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ phát triển các ngành nông lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch; chủ động thực hiện hiệu quả kịch bản thu ngân sách, điều chỉnh linh hoạt các giải pháp để bảo đảm hoàn thành dự toán đề ra; bảo đảm an sinh xã hội, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và làm nhà ở cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đề án của UBND tỉnh…