Yên Bái nỗ lực đổi mới giáo dục
Giáo dục đang trải qua những biến chuyển mạnh mẽ để thích ứng với yêu cầu phát triển thời đại mới. Tỉnh Yên Bái cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Để hiểu rõ hơn về những nỗ lực và chiến lược đổi mới giáo dục tại địa phương trong thời gian qua, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thu Hương - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh.
P.V: Bà có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành giáo dục Yên Bái trong năm học 2023 - 2024?
Bà Nguyễn Thu Hương: Trong những năm qua, ngành GD&ĐT luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tích cực tham mưu đề xuất, triển khai các giải pháp thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của ngành có nhiều đổi mới theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả; kỷ cương, nền nếp trong các đơn vị, nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp học được sắp xếp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, đến nay tỷ lệ kiên cố đạt 88%.
Công tác xây trường đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 342 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 77,4%, trong đó có 94 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, tăng 36 trường so với năm học trước. Đội ngũ được quan tâm phát triển cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên; công tác phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tiếp tục được quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp tích cực, số lượng học sinh giỏi quốc gia tăng so với năm học trước. Năm học 2023 - 2024, đạt 40 giải, tăng 7 giải so với năm trước.
Công tác ôn tập cho học sinh lớp 12 được triển khai bài bản, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,4%, cao hơn năm trước 0,56%. Hoạt động giáo dục STEM, nghiên cứu khoa học, giáo dục gắn với thực tiễn được ngành chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đạt kết quả tích cực. Năm 2024, có 2 dự án tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đạt giải Nhì; 1 dự án đạt giải Nhì, 1 dự án đạt giải Ba Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”.
Công tác giáo dục đạo đức, chính trị, tư tưởng, kỹ năng sống cho học sinh có chuyển biến tích cực; công tác giáo dục dân tộc, giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh được chú trọng. Công tác xây dựng "Trường học hạnh phúc”, "Trường học xanh”, "Trường học chuyển đổi số” được triển khai thực hiện bài bản, hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn ngành. Năm học 2023 - 2024, đã có 400/451 cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc”, đạt 88,7%; 80,5% cơ sở giáo dục đạt tiêu chí "Trường xanh”; 52,9% cơ sở giáo dục đạt tiêu chí "Trường học chuyển đổi số”.
Công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiếp tục được duy trì và nâng cao, so với năm trước, tăng 11 xã, 1 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; tăng 4 xã, 1 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Các phong trào thi đua, nhất là Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” tiếp tục được triển khai sâu rộng, qua đó đã phát hiện, nhân rộng và lan tỏa nhiều gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, có những sáng kiến hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, những mô hình mới, nhân tố mới,... góp phần khơi dậy tinh thần thi đua sôi nổi trong toàn ngành, trở thành động lực mạnh mẽ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Năm 2024, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có 1 nhà giáo vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.
>> Yên Bái nâng cao chất lượng và chuẩn hóa cán bộ, giáo viên
P.V: Những khó khăn, thách thức lớn nhất mà tỉnh Yên Bái đang phải đối mặt trong việc thực hiện đổi mới giáo dục là gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Hương : Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh khó khăn chung, ngành GD&ĐT phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn trong thực hiện đổi mới giáo dục.
Khó khăn, thách thức lớn nhất hiện nay đối với giáo dục Yên Bái là tình trạng thiếu giáo viên. Tỷ lệ giáo viên hiện có của Yên Bái mới chỉ đạt 86,5% so với định mức, tuy hàng năm tỉnh đã quan tâm cho chủ trương tuyển dụng; nhưng kết quả tuyển dụng không đạt chỉ tiêu, nhất là đối với giáo viên tiếng Anh và Tin học, các môn nghệ thuật.
Để đảm bảo đội ngũ giáo viên, ngành đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài như: biệt phái giáo viên tiếng Anh ở vùng thấp lên vùng cao; có chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh công tác tại các huyện vùng cao; phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại tỉnh; nhờ sự hỗ trợ của ngành GD&ĐT Nam Định, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng bố trí giáo viên dạy trực tuyến môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học, THCS; bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường…
Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức, kỹ năng sang đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Việc chuyển đổi này là thách thức lớn đối với giáo viên và học sinh. Nhiều thay đổi trong nội dung kiểm tra, đánh giá khiến các giáo viên đang phải tìm các phương pháp phù hợp nhất để trang bị kiến thức cho học sinh, nhất là các em học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, cơ sở vật chất tại một số đơn vị trường học cơ bản mới đủ về số lượng nhằm đáp ứng việc dạy học, tuy nhiên còn thiếu phòng học chức năng hoặc thiếu thiết bị trong phòng chức năng. Việc mua sắm một số thiết bị dạy học tối thiểu chưa thực hiện được hoặc thực hiện các khâu còn chậm do vướng mắc về cơ chế, quy trình... ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
P.V: Xin bà cho biết, ngành đã tham mưu và triển khai những nghị quyết, chính sách nào để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các trường ở vùng sâu, vùng xa?
Bà Nguyễn Thu Hương : Để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các trường ở vùng sâu, vùng xa, cùng với việc thực hiện các chính sách của Trung ương, Sở GD&ĐT đã tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ phát triển GD&ĐT tại địa phương. Với mỗi nghị quyết, chính sách được ban hành, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời, đầy đủ, đúng quy định, hiệu quả.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề về phát triển GD&ĐT (Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 20/01/2021; Nghị quyết số 22-NQ/TU, ngày 20/01/2021 của Tỉnh ủy về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2021 - 2025); HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục (Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 về việc thông qua một số đề án phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án phát triển giáo dục mầm non, Đề án triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái; Đề án phát triển Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành, tỉnh Yên Bái); Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, ngày 31/8/2022 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND; Nghị quyết số 59/2021/NQ-HĐND, ngày 17/7/2021 về Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ các hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2021 - 2022; Nghị quyết số 85/2021/NQ-HĐND, ngày 7/12/2021 Quy định về nội dung, mức chi để tổ chức kỳ thi, cuộc thi, hội thi thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo).
Năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 38/2023/NQ-HĐND với các chính sách: hỗ trợ tiền ăn trưa tập trung đối với học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; hỗ trợ tiền ăn và mua gạo cho học sinh bán trú thôi hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là những chính sách rất quan trọng, cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đặc biệt là các chính sách với trường mầm non, trẻ mầm non: hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ mầm non theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở giáo dục có trên 225 trẻ. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú có trên 150 học sinh bán trú; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn trưa tập trung cho học sinh học 2 buổi/ngày tại trường phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ kinh phí phục vụ việc quản lý học sinh bán trú…
Các nghị quyết, chính sách được ban hành đã cơ bản giải quyết được những khó khăn, bất cập xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh nội trú, bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
P.V : Xin trân trọng cảm ơn bà!
Thanh Ba (thực hiện)
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/331167/yen-bai-no-luc-doi-moi-giao-duc.aspx