Yên Khánh chú trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng

Nhiều năm nay, huyện Yên Khánh luôn chú trọng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đưa việc đọc sách trở thành thói quen, nếp sinh hoạt văn hóa lành mạnh, ý nghĩa, góp phần nâng cao dân trí, ổn định tình hình chính trị, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Đảng viên thôn Phúc Hà đọc sách tại Nhà văn hóa thôn.

Đảng viên thôn Phúc Hà đọc sách tại Nhà văn hóa thôn.

Bác Tống Xuân Dân, Bí thư chi bộ xóm 4 Vân Tiến, thôn Phúc Hà, xã Khánh Vân cho biết: Những năm qua, Nhà văn hóa thôn Phúc Hà đã trở thành địa chỉ quen thuộc của những ai yêu thích đọc sách.

Trong không gian văn hóa, người dân và học sinh tìm được niềm vui, kiến thức hữu ích về xã hội, cuộc sống, giáo dục nhân cách qua những cuốn sách tại tủ sách Nhà văn hóa thôn. Nhiều cán bộ, đảng viên trong xóm dành thời gian đọc sách, báo, tạp chí, tài liệu trước mỗi cuộc họp để nâng cao kiến thức, đúc rút kinh nghiệm từ sách, áp dụng hiệu quả thực tiễn công việc mỗi người. Xóm 4, Vân Tiến có 947 nhân khẩu, tỷ lệ đọc sách đạt khoảng 50% dân số.

Đồng chí Tô Văn Thanh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Vân cho biết: Từ năm 2005, Đảng ủy xã Khánh Vân đã xây dựng tủ sách tại Trung tâm văn hóa xã với đầy đủ các đầu sách. Từ cơ sở vật chất các nhà văn hóa thôn được đầu tư, Đảng ủy, UBND xã đã quan tâm, chỉ đạo với các nhà văn hóa thôn xóm có tủ sách, đảm bảo đủ đầu sách các lĩnh vực, phục vụ các đối tượng bạn đọc.

Hàng năm, các thôn, xóm thường xuyên bổ sung thêm sách. Trung bình, mỗi nhà văn hóa có từ 150-200 đầu sách. Qua đó nâng cao nhận thức nhân dân trên mọi lĩnh vực, tình hình an ninh chính trị, đời sống của nhân dân từng bước được ổn định.

Đồng chí Phạm Thị Minh Chính, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Khánh cho biết: Là cán bộ Tuyên giáo, chúng tôi nhận thức được vai trò của việc đọc sách lý luận chính trị cũng như sách, báo, tạp chí của Đảng. Đọc sách giúp chúng tôi rèn luyện bản lĩnh chính trị, cập nhật những kiến thức, thông tin về tình hình chính trị, xã hội, đời sống dân sinh, để từ đó giúp cán bộ Tuyên giáo kịp thời định hướng tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng tới cán bộ, đảng viên về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc đọc sách, báo của Đảng để cập nhật các thông tin chính thức về dịch bệnh rất quan trọng. Hàng ngày, đội ngũ cán bộ, công chức Huyện ủy Yên Khánh dành thời gian đọc các báo, tạp chí chính thống của Đảng.

Đối với các xã, thị trấn, huyện chỉ đạo xây dựng các tủ sách, các thư viện tại Nhà văn hóa xã và trụ sở xã, các nhà văn hóa thôn, xóm, phố để thuận tiện cho nhân dân tìm đọc, nâng cao kiến thức, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân. Nguồn sách, báo được cấp theo đề án của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, sự ủng hộ của con em quê hương….

Tại huyện Yên Khánh, đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đều nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị. Vì vậy, đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và một bộ phận nhân dân trên địa bàn huyện đã dành thời gian để nghiên cứu, đọc, khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị.

Qua đó, giúp cho nhiều cấp ủy, cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức và kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, giải quyết những vấn đề nổi lên trong thực tiễn công tác, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Hiện nay, 19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Yên Khánh có tủ sách tại trụ sở và nhà văn hóa; 19 điểm bưu điện văn hóa; 66 trường học có thư viện trường học và tủ sách lớp học; thư viện huyện có trên 10 tủ sách; có 265/268 thôn, xóm, phố trên địa bàn huyện có ít nhất 1 tủ sách.

Toàn huyện có trên 30 nghìn đầu sách có nội dung về xây dựng Đảng, kiến thức và kỹ năng quản lý Nhà nước; sách phổ biến chính sách pháp luật dưới dạng hỏi - đáp; sách phổ biến kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế; sách hướng dẫn về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe…

Các ấn phẩm đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần tuyên truyền cho nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích. Các xã, thị trấn đã xây dựng quy chế, nội quy quản lý, khai thác, sử dụng sách phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; lập sổ quản lý sách và tổ chức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đọc sách.

Căn cứ điều kiện cụ thể, các xã, thị trấn bố trí đặt tủ sách tại Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, nhà văn hóa xã, bưu điện văn hóa xã hoặc lồng ghép với tủ sách pháp luật. Phân công 1 đồng chí công chức Tư pháp, hoặc cán bộ Văn phòng trực tiếp phụ trách quản lý cùng với tủ sách Pháp luật của đơn vị.

Cán bộ phụ trách có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại, sắp xếp, mở sổ theo dõi, quản lý, hướng dẫn việc đọc, mượn sách. Thời gian phục vụ nhu cầu khai thác sách là tất cả các ngày làm việc trong tuần, bằng hình thức cho mượn hoặc đọc tại chỗ.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-khanh-chu-trong-phat-trien-van-hoa-doc-trong-cong-dong/d20210805180850933.htm