Yên Lập: Nâng cao giá trị kinh tế từ rừng

PTĐT - Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Yên Lập đã thực hiện nhiều giải pháp đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập người dân được nâng lên, nhiều địa phương đổi thay theo hướng tích cực từ phát triển kinh tế rừng.

Công ty TNHH MTV Minh Quang, khu 3, xã Ngọc Đồng chuyên về băm dăm, bóc gỗ, góp phần tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn.

Công ty TNHH MTV Minh Quang, khu 3, xã Ngọc Đồng chuyên về băm dăm, bóc gỗ, góp phần tiêu thụ gỗ nguyên liệu trên địa bàn.

Toàn huyện có trên 33.600ha đất quy hoạch cho phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó đất rừng phòng hộ trên 8.450ha, rừng đặc dụng 330ha và rừng sản xuất trên 24.800ha. Diện tích rừng trồng mới tập trung hàng năm của huyện bình quân khoảng 1.200ha/năm.Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng sản xuất, huyện vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học từ khâu ươm giống đến sử dụng phân bón chuyên dùng và quy trình chăm sóc, tỉa thưa được nhân dân triển khai, bước đầu đầu tư thâm canh đồng bộ. Cây trồng phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng tiểu vùng và các loại đất, do đó rừng trồng phát triển tốt. Năm 2018, sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác ước đạt gần 115.000m3, năng suất gỗ bình quân đạt khoảng 73m3/ha/chu kỳ, riêng năng suất rừng trồng thâm canh đạt 105m3/ha/chu kỳ. Rừng trồng phát triển khiến ngành chế biến gỗ phát triển theo, tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ. Toàn huyện hiện có 198 cơ sở chế biến gỗ, trong đó 16 cơ sở với hình thức doanh nghiệp, còn lại các hộ cá thể.Ông Nguyễn Duy Vững - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: Để nâng cao chất lượng rừng trồng, hạt kiểm lâm tích cực vận động, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng cho nhân dân, đồng thời tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng, giao chỉ tiêu cho các xã. Cùng với đó, lực lượng kiểm lâm tăng cường bám nắm địa bàn, phối hợp với các xã rà soát, tổ chức thiết kế, chuẩn bị tốt các điều kiện về quỹ đất, giống, vật tư phân bón, xây dựng kế hoạch thời gian trồng rừng cụ thể đến từng xã. Trong thời gian chuẩn bị trồng rừng, cán bộ lực lượng kiểm lâm thường xuyên có mặt tại cơ sở để đôn đốc, tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách xử lý thực bì, cuốc hố trồng cây đúng quy trình kỹ thuật, đúng mật độ để cây phát triển tốt nhất.Các đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật mới, thường xuyên tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến đến người dân; chú trọng tuyển chọn, nhân rộng những giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của huyện để đưa vào sản xuất. Cây quế hiện phát triển mở rộng tại địa bàn 5 xã có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp là Trung Sơn, Thượng Long, Xuân An, Xuân Thủy, Nga Hoàng với tổng diện tích trên 1.400ha, trong đó diện tích quế chất lượng cao trên 560ha. Người trồng quế đã tiếp cận nhiều tiến bộ kỹ thuật, quy trình khai thác, đặc biệt là công tác chăm sóc, lựa chọn giống quế chất lượng cao trồng tại các vùng đất và địa hình núi dốc, do đó giá trị kinh tế cây quế đem lại hơn hẳn nhiều cây lâm nghiệp khác. Ngoài ra, diện tích cây nguyên liệu sợi dài như bương, tre, luồng, hóp đạt 1.580ha. Tuy nhiên, trong phát triển rừng trên địa bàn huyện còn một số hạn chế nhất định. Năng suất, chất lượng rừng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi nhuận từ trồng rừng còn thấp; sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là chế biến thô. Nguyên nhân do đầu tư trồng rừng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa các giống mới năng suất cao vào trồng còn ít. Tình trạng chủ rừng khai thác rừng non ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng gỗ và hiệu quả sản xuất. Các cơ sở chế biến còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch tập trung thành các khu, cụm công nghiệp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Công nghệ sản xuất còn đơn giản, chủ yếu là gia công, sử dụng lao động phổ thông, sản phẩm chủ yếu là ván xẻ, ván bóc... Để nâng cao giá trị từ rừng và phát triển rừng theo hướng bền vững, huyện khuyến khích áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm; mở rộng diện tích trồng cây gỗ lớn, cây quế. Huy động tốt các nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng ngày càng có hiệu quả đất trống, vườn tạp, gắn phát triển kinh tế đồi rừng với du lịch sinh thái; thiết lập mối quan hệ giữa sản xuất, quản lý, bảo vệ với phát triển rừng bền vững, góp phần ổn định cuộc sống, tạo được nhiều việc làm và tăng thu nhập, tiến tới làm giàu trên đất đồi rừng. Đồng thời thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất chế biến sản phẩm gỗ quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/yen-lap-nang-cao-gia-tri-kinh-te-tu-rung-166201