Yên Mô đẩy mạnh chăn nuôi những tháng cuối năm
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dồi dào cho thị trường dịp cuối năm 2024, huyện Yên Mô đang đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn, mở rộng sản xuất, kết hợp với các biện pháp phòng dịch, bảo đảm an toàn cho gia súc, gia cầm.
Xã Yên Đồng (Yên Mô) là địa phương có tổng đàn vật nuôi lớn của huyện, với số lượng tính đến ngày 31/10/2024 là gần 138.000 con. Trong đó: Đàn trâu, bò 1.338 con; đàn lợn 6.975 con; gia cầm trên 128.000 con. Địa phương có khoảng hơn 200 cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ.
Nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dồi dào cho thị trường Tết, các hộ chăn nuôi tại địa phương đang đẩy mạnh tăng đàn, mở rộng sản xuất. Chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng và tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi.
Anh Phạm Duy Bình, chủ gia trại nuôi gà ở xóm Hàn Dưới, xã Yên Đồng cho biết: Gia đình tôi nuôi 3.000 con gà lai chọi. Để bảo đảm cho đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, tôi luôn chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng dịch, bổ sung đầy đủ thức ăn, dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao vào dịp cuối năm, gia đình tôi đã mua thêm 1.000 con gà giống để gối lứa, dự kiến sẽ xuất bán khoảng 5.000 tấn gà thịt phục vụ thị trường Tết.
Tương tự, thời gian này, các cơ sở chăn nuôi lợn trong huyện cũng đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho đàn lợn để kịp xuất bán vào dịp cuối năm.
Anh Vũ Văn Bình, chủ gia trại chăn nuôi lợn với quy mô 250 con ở xóm 5, thôn Hồng Thắng, xã Yên Mạc (Yên Mô) cho biết: Gia đình tôi vừa xuất bán hơn 100 con lợn thịt, tương đương khoảng 15 tấn thịt lợn hơi với giá bán 65 nghìn đồng/kg. Năm nay, giá lợn cao hơn so với năm trước từ 10- 20 nghìn đồng/kg, giá cám giảm từ 20-30 nghìn đồng so với năm trước nên người chăn nuôi có lãi, gia đình tôi thu lãi khoảng 1 triệu đồng/con.
Dịch bệnh luôn diễn biến phức tạp, nhất là ở giai đoạn chuyển mùa, vì vậy tôi cũng như nhiều người nuôi khác khá dè dặt trong việc tăng đàn, tái đàn. Tuy nhiên, dịp Tết là thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao, giá bán thường “nhích” hơn so với ngày thường. Vì vậy tôi đã chọn 100 con lợn giống khỏe mạnh từ gia trại để tái đàn. Trong chăn nuôi, tôi chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, phun phòng dịch và tiêm vắc xin đầy đủ nhằm bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, hạn chế dịch bệnh. Đồng thời sử dụng thức ăn từ những công ty sản xuất có uy tín, bảo đảm dinh dưỡng để vật nuôi phát triển khỏe mạnh.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, xu hướng thị trường để điều chỉnh quy mô tăng đàn, tái đàn phù hợp, tránh rủi ro. Hiện tại đàn lợn của gia đình tôi đang phát triển tốt, dự kiến dịp Tết năm nay xuất bán khoảng hơn 10 tấn thịt lợn ra thị trường. Bên cạnh thịt lợn, gia cầm, thịt bò thường là một trong những loại thực phẩm được tiêu thụ mạnh trong thời điểm cuối năm.
Tết Nguyên đán sắp tới, gia trại nuôi trâu, bò của anh Phạm Văn Tỉnh, xóm 1, Hồng Thắng, xã Yên Mạc dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 12-15 tấn thịt. Hiện tại, anh đang tích cực vỗ béo đàn bò để kịp xuất bán vào dịp Tết. Theo kinh nghiệm chăn nuôi bò nhiều năm của anh Tỉnh, để đàn bò khỏe mạnh, chất lượng và tỷ lệ thịt cao, xuất bán dễ dàng và được giá cần phải được chăm sóc đúng quy trình. Cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng bao gồm rơm, cỏ, ngô, sắn… và thường xuyên tẩy giun sán cho bò. Đối với những con bò gầy yếu, cần bổ sung thức ăn giàu đạm để nhanh chóng phục hồi cơ thể. Chú ý che chắn kín chuồng trại và tăng cường sưởi ấm cho đàn bò vào những ngày rét đậm, rét hại để tránh gây thiệt hại.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện Yên Mô, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được kiểm soát tốt, không xảy ra dịch bệnh. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường Tết Ất Tỵ 2025, thời điểm này các cơ sở, hộ chăn nuôi trong huyện đang đẩy mạnh tăng đàn, tái đàn, mở rộng sản xuất.
Tính đến cuối tháng 10/2024, tổng đàn vật nuôi của huyện đạt gần 473.000 con, trong đó: đàn lợn đạt gần 26.000 con; đàn bò đạt hơn 4.500 con và đàn gia cầm đạt hơn 436.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 6.243 tấn. Với sản lượng này ngoài cung cấp nguồn thực phẩm trên địa bàn huyện, còn cung cấp cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi dịp cuối năm có thể tăng từ 15-25% so với các tháng khác trong năm. Mặt khác thời gian qua, giá lợn hơi, giá gia cầm đã ổn định trở lại, trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nên người chăn nuôi có lãi, yên tâm mở rộng sản xuất.
Đồng chí Trương Văn Hưng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết: Để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi, nhất là dịp cuối năm, ngành Nông nghiệp huyện Yên Mô đang tập trung các giải pháp, trong đó đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm; triển khai tháng khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi.
Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân cần tuân thủ tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo đúng quy định; đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trang trại chăn nuôi, áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để có nguồn giống tốt, thức ăn chất lượng, phù hợp; tăng cường các loại thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất tăng sức đề kháng là các biện pháp hữu hiệu để đàn vật nuôi khỏe mạnh, an toàn, hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Ngoài ra, người chăn nuôi cần theo sát diễn biến của thị trường, dự báo khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác giám sát, kiểm dịch, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật, ra, vào địa phương để bảo đảm an toàn dịch bệnh, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường.