Yêu nét đẹp của dân tộc Hrê

Niềm vui trong cuộc sống đôi khi chỉ đơn giản là làm những việc mà trái tim mình mách bảo. Với một số giáo viên ở huyện Ba Tơ, vì yêu nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây nên đã cất công gìn giữ, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của người Hrê.

Khởi nguồn từ gia đình

Mặc dù sinh sống ở khu vực có nhiều người Kinh, nhưng gia đình anh Phạm Văn Hạnh (37 tuổi), người dân tộc Hrê, ở tổ dân phố Nam Hoàn Đồn (thị trấn Ba Tơ) vẫn giữ truyền thống giao tiếp bằng tiếng nói của người Hrê. Thi thoảng, mọi người còn được nghe những làn điệu dân ca vọng ra; tiếng cha mẹ dạy dỗ, uốn nắn con trẻ phát âm bằng tiếng Hrê. Vợ chồng anh Hạnh dạy các con viết chữ, luyện nói thành thạo ngôn ngữ dân tộc Hrê song song với việc học tiếng Việt, tiếng Anh ở trường.

Ông Rô Đăm Bình trao đổi với học viên về ngôn ngữ của người Hrê. ẢNH: THIÊN HẬU

Anh Hạnh dạy tiếng Hrê cho con từ khi chúng còn nhỏ theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Ban đầu, anh chỉ dạy những chủ đề đơn giản để con dễ tiếp thu, sau đó nâng dần cấp độ khi đã vững kiến thức, giúp con có hứng thú và tăng khả năng tư duy, cảm thụ. Dần dà, việc giao tiếp tiếng Hrê đã thành nền nếp trong gia đình. “Ngày nay, nhiều người trẻ người Hrê không còn mặn mà với tiếng mẹ đẻ làm cho các giá trị, bản sắc văn hóa dễ mai một theo. Tôi tâm niệm rằng, gia đình chính là gốc rễ để hướng tới bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình", anh Hạnh bộc bạch.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế, anh Hạnh về công tác tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ba Tơ. Anh dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu về chữ viết của người Hrê và đã tích cực giảng dạy tiếng Hrê ở nhiều nơi trong tỉnh.

Người bắt nhịp cầu

Nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc nội trú Ba Tơ Rô Đăm Bình (72 tuổi), hiện ở thị trấn Ba Tơ, hàng chục năm qua đã dành nhiều công sức để truyền dạy tiếng nói và chữ viết của người Hrê. Ông là người có nhiều đóng góp trong việc xuất bản cuốn “Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hrê dành cho cán bộ, công chức công tác ở miền núi và làm công tác dân tộc tỉnh Quảng Ngãi”.

Lật giở từng trang sách đã nhuốm màu thời gian, ông Bình cho hay, đây là cuốn sách mà ông cùng với một số tác giả là người đồng bào dân tộc thiểu số như ông Đinh Cơi, bà Nga Ri Vê... tốn nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, biên soạn vào khoảng năm 2007. Hiện nay, đây là tài liệu duy nhất, chính thức sử dụng phục vụ trong công tác giảng dạy tiếng Hrê ở các huyện miền núi trong tỉnh.

Tuy tuổi đã cao nhưng ông Bình vẫn miệt mài soạn giáo án, thay phiên cùng thầy Hạnh lên lớp giảng dạy tiếng Hrê. Học viên có đủ độ tuổi, thành phần, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, viên chức. “Tôi yêu phong tục tập quán, lời ca tiếng hát, nếp sống nhà sàn, các giá trị văn hóa khác của dân tộc Hrê. Được đứng lớp dạy tiếng Hrê cho thế hệ trẻ là niềm vinh dự, tự hào, thông qua tiếng nói và chữ viết, tôi muốn góp phần giữ gìn tinh hoa của dân tộc. Với đam mê, trách nhiệm của một nhà giáo, tôi sẵn sàng lên đường tới bất cứ nơi nào cần truyền dạy tiếng Hrê”, ông Bình chia sẻ.

Chị Trần Thị Kim Tuyến, chuyên viên Văn phòng huyện Ba Tơ là một trong những cán bộ tích cực tham gia khóa học tiếng Hrê. Chị Tuyến cho biết, hằng ngày tôi tiếp xúc với nhiều người dân là người dân tộc Hrê tại bộ phận một cửa. Nếu không biết ngôn ngữ của người dân nơi mình công tác sẽ gặp nhiều trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các thầy giáo dạy tiếng Hrê rất nhiệt tình. Điều này càng giúp tôi có thêm động lực để học hỏi, phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số Hrê ngày càng tốt hơn.r

Quảng Ngãi hiện có hơn 133 nghìn người Hrê, tập trung nhiều ở các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà và Minh Long. Những năm qua, đơn vị chức năng đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy và các hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn tiếng nói và chữ viết của người Hrê. Tuy nhiên, tiếng nói và chữ viết của người Hrê đang có nguy cơ bị mai một do nhiều người dân ít sử dụng.

Theo Phó trưởng Phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phạm Minh Đát, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của mỗi tộc người. Do đó, các cấp, ngành cần quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn tiếng nói, chữ viết của người Hrê. Cần thiết phải tiếp tục nghiên cứu, biên soạn lại tài liệu một cách hoàn chỉnh, sau đó trình các cấp thẩm quyền phê duyệt để ngôn ngữ người Hrê sớm được công nhận.

THIÊN HẬU

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2024/202203/yeu-net-dep-cua-dan-toc-hre-3106615/