Yếu tố văn hóa trong xây dựng thế trận quốc phòng

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh (QPQN) và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp kinh tế và quốc phòng, an ninh tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược. Đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta.

So với các văn kiện của Đảng khoảng mười năm trở lại đây, nội dung văn hóa chưa được đề cập trong sự kết hợp này. Văn kiện Đại hội XI và Cương lĩnh (2011) của Đảng mới nêu: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QPAN; QPAN với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH”. Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” dù đã đưa ra quan điểm, song cũng chỉ dừng lại: “Gắn các hoạt động văn hóa với phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Một tiết mục văn nghệ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tuổi trẻ về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Ảnh: Hữu Trưởng.

Tại sao phải “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với QPAN và QPAN với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH”? Bởi, như Đảng ta từng khẳng định, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển KT-XH, đồng thời là “sức mạnh nội sinh quan trọng của sự phát triển”. Là một trong những yếu tố vừa bền vững, vừa năng động, văn hóa sẽ góp phần khai thác, nhân lên “sức mạnh mềm” của quốc gia để tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Hơn nữa, “sức mạnh nội sinh” của văn hóa là sức mạnh sinh sôi, nảy nở từ bên trong. Do đó, trong chiến lược KT-XH, QPAN không thể không coi trọng sức mạnh đặc biệt này.

Cũng phải nhấn mạnh thêm rằng, việc đưa yếu tố văn hóa vào sự kết hợp chặt chẽ với QPAN còn nhằm khắc phục tình trạng coi nhẹ văn hóa trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã xác định 6 giải pháp lớn, trong đó có giải pháp về xây dựng, bảo vệ và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đi đôi với phòng, chống, đẩy lùi văn hóa độc hại và nguy cơ “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài vào.

Thực tế cho thấy, do chưa nhận thức thấu đáo về vị trí, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong chiến lược QPAN, thời gian qua một số địa phương đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí ở những vị trí xung yếu, nhạy cảm về thế trận quốc phòng.

Vào cuối năm 2014, dư luận từng xôn xao về một dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế tầm cỡ sắp được triển khai tại Cửa Khẻm-một vị trí rất xung yếu về quốc phòng trên đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhờ sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và sự lên tiếng mạnh mẽ của các tướng lĩnh, chuyên gia quân sự, dự án này đã bị dừng vĩnh viễn. Đầu tháng 3-2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đình chỉ việc thi công xây dựng nhiều công trình resort chưa đúng quy định tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội). Động thái kịp thời, kiên quyết của cơ quan chủ quản đã nhận được sự đồng tình của dư luận vì dự án này có thể tác động không tốt đến thế trận quốc phòng ở một địa bàn nhạy cảm. Gần đây, nhiều dự án, công trình cơ sở lưu trú du lịch-nghỉ dưỡng được xây dựng trên bán đảo Sơn Trà-một vị trí trọng yếu về QPAN và có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu cho TP Đà Nẵng, cũng đã tạm dừng hoạt động bởi không nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, các nhà khoa học, nhà quản lý môi trường.

Cần phải thống nhất với nhau một quan điểm rằng, việc các địa phương tăng cường thu hút các dự án đầu tư kinh doanh sản xuất, xây dựng các công trình văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí là rất cần thiết, vì đây là một trong những nguồn lực góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, QPAN luôn có quan hệ mật thiết với nhau và đều có vai trò quan trọng trong việc góp phần phát triển bền vững đất nước. Do vậy, những dự án đó phải được nhiều cơ quan chức năng bàn thảo thấu đáo, xem xét kỹ lưỡng, thẩm định chặt chẽ về mọi phương diện, khía cạnh để vừa góp phần phát triển KT-XH, vừa bảo đảm củng cố, giữ vững thế trận QPAN. Đối với những địa bàn có vị trí trọng yếu, nhạy cảm liên quan đến thế trận quốc phòng thì càng phải cân nhắc hết sức thận trọng, tính toán và tiên lượng được mọi hệ lụy có thể xảy ra để có phương án giải quyết tối ưu. Mọi biểu hiện chủ quan, duy ý chí, nôn nóng trong phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư, cũng như những biểu hiện làm “bệ đỡ, sân sau” cho doanh nghiệp hay để “lợi ích nhóm” chi phối các dự án kinh tế, văn hóa, du lịch trên các địa bàn xung yếu về thế trận quốc phòng, đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Trong thế giới hội nhập, tư duy “an phận thủ thường”, tư tưởng “nhịn đói nằm co hơn ăn no vác nặng” đã trở nên lỗi thời, lạc hậu. Đất nước muốn giàu mạnh, địa phương muốn phát triển thì không thể không chủ động tạo ra những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư một cách thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Nhưng khi tiếp nhận, triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án có tính chất phức tạp, nhạy cảm và dễ ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng, thì các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần phải ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc bài học lịch sử được đúc kết bằng xương máu của bao thế hệ người Việt suốt mấy nghìn năm qua: “Biên phòng cần có phương lược tốt/ Đất nước nên lo kế lâu dài” và “Lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy”.

PHÚC NỘI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/yeu-to-van-hoa-trong-xay-dung-the-tran-quoc-phong-511383