10 cuộc khủng hoảng tài chính thay đổi lịch sử thế giới (P2)

Nhiều cuộc khủng hoảng tài chính không chỉ làm rung chuyển nền kinh tế toàn cầu, mà còn tái định hình tiến trình phát triển của lịch sử thế giới.

Khủng hoảng tiết kiệm và cho vay

Cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay trong những năm 1980 và 1990 ở Mỹ là một trong những thảm họa tài chính tồi tệ nhất của thế kỉ 20, với sự đổ vỡ của 747 trong số 3234 tổ chức tiết kiệm và cho vay (S&L), gây thiệt hại đến 500 tỷ USD.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng nguyên chủ yếu đến từ việc các S&L, vốn bị xem là bảo thủ trong các khoản đầu tư của mình, đã tham gia vào các dự án rủi ro cao và đầu cơ bất động sản.Khi giá trị tài sản giảm mạnh, nhiều S&L phải đối mặt với tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến bùng phát khủng hoảng.

Chính phủ Mỹ phải can thiệp bằng Đạo luật cải cách, phục hồi và thực thi các định chế tài chính (FIRREA) năm 1989, nhằm tái cấu trúc và đóng cửa các định chế đang phá sản, đồng thời cải tổ các quy định để ngăn ngừa những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Khủng hoảng tài chính châu Á

Khủng hoảng tài bùng phát ở châu Á vào năm 1997, khi nền kinh tế ở một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn tài chính nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng bắt đầu với sự sụp đổ của đồng baht ở Thái Lan, gây ra tình trạng phá giá tiền tệ trên diện rộng cùng một loạt bất ổn tài chính trên khắp khu vực.

Người Hàn Quốc biểu tình yêu cầu chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính năm 1997. Ảnh: Getty

Người Hàn Quốc biểu tình yêu cầu chính phủ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng tài chính năm 1997. Ảnh: Getty

Quản lý tài chính yếu kém và quá phụ thuộc vào nợ nước ngoài ngắn hạn đã làm khủng hoảng trầm trọng thêm. Để ổn định tình hình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phải can thiệp bằng cách cung cấp các khoản vay khẩn cấp và thúc đẩy nhiều biện pháp cải cách kinh tế như củng cố các tổ chức tài chính, cải thiện tính minh bạch và sửa đổi các chính sách kinh tế.

Cuộc khủng hoảng đã làm nổi bật tình trạng dễ bị tổn thương của các thị trường mới nổi và vai trò quan trọng của hỗ trợ tài chính quốc tế trong việc quản lý các cú sốc kinh tế toàn cầu.

Bong bóng Dotcom

Bong bóng Dotcom xảy ra vào những 1990, khi các nhà đầu tư ồ ạt rót tiền vào các công ty khởi nghiệp công nghệ trong bối cảnh Internet bùng nổ, mà không quan tâm đến lợi nhuận hoặc mô hình kinh doanh. Giá cổ phiếu của các công ty "dotcom" này tăng vọt đến mức không tưởng, chủ yếu từ các động thái thổi phồng và đầu cơ.

Hậu quả là khi nhiều công ty công nghệ không đủ khả năng để hoàn thành những mục tiêu do nhà đầu tư đề xuất, bong bóng đã phát nổ vào năm 2000. Sự điều chỉnh thị trường sau đó đã thổi bay hàng tỷ USD tiền đầu tư, dẫn đến làn sóng hợp nhất hoặc phá sản trong lĩnh vực công nghệ.

Dù vậy, bong bóng Dotcom vẫn góp phần mở đường cho sự phát triển của Internet, với các công ty còn sống sót như Amazon và eBay dần vươn mình trở thành những gã khổng lồ công nghệ trong kỷ nguyên số.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008

Tài chính toàn cầu rơi vào khủng hoảng vào năm 2008, bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường thế chấp dưới chuẩn. Nhiều tổ chức tài chính từng đầu tư mạnh vào các loại hình chứng khoán được thế chấp rủi ro phải chịu tổn thất lớn khi giá nhà giảm mạnh. Điều này dẫn đến sự phá sản của một loạt ngân hàng và gây khủng hoảng tín dụng nghiêm trọng.

Người Mỹ biểu tình trước trụ sở công ty tài chính Lehman Brothers. Việc công ty này đệ đơn phá sản do không thể trang trải khoản nợ lên tới 60 tỷ USD là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Ảnh: AP

Người Mỹ biểu tình trước trụ sở công ty tài chính Lehman Brothers. Việc công ty này đệ đơn phá sản do không thể trang trải khoản nợ lên tới 60 tỷ USD là một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Ảnh: AP

Để ổn định hệ thống tài chính, các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã tung ra nhiều gói cứu trợ lớn cho các ngân hàng, nới lỏng quản lý tiền tệ và triển khai các biện pháp kích cầu chưa từng có. Sau cuộc khủng hoảng, các quy định quan trọng mới đã được ban hành, chẳng hạn như Đạo luật Dodd-Frank, nhằm mục đích tăng cường giám sát tài chính và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai.

Cuộc khủng hoảng năm 2008 nhấn mạnh sự kết nối của tài chính toàn cầu và vai trò quan trọng của các khuôn khổ quy định trong việc duy trì sự ổn định kinh tế.

Khủng hoảng nợ công châu Âu

Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đến từ sự cộng hưởng giữa mức nợ quốc gia quá mức và bất ổn kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Các quốc gia như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Ireland phải đối mặt với mức nợ không bền vững, dẫn đến lo ngại về tình trạng vỡ nợ và biến động thị trường.

Để giải quyết khủng hoảng, Liên minh châu Âu (EU) và IMF phải vào cuộc bằng các gói cứu trợ tài chính. Đổi lại, các quốc gia trên phải thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng và cải cách nhằm khôi phục sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế.

Cuộc khủng hoảng đã dẫn đến những thay đổi đáng kể trong công tác quản lý và giám sát tài chính ở Eurozone, bao gồm việc thành lập các cơ chế như Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) để quản lý áp lực kinh tế trong tương lai và đảm bảo sự ổn định tài chính lớn hơn tại các quốc gia thành viên.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/10-cuoc-khung-hoang-tai-chinh-thay-doi-lich-su-the-gioi-p2.html