10 ngày ăn trên xe, ngủ dọc đường của tài xế chở hàng tiếp tế TP.HCM

Cứ 2 ngày một hành trình cả đi và về gần 1.500 km, Duy Thanh đã mang hàng tấn rau củ tươi cũng như tấm lòng của người dân Kon Tum gửi đến Sài Gòn.

Tống Nguyễn Duy Thanh (sinh năm 2000) cùng nhóm bạn ở Kon Tum bắt đầu kêu gọi chương trình ủng hộ nhu yếu phẩm cho TP.HCM từ ngày 9/7, ngay khi thành phố vừa áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nhận được bất kỳ tin nhắn, cuộc điện thoại nào của người dân trên địa bàn tỉnh, nhóm của Thanh lại chạy xe đến tận thôn làng, nhận từng quả bí, buồng chuối, mớ rau được quyên góp.

Tuy nhiên, sau khi gom đủ một tấn rau củ, nhóm lại gặp trục trặc trong việc vận chuyển hàng về TP.HCM. Giữa lúc lo lắng số thực phẩm có thể bị hư hại nếu để lâu, Thanh tình nguyện trở thành người cầm lái chuyến xe 0 đồng của nhóm.

Không có nhiều kinh nghiệm trong việc lái xe đường dài nhưng 10 ngày nay, Thanh đã một mình hoàn thành 5 chuyến xe. Cứ 2 ngày một hành trình, anh đã mang hàng tấn rau củ tươi cũng như tấm lòng, tình cảm của bà con Kon Tum gửi về Sài Gòn.

 Duy Thanh đã chở 5 chuyến xe tiếp tế rau củ từ Kon Tum đến TP.HCM.

Duy Thanh đã chở 5 chuyến xe tiếp tế rau củ từ Kon Tum đến TP.HCM.

Ăn trên xe, ngủ dọc đường

Chuyến xe tiếp tế đầu tiên khởi hành lúc 17h ngày 13/7. Thanh chạy xe một mạch từ thành phố Kon Tum đến TP.HCM mà hầu như không nghỉ giữa đường.

Giao hàng xong cho đội thiện nguyện ở Sài Gòn, anh chỉ nghỉ vài phút rồi lại lên đường trở về ngay. Cả đi và về mất khoảng một ngày.

Thanh dự định về đến Kon Tum sẽ nghỉ ngơi khoảng nửa ngày rồi lại tiếp tục chuyến xe thứ 2 vì vẫn còn nhiều hàng hóa đang đợi. Tuy nhiên, khi đến trạm kiểm soát Sao Mai (Kon Tum), anh được thông báo người trở về từ TP.HCM phải cách ly 21 ngày.

"Nếu mình đi cách ly, số hàng gom sẵn sẽ không có người vận chuyển. Bao nhiêu công sức của cả nhóm, tấm lòng của người dân quyên góp xem như đổ sông đổ bể", Thanh nói với Zing.

Bữa ăn dọc đường đi và lần ngủ lều tại trạm kiểm dịch của Thanh.

Bữa ăn dọc đường đi và lần ngủ lều tại trạm kiểm dịch của Thanh.

Cuối cùng, thay vì vào thành phố Kon Tum như dự tính ban đầu, chàng trai 21 tuổi mượn lều, qua đêm ngay tại chốt kiểm dịch trong khi chờ đồng đội mang hàng tiếp tế đến.

"Có lẽ mình sẽ nhớ mãi đêm ngủ lại tại trạm kiểm dịch. Khó khăn, thiếu thốn nhiều nhưng đổi lại, mình nhận được sự quan tâm của các nhân viên y tế, cán bộ chốt trạm, cảnh sát giao thông. Mọi người đã cho mình mượn chăn đắp và nấu mì vì sợ mình đói", Thanh kể.

Rút kinh nghiệm từ chuyến xe đầu tiên, những lần sau, nhóm luôn để sẵn rau củ ở trạm kiểm dịch. Khi đến trạm, Thanh sẽ lấy hàng, quay xe về TP.HCM luôn mà không nghỉ lại.

"Mình chuẩn bị sẵn một hộp cơm mang theo. Trên đường cứ khi nào đói hoặc mệt thì mình tấp xe, nghỉ tạm, hết mệt lại đi tiếp. Thông thường, chiều đi từ Kon Tum đến TP.HCM mất khoảng 15 tiếng. Chiều về tốn hơn 10 tiếng đồng hồ", Thanh nói.

Sự cố giữa đường

Trong 10 ngày chở hàng liên tiếp, Thanh gặp một số sự cố dọc đường, chủ yếu là về vấn đề xe cộ.

Trên đường trở về Kon Tum trong chuyến chở hàng thứ 4, chiếc xe bị nổ lốp tại tỉnh Bình Phước. Trong 2 tiếng đợi đội cứu hộ đến và giúp sửa chữa xe, Thanh chỉ lo mình không về kịp để nhận hàng đi chuyến tiếp theo.

"Mọi người trong nhóm liên tục gọi điện hỏi thăm và bảo mình tranh thủ nghỉ ngơi. Nhưng vì lo và sốt ruột quá nên mình cũng chỉ loay hoay quanh chiếc xe".

 Duy Thanh (thứ nhất từ phải sang) cùng bà con Kon Tum gom nông sản, hỗ trợ người dân vùng dịch.

Duy Thanh (thứ nhất từ phải sang) cùng bà con Kon Tum gom nông sản, hỗ trợ người dân vùng dịch.

Những ngày đầu khi Thanh bắt đầu nhận chở hàng, bố mẹ anh ở Lâm Đồng rất lo lắng. Họ liên tục gọi điện khuyên con đừng đi vì sợ đường dài nguy hiểm và cả tình hình dịch bệnh phức tạp trong thời gian qua.

"Thế nhưng, cứ nghĩ đến những người dân đang khổ sở trong vùng dịch, mình không dừng được. Cứ nghĩ mình ráng thêm chút nữa thì có khi nhiều người lại đỡ khổ hơn", anh nói.

Trước chuyến chở hàng thứ 5, Thanh gọi điện về nhà. Nghe mẹ nói: "Về quê đi con, đi vào vùng dịch, ba mẹ lo lắm!", Thanh đã rơi nước mắt. Dù vậy, anh cũng chỉ có thể nói với người nhà: "Khi nào hết dịch con lại về".

Chị Nguyễn Thị Thùy Trang (34 tuổi) là người đã đứng ra kêu gọi bà con tại Măng Đen (huyện Kon Plông, Kon Tum) góp nông sản ủng hộ người Sài Gòn. Thông qua người quen giới thiệu, chị biết đến Thanh và đã nhờ anh vận chuyển 6 tấn hàng quyên góp đến TP.HCM.

"Thanh đã nhận chở giúp mình và người dân ở Măng Đen 3 chuyến hàng tiếp tế. Không chỉ nhanh nhẹn, nhiệt tình, Thanh còn là người rất linh hoạt trong việc xử lý các vấn đề, sự cố. Chính vì vậy, mọi người rất tin tưởng, yên tâm khi nhận được sự giúp đỡ của bạn ấy", chị Trang nói.

Lê Vy

Ảnh: NVCC

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/10-ngay-an-tren-xe-ngu-doc-duong-cua-tai-xe-cho-hang-tiep-te-tphcm-post1242477.html