100% bộ, ngành, địa phương đã kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia

Ngày 15-11, tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Dự và chủ trì hội nghị có đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP. Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay, 95/95 đơn vị (100%) gồm các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 2 cấp chính quyền với Trục liên thông văn bản quốc gia (VBQG). Từ ngày 12-3-2019 đến ngày 30-9-2019, có tổng số 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên Trục liên thông VBQG. Đối với triển khai chữ ký số chuyên dùng trong gửi, nhận văn bản điện tử, 84/95 (88%) bộ, ngành, địa phương đã tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đánh giá, việc triển khai thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã bước đầu đạt được những kết quả nhất định, góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản. Đồng chí Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử, hoàn thành liên thông 4 cấp hành chính trước ngày 30-6-2020. (NGUYÊN VŨ)

* Chiều cùng ngày, Tổ công tác của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với các bộ, cơ quan liên quan về tình hình cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) và công tác phòng chống gian lận xuất xứ.

Tại buổi họp, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, thời gian gần đây, vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, lợi dụng cấp C/O nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hàng nước ngoài dán mác Việt Nam đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn chân chính của các doanh nghiệp trong nước. Cùng với đó, hành lang pháp lý chưa theo kịp diễn biến thực tế và chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe. Có tình trạng một số cơ quan, cá nhân ở cơ sở làm việc trong lĩnh vực này còn thiếu trách nhiệm. Ngoài ra, sức ép từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ, có khi được bán dưới giá thành sản xuất cũng là nguyên nhân khiến xảy ra hành vi gian lận thương mại.

Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị các bộ, cơ quan trước hết xem xét, rà soát lại các quy định của pháp luật, tìm ra những điểm bất hợp lý báo cáo Chính phủ để xử lý kịp thời. Bộ Công Thương cần khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho sản phẩm lưu thông tại thị trường trong nước, hoàn thành trong tháng 11-2019. Cũng trong tháng 11 này, Bộ Công Thương cần trình để ban hành Nghị quyết của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực phòng chống gian lận xuất xứ. Cùng với đó, xem xét kết nối hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu giữa Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng cục Hải quan. Đầu tháng 12-2019, thủ tục cấp C/O sẽ được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị các cơ quan khuyến cáo các hiệp hội tăng cường tham gia giám sát, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính, phản ánh kịp thời các hành vi gian lận xuất xứ. (LA DUY)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/100-bo-nganh-dia-phuong-da-ket-noi-voi-truc-lien-thong-van-ban-quoc-gia-602496