100 đồng doanh thu chỉ mang về 1 đồng lãi, ông lớn ngành nhựa An Phát Holdings vừa thay chủ tịch

Ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên, An Phát Holdings (Mã: APH) vừa phải thay chủ tịch HĐQT. Biên lợi nhuận ròng của công ty cũng đang xuống rất thấp, chỉ tương đương 1%.

An Phát Holdings đổi chủ tịch ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên

Là một "ông lớn" trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm về nhựa, CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (Mã: APH) có vốn điều lệ lên tới 2.400 tỷ đồng. Hệ sinh thái của APH cũng bao gồm 3 công ty con có tiếng trong lĩnh vực sản xuất đồ nhựa là CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA); CTCP Nhựa Hà Nội (Mã: NHH); CTCP An Tiến Industries (Mã: HII).

Tuy nhiên, những biến động về lãnh đạo thượng tầng của An Phát Holdings ngay trước thềm ĐHĐCĐ thường niên đã khiến cổ đông công ty lo ngại.

 An Phát Holdings (APH) ghi nhận biên lợi nhuận ròng tương đối thấp. Công ty cũng vừa phải bầu lại Chủ tịch HĐQT mới (Ảnh TL)

An Phát Holdings (APH) ghi nhận biên lợi nhuận ròng tương đối thấp. Công ty cũng vừa phải bầu lại Chủ tịch HĐQT mới (Ảnh TL)

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT công ty, ông Phạm Ánh Dương đã 2 lần liên tiếp bán ra toàn bộ cổ phiếu APH đang nắm giữ. Vào đầu tháng 9/2024, ông Dương từng đăng ký bán ra 6,67 triệu cổ phiếu APH, thời gian giao dịch từ 6/9/2024 đến hết ngày 24/9/2024. Sau giao dịch trên, ông Dương giảm lượng sở hữu từ 11,87 triệu xuống 5,2 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 2,13% vốn điều lệ.

Sau đó, từ ngày 1/10/2024 đến 30/10/2024, ông Dương tiếp tục đăng ký bán số cổ phiếu còn lại, giảm lượng sở hữu tại APH xuống 0%. Bên cạnh đó, ông Dương cũng đã nộp đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT.

Trong ngày 9/10/2024 vừa qua, HĐQT An Phát Holdings cũng đã bầu ông Nguyễn Lê Thăng Long giữ vị trí Chủ tịch HĐQT thay cho ông Phạm Ánh Dương. Ông Long sinh năm 1984, từng công tác tại An Phát Holdings từ năm 2017 đến nay.

Bên cạnh biến động về vị trí Chủ tịch HĐQT, một loạt các lãnh đạo khác của An Phát Holdings cũng đã bán ra cổ phiếu trong thời gian qua bao gồm: ông Phạm Đỗ Huy Cường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc bán ra 750.000 cổ phiếu; bà Trần Thị Thoản – Phó TGĐ phụ trách sản xuất bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu; bà Nguyễn Thị Tiện – Phó Chủ tịch HĐQT thường trực kiêm Phó TGĐ bán 750.000 cổ phiếu; bà Hòa Thị Thu Hà – Phó Giám đốc phụ trách tài chính bán 500.000 cổ phiếu.

Biên lợi nhuận ròng chỉ từ 0,3% đến 1,6%

Dù là một đơn vị có tiếng trong ngành nhựa nhưng biên lợi nhuận của An Phát Holdings lại vô cùng thấp.

Trong giai đoạn 2021-2023, APH ghi nhận doanh thu luôn trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Đơn cử như tại năm 2021, doanh thu công ty đạt 14.794 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế chỉ đạt 238 tỷ đồng.

Tại năm 2022, doanh thu tăng lên 17.327 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại giảm xuống chỉ còn 57 tỷ đồng. Trong năm 2023, doanh thu công ty sụt giảm xuống còn 14.522 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế lại tăng lên 219 tỷ đồng.

Dù đạt lợi nhuận lên tới cả trăm tỷ đồng nhưng nếu so với quy mô doanh thu, biên lợi nhuận ròng của An Phát Holdings chỉ từ 0,3% đến 1,6%. Tương đương mỗi 100 đồng doanh thu chỉ cho từ 0,3 đến 1,6 đồng lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm 2024, tình trạng này đã có cải thiện hơn đối chút. Doanh thu 6 thấng đầu năm đạt 6.643 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 271 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận ròng hơn 4%.

So sánh với mục tiêu điều chỉnh trong năm, doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 281 tỷ đồng thì An Phát Holdings đã gần hoàn thành được kế hoạch lợi nhuận trong nửa đầu năm 2024.

Trang Thu

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/100-dong-doanh-thu-chi-mang-ve-1-dong-lai-ong-lon-nganh-nhua-an-phat-holdings-vua-thay-chu-tich-post316148.html