120.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn năm nay, doanh nghiệp bất động sản đối mặt rủi ro
Ước tính của FiinRatings cho thấy khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đến hạn trong năm nay. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, khiến các doanh nghiệp bất động sản dân cư đối mặt rủi ro cao.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ sôi động hơn
Theo đánh giá mới đây của FiinRatings, mặc dù rất khó để có thể dự báo được giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành dự kiến trong cả năm 2024 nhưng triển vọng cho kênh huy động này trong năm 2024 sẽ “sôi động” hơn năm 2023.
Nhóm nghiên cứu cho biết, mặc dù các ngân hàng chưa công bố hết kế hoạch huy động vốn nhưng hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ có kế hoạch huy động vốn dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay, nhằm mục tiêu bổ sung nguồn vốn nợ nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15% cũng như các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, việc bổ sung nguồn vốn trái phiếu của ngân hàng cũng sẽ gia tăng vốn cấp 2 và góp phần đáp ứng tốt hơn các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, ví dụ yêu cầu về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Không chỉ các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính tiêu dùng, doanh nghiệp bất động sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm, logistics, và hạ tầng cũng dự kiến sẽ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay.
Đáng chú ý, FiinRatings nhận định, môi trường lãi suất trong nước hiện nay ở mức thấp cùng với việc lãi suất quốc tế có xu hướng giảm dần trong những năm tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn dài hạn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Để tạo sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, hầu hết các đợt chào bán trái phiếu hiện nay đều có cơ chế lãi suất thả nổi và neo theo lãi suất tham chiếu của các ngân hàng lớn.
Trong khi đó, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang từng bước được cải thiện. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy 7% trong tổng số hơn 300 tỷ trái phiếu riêng lẻ chào bán thành công năm 2023 đã được mua bởi nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp.
Tuy là mức rất khiêm tốn so với mức trên 30% những năm giai đoạn 2019-2022, đây cũng là dấu hiệu đáng mừng về sự khôi phục niềm tin và sự chấp nhận rủi ro khi đầu tư sản phẩm này theo những quy định mới của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu riêng lẻ.
FiinRatings nhấn mạnh, về lâu dài cần mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia đầu từ vào trái phiếu doanh nghiệp, thay vì chủ yếu là ngân hàng thương mại, nhà đầu tư cá nhân như hiện nay. Các công ty bảo hiểm và quỹ đầu tư hiện đang quản lý khoảng 35 tỷ USD nhưng còn rất hạn chế tham gia vào trái phiếu doanh nghiệp, nhất là sau khi Luật Kinh doanh Bảo hiểm có hiệu lực từ đầu năm 2023 không cho phép các đơn vị này đầu tư vào trái phiếu có mục đích cơ cấu lại nợ.
Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản lên cao nhất 5 năm
FiinRatings cũng lưu ý, rủi ro đến từ những vấn đề đã phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong các năm qua vẫn còn hiện hữu và cụ thể là áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 này.
Tính đến đầu tháng 2/2024, trong tổng số 1,24 triệu tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, số dư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được phát hành bởi các tổ chức phi ngân hàng là 722,78 nghìn tỷ đồng.
Trong số này, FiinRatings lưu ý các rủi ro đến từ lượng trái phiếu bất động sản vốn có số dư ở mức 382 nghìn tỷ đồng; trái phiếu ngành xây dựng và vật liệu ở mức 72,5 nghìn tỷ đồng; và trái phiếu ngành du lịch & giải trí ở mức 75,8 ngàn tỷ.
Đây là những ngành được nhận định còn gặp nhiều khó khăn và quan trọng hơn là chất lượng các tổ chức phát hành đã huy động trong các năm trước về cơ bản ở mức thấp và có nhiều công ty dự án với tiềm lực tài chính còn mỏng hoặc mới đi vào hoạt động, theo FiinRatings.
Đáng chú ý, ước tính có khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm doanh nghiệp bất động sản đến hạn trong năm nay. Đây là mức cao nhất 5 năm và sẽ tạo áp lực về thanh khoản với các doanh nghiệp bất động sản dân cư năm nay.
FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển bất động sản dân cư. Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng sẽ có sự phân hóa trong khả năng duy trì hoạt động của từng doanh nghiệp trong ngành, trước các diễn biến khó khăn chung của thị trường đã kéo dài từ năm 2022 tới nay.
“Các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, chất lượng dự án được đảm bảo với dòng sản phẩm đa dạng, cùng quỹ đất sạch được tích lũy qua lịch sử hoạt động lâu năm, đi kèm khả năng triển khai và thực thi dự án được kỳ vọng sẽ có thể tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn, và có sức chống chịu tốt hơn trước các diễn biến bất lợi của thị trường”, FiinRatings nhận định.