Phó Thủ tướng phản hồi đại biểu Quốc hội về quản lý 1,3 triệu tỷ đồng của bảo hiểm xã hội
Đại biểu phản ánh, chất lượng quản lý một số quỹ tài chính ngoài ngân sách đang bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, số tiền này đầu tư trái phiếu chính phủ và gửi ở ngân hàng thương mại nhà nước để tránh rủi ro.
Phát biểu giải trình tại hội trường ngày 5/11 về vấn đề ngân sách, trước ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng quỹ bảo hiểm xã hội và tồn dư ngân sách tại Kho bạc Nhà nước đang bị quản lý thiếu hiệu quả, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 1,24 triệu tỷ đồng tồn dư quỹ bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ là số dư trên sổ sách, dùng để trả lương hàng tháng cho những người hưu trí.
Để thực hiện đúng quy định, số dư này không phải nằm ở trên tài khoản tiền gửi mà đã được đầu tư vào trái phiếu chính phủ 80%, còn 20% gửi ở các ngân hàng thương mại, chủ yếu là 5 ngân hàng thương mại của Nhà nước, không gửi vào các ngân hàng khác vì sợ sẽ rủi ro.
"Tóm lại, khoản chi này về mặt bản chất là đầu tư và các công trình xây dựng cơ bản, các công trình đầu tư công, nên có thể nói là công cụ rất tốt, còn nếu để cho Bảo hiểm Xã hội đầu tư vào dự án này, dự án kia sẽ rất rủi ro và thực tế đã bị rủi ro. Đối với cả quốc gia khác cũng thế, họ cũng đầu tư vào trái phiếu của chính phủ là phần nhiều và việc này vừa có lợi ích cho chính phủ, vừa đảm bảo độ an toàn cho bảo hiểm xã hội", Phó thủ tướng nói.
Liên quan đến quỹ ngân sách gửi ngân hàng, ông Phớc cho rằng, đây là một khoản gửi tạm thời, đã có dự chi nhưng chưa giải ngân được, ví dụ Chương trình mục tiêu quốc gia chưa chi tiêu được thì gửi, khi nào có khối lượng, có thủ tục sẽ rút ra hoặc chi đầu tư công đang còn tồn..., và tập trung vào gửi ở Ngân hàng Nhà nước quản lý để đảm bảo tính thống nhất và an toàn.
"Chúng tôi chỉ để một phần rất nhỏ gửi ở một số ngân hàng thương mại nhưng là thương mại nhà nước. Vấn đề này đã được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và kiểm tra Đảng rất đồng tình với cách điều hành của chúng tôi", ông Phớc nhấn mạnh.
Trước đó, tại phiên thảo luận nói trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) nêu vấn đề, đất nước đang rất cần dồn lực cho phát triển, trong khi ngân sách còn eo hẹp, vay nước ngoài cao, dự kiến năm tới cần vay đến khoảng 815 nghìn tỷ đồng, nhưng một số quỹ tài chính ngoài ngân sách, đặc biệt là quỹ bảo hiểm xã hội đang được quản lý thiếu chặt chẽ.
Theo đại biểu, theo Báo cáo 647 ngày 15/10/2024 của Chính phủ, tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý là khoảng 1,42 triệu tỷ đồng. Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ đạt khoảng 1,477 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 56 nghìn tỷ đồng so với đầu năm, trong đó số dư của 3 quỹ do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối, trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của khối nguồn vốn gần 1,3 triệu tỷ đồng trên thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan bảo hiểm xã hội có được hoàn thành không... thì báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ điều này.
Hiện nay, khoản mục đầu tư trái phiếu chính phủ đang chiếm phần lớn cơ cấu sử dụng vốn của Bảo hiểm xã hội (ước tới cuối năm nay khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tức chiếm khoảng 92% tổng nguồn vốn của Bảo hiểm Xã hội). Cách thức sử dụng vốn này, theo đại biểu này, có vẻ giúp BHXH “tròn vai” trong khía cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tuy vậy, cách đầu tư này lại đang ảnh hưởng không tích cực tới thị trường vốn. “Một trong những hệ lụy của cung cách đầu tư vốn của Bảo hiểm Xã hội xưa nay là làm méo mó thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam, làm giá cả trên thị trường này không phản ánh đúng tương quan cung - cầu thực về trái phiếu. Nói theo giới chuyên môn, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ chưa từng bao giờ được coi là “chuẩn” để các thị trường vốn và tiền tệ tham chiếu, như thông lệ quốc tế tốt mà chính Việt Nam đang mưu cầu hướng tới”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích.