130 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần: Hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng oanh liệt và vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các tỉnh Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Tần thuộc thế hệ chiến sĩ cách mạng tiền bối, lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941)

Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (1891-1941)

Với 50 tuổi đời, hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.

Người chiến sỹ cách mạng kiên trung

Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8.1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Từ nhỏ khi chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống cơ cực, lầm than dưới ách quân xâm lược, đồng chí đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng.

Những năm 1924-1925, đồng chí tham gia tổ chức yêu nước Hội kín Võ An Ninh. Với lòng nhiệt tình và niềm tin của tuổi trẻ, đồng chí đã hòa mình vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh giành tự do của dân tộc - là bước tiến gần đến với chủ nghĩa cộng sản trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Tháng 8.1929, đồng chí gia nhập tổ chức An Nam Cộng sản Đảng, trực tiếp vận động và thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở làng Đức Hòa, gồm bảy hội viên do đồng chí làm Bí thư (chi bộ đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở tỉnh Chợ Lớn xưa, ngày nay thuộc tỉnh Long An).

Từ năm 1930-1931, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp tham gia và phụ trách các cuộc biểu tình ở Chợ Lớn, Gia Định đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập công nhân vô cớ.

Tháng 6.1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Tháng 6.1932, đồng chí đứng ra thành lập cơ quan Liên huyện ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa và tổ chức viết báo “Cờ lãnh đạo” (sau này được nâng chuyển thành cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Nam kỳ) để vận động, phục hồi cơ quan lãnh đạo của Đảng vừa bị phá vỡ để tổ chức đấu tranh. Cuối năm 1932, đồng chí chuyển sang làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định.

Từ năm 1933-1934, đồng chí vận động, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở các tỉnh miền Tây, chỉ đạo việc thành lập Tỉnh ủy Lâm thời Mỹ Tho.

Tháng 11.1935, đồng chí được cử vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ. Tháng 3.1937, đồng chí được chỉ định giữ trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương.

Tháng 3.1938 tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định, đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng.

Ngày 14.7.1940, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt khi đang họp bàn ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn, Bà Điểm). Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, tra tấn, nhưng không lung lạc được ý chí bất khuất kiên cường của người Đảng viên Cộng sản. Dù bị địch tra tấn đến tàn phế song đồng chí vẫn vận động đồng chí, đồng đội giữ vững khí tiết của người đảng viên.

Không khuất phục được đồng chí, ngày 28.8.1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến ra xử bắn công khai tại khu giếng nước (nay là bệnh viện) Hóc Môn. Quyết giữ trọn lời thề trung thành với Đảng, với cách mạng và nhân dân, đồng chí Võ Văn Tần bình thản đón nhận sự hy sinh vẻ vang. Đồng chí đã để lại di bút trên tường xà lim "Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…".

Trước lúc hy sinh, tất cả các đồng chí đã giật tung mảnh vải bịt mắt và hô vang khẩu hiệu:

“Đảng Cộng Sản Đông Dương muôn năm”

“Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm”.

Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần được xây dựng ở Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (tỉnh Long An)

Tượng đài đồng chí Võ Văn Tần được xây dựng ở Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa (tỉnh Long An)

Trên mọi cương vị công tác, từ Bí thư Chi bộ, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có những cống hiến sắc bén về tư duy và những định hướng lớn cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Sau khi lập ra Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Tần được tín nhiệm cử làm Bí thư. Là Bí thư, đồng chí luôn năng động, nhiệt huyết, sáng tạo; trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy các cuộc đấu tranh, biểu tình lớn của nông dân Đức Hòa. Đến tháng 6.1931, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Trên cương vị này, đồng chí có nhiều cống hiến lớn trong việc xây dựng và khôi phục lại các tổ chức của Đảng từ cơ sở đến cấp tỉnh ở Chợ Lớn, Gia Định.

Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ rồi đảm nhận chức vụ Bí thư Xứ ủy, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo phong trào Đông Dương đại hội; thống nhất tư tưởng và hành động của các nhóm cộng sản ở Nam Kỳ trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở khu vực này.

Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương, bằng kinh nghiệm công tác và sự hiểu biết thực tiễn sâu sắc, tư duy sắc sảo và kiên định, đồng chí không chỉ hoàn thành công tác chuẩn bị cơ sở, bảo đảm an toàn về mặt tổ chức của Đảng mà còn có nhiều đóng góp tích cực về mặt định hướng và quan điểm lý luận cho sự thành công của các Hội nghị Trung ương IV (25.8-4.9.1937), Hội nghị Trung ương V (29 và 30.3.1938), Hội nghị Trung ương VI (6-8.11.1939).

Suốt cuộc đời, đồng chí Võ Văn Tần luôn gắn bó máu thịt với nhân dân. Là một trong những nhà lãnh đạo trưởng thành từ cơ sở, tự rèn luyện để trưởng thành, trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí Võ Văn Tần luôn có tác phong làm việc khoa học, sâu sát bám sát thực tiễn và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng.

Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng về nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn. Đồng chí thường nói: “mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được”. Bởi vậy, trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng, dù ở đâu, đến đâu, hay trên cương vị công tác nào, đồng chí Võ Văn Tần cũng đều nhận được tình cảm trân trọng, quý mến, sự giúp đỡ vô tư chí tình của đồng chí, đồng bào, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người. Cũng chính tác phong gương mẫu và gần gũi với mọi người, đồng chí luôn nhạy bén, nắm bắt được những vấn đề cốt lõi từ thực tiễn cách mạng, kịp thời có những ý kiến đề xuất với Đảng các vấn đề quan trọng về đường lối và sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng. Trong cuộc sống, đồng chí Võ Văn Tần sống rất giản dị, tôn trọng và gần gũi mọi người, là tấm gương mẫu mực đối với đồng chí, đồng đội và gia đình.

Cuộc đời đồng chí Võ Văn Tần là một tấm gương cao đẹp về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng, về ý chí và tinh thần cách mạng của một chiến sỹ cộng sản kiên cường quả cảm. Bất chấp hy sinh gian khổ, đồng chí Võ Văn Tần luôn kiên định con đường đã chọn, bền bỉ hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng. Sự kiên định của đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng về lý tưởng sống để thế hệ trẻ noi theo và học tập.

Ngày nay tên của người chiến sỹ cộng sản Võ Văn Tần được đặt cho nhiều con đường tại TP Hồ Chí Minh và địa phương khác trong cả nước. Trên quê hương Long An, tên đồng chí được đặt cho một con đường tại trung tâm phường 2, TP Tân An.

Tại huyện Đức Hòa, có công viên văn hóa-lịch sử và một ngôi trường vinh dự mang tên Võ Văn Tần.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/thoi-su/130-nam-ngay-sinh-dong-chi-vo-van-tan-hien-dang-tron-doi-minh-cho-su-nghiep-cach-mang-ve-vang-cua-da-176128