17 mục tiêu phát triển bền vững đứng trước bờ vực thất bại
Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc cảnh báo toàn bộ 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sẽ không thể đạt được vào thời hạn 2030.
Đại dịch Covid-19 bùng phát, tiếp sau đó là những biến động địa chính trị không chỉ khiến nền kinh tế toàn cầu khó khăn mà còn tạo ảnh hưởng tiêu cực tới công cuộc xóa đói nghèo, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và chống bất bình đẳng trong xã hội.
Báo cáo phát triển bền vững 2024 của Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên hợp quốc (SDSN) phát hành ngày 17/6 vừa qua cho hay, tiến độ thực hiện các SDGs đã bị trì trệ kể từ năm 2020, tức là thời điểm Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới.
Đặc biệt, một số mục tiêu bao gồm SDG 2 về xóa đói, SDG 11 về thành phố và cộng đồng bền vững, SDG 14 về hệ sinh thái dưới nước, SDG 15 về hệ sinh thái đất liền và SDG 16 về hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh thậm chí đang đi chệch hướng, gây ra những hệ lụy tiêu cực tới môi trường và đời sống con người.
Tuy nhiên, theo ông Guillaume Lafortune, Phó chủ tịch SDSN, tiến độ thực hiện các SDGs đã quá chậm kể từ trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Một loạt sự kiện bất thường xảy ra khiến cho việc hiện thực hóa chương trình nghị sự 2030 ngày càng trở nên xa vời.
Dự báo của SDSN, với tiến độ như thế này, thế giới sẽ thất bại trong việc thực hiện 17 SDGs vào thời hạn 2030, dẫn đến những thảm họa khó lường không chỉ đến từ biến đổi khí hậu mà còn những bất ổn sâu sắc về kinh tế, xã hội và hệ sinh thái.
Theo báo cáo, nhóm quốc gia châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu xếp ở những vị trí dẫn đầu trong thành quả thực thi các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam xếp ở vị trí thứ 54, là quốc gia có chỉ số phát triển bền vững cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan ở vị trí 45.
Về nỗ lực thực hiện các SDGs, SDSN ghi nhận Việt Nam có thành tựu tốt nhất ở SDG 1 về giảm nghèo, được đánh giá là đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu xóa sổ hoàn toàn tình trạng nghèo vào năm 2030.
Một số SDGs được đánh giá có mức độ cải thiện vừa phải bao gồm SDG 2 về xóa nạn đói, SDG3 về sức khỏe và y tế, SDG 6 về nước sạch và vệ sinh, SDG 7 về năng lượng sạch với chi phí hợp lý, SDG 9 về công nghiệp, đổi mới sáng tạo và hạ tầng và SDG 17 về hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, SDSN đánh giá Việt Nam đang có dấu hiệu suy giảm trong nỗ lực thực hiện SDG 10 về giảm bất bình đẳng.
Về mức độ đạt được các mục tiêu, Việt Nam có hai mục tiêu là SDG 1 về giảm nghèo và SDG 4 về bình đẳng trong giáo dục được đánh giá rất cao, gần đạt được mức độ hoàn thành. Còn hai mục tiêu về môi trường bao gồm SDG 14 về hệ sinh thái dưới nước và SDG 15 về hệ sinh thái đất liền đang ở mức thấp nhất.