20 năm và một phần nghìn giây cho tác phẩm báo chí...
Tác phẩm 'Niềm tin - chiến thắng: Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF CUP 2018' của 2 tác giả Trần Hải và Trần Ngọc Hoan đăng trên Báo Nhân Dân điện tử vừa đoạt giải B Giải báo chí Quốc gia ở thể loại ảnh báo chí (không có giải A).
Đây cũng là tác phẩm đoạt giải B Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2018. Những khoảnh khắc xúc động, niềm hạnh phúc, niềm vui vỡ òa trên nét mặt các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho đến người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc khi đội tuyển U23 Việt Nam vô địch giải AFF CUP 2018... chính là điểm ấn tượng của loạt phóng sự ảnh đặc sắc này.
Thành công của tác phẩm “Niềm tin - chiến thắng: Đội tuyển Việt Nam vô địch AFF CUP 2018” như một minh chứng cho thấy, chớp được những khoảnh khắc quý giá mà dân trong nghề thường nói là “khoảnh khắc một phần nghìn giây” ấy, cần những nỗ lực không nhỏ của người phóng viên ảnh. Với nhà báo Trần Hải (báo Nhân Dân) đó là sự hun đúc của kinh nghiệm hơn 20 năm làm nghề, là sự chắt chiu và lắng đọng của tình yêu và đam mê... Chia sẻ câu chuyện đằng sau bức ảnh, nhà báo Trần Hải tâm sự:
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân trao Cúp vô địch Giải bóng đá AFF Suzuki Cup 2018 cho đội tuyển Việt Nam.
1. Để thực hiện được phóng sự ảnh đặc biệt này, tôi và đồng nghiệp đã phân công nhau chia ra 2 khu vực ở hai đầu thành phố để chụp ảnh, tôi chụp ảnh tại sự kiện diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình và đồng nghiệp của tôi là nhà báo Trần Ngọc Hoan (báo Nhân Dân) chụp ảnh ở trên khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội và nhất là khu vực Hoàn Kiếm. Tôi còn nhớ như in, buổi tối ngày 25/12, lượt về trận chung kết giải AFF Cup 2018 giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Malaysia. Là phóng viên, tôi đã chụp nhiều thể loại ảnh báo chí khác nhau, để có thể ghi lại đầy đủ khoảnh khắc một cách trọn vẹn nhất, tôi đã phải có mặt tại sân và tác nghiệp trước khi trận đấu bắt đầu trước 3-4 tiếng đồng hồ, lúc đó là vào khoảng 5h chiều. Ngoài ba lô đựng ống kính máy ảnh và máy tính xách tay, ô và áo mưa cho máy ảnh, hai vai của tôi còn phải vác thêm 1 chiếc thang nhôm dành cho phóng viên ảnh tác nghiệp. Không chỉ vậy, trong túi còn lỉnh kỉnh mang theo cả bánh mì, lương khô và nước uống để dự phòng khi đói bởi vì trận đấu diễn ra rất dài và khó khăn trong di chuyển.
Với tôi, làm gì cũng đều phải chuẩn bị một cách kỹ lưỡng từ trang thiết bị, máy móc, con người cho đến dụng cụ làm việc và đồ ăn thức uống để đảm bảo tối đa sức khỏe khi tác nghiệp. Cứ như vậy hơn 30kg đồ trên người, di chuyển liên tục tác nghiệp trên sân là cả một sự cố gắng. Sau lần tác nghiệp đáng nhớ đó, do vác các thiết bị hỗ trợ tác nghiệp nặng trong thời gian dài nên tôi đã bị đau bả vai gần một tháng trời. Đó cũng là một dấu ấn khó quên khi thực hiện tác phẩm đầy cảm xúc này.
Nhà báo Trần Hải.
2. Đây là lần thứ hai tôi chụp và chứng kiến hình ảnh đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang tại giải đấu AFF SUZUKI Cup tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Trận bóng hôm đó diễn ra rất sôi nổi, sau khi tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài chính vang lên, với chiến thắng 1 - 0 ở trận chung kết lượt về trước Malaysia trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam đã chính thức đoạt ngôi vô địch Giải AFF Cup 2018 với tổng tỷ số hai trận là 3-2 và hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã định khi tham dự giải đấu. Lúc này áp lực mới thực sự bắt đầu xuất hiện đối với tôi. Việc lựa chọn được vị trí thích hợp để tác nghiệp đối với phóng viên lúc này rất khó khăn và là điều quyết định để “bắt được” những khoảnh khắc đặc biệt, những góc chụp đẹp. Thời điểm đó, khi mà hàng trăm phóng viên chạy rất nhanh chia thành nhiều ngả chật cứng sân để tác nghiệp, rất nhiều phóng viên mải mê di chuyển theo để chụp ảnh các cầu thủ cầm cờ chạy về phía góc khán đài B thì tôi quyết định... “đứng yên”.
Với kinh nghiệm chụp thể thao lâu năm, tôi phân tích, phán đoán lường trước tình huống xảy ra rằng, chắc chắn sẽ có khoảnh khắc huấn luyện viên được mọi người tung lên cao ăn mừng vì đó vừa là người bạn, vừa là người thầy, vừa là người huấn luyện viên xuất sắc. Trường hợp nếu không xảy ra thì tôi nghĩ đến phương án hai, lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ xuống tặng hoa, chúc mừng đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Chính vì thế, tôi đã tư duy được bức ảnh mình cần phải chụp đó là nhìn về phía khán đài A, nơi mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng và nhiều cổ động viên bóng đá Việt Nam ngồi nhiều nhất. Bức ảnh mà tôi chụp dự kiến sẽ có nền xung quanh là khán giả cổ vũ và phía sau là lá cờ đỏ sao vàng mà các cổ động viên phất lên. Quyết định làm theo con tim mách bảo, tôi lựa chọn việc “đứng yên” ở vị trí trọng tâm hướng về phía khán đài A để tác nghiệp. Rõ ràng, tại vị trí lựa chọn “đắc địa” này, tôi vẫn có thể chụp được các cầu thủ đang chạy trên sân ăn mừng và vừa có thể đón đợi được khoảnh khắc sắp tới mình dự đoán sẽ diễn ra. Quả đúng vậy, những kinh nghiệm và sự phán đoán chính xác đã giúp tôi có được cơ hội, có được khoảnh khắc tâm đắc nhất.
Bức ảnh các cầu thủ tung Huấn Luyện viên Park Hang - Seo lên để ăn mừng trở thành bức ảnh đáng giá, “tạo sóng” trong dư luận lúc bây giờ. Bởi bức ảnh thể hiện được sự đoàn kết, tinh thần quyết tâm chiến đấu, chiến thắng và lòng tự hào dân tộc của bóng đá Việt, cùng với sự cổ vũ hết mình của 40 vạn cổ động viên trên sân và hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ có góc đứng “không thể đẹp hơn” này, tôi còn chụp được khoảnh khắc Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội trao cúp cho đội tuyển Việt Nam sau khi kết thúc trận đấu, đặc biệt trên khuôn mặt Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các cầu thủ đội tuyển bóng đá Việt Nam nở một nụ cười rạng rỡ thể hiện được niềm tự hào mà có lẽ, khoảnh khắc ấy là duy nhất, khó có được lần thứ hai. Với kinh nghiệm của mình, trong quá trình làm, cần phải đấu trí “cân não” để phán đoán tình huống. Đối với chữ viết còn có thể thay đổi được, nhưng với ảnh đó là nhân chứng của lịch sử, là khoảnh khắc không bao giờ thay đổi được nên người phóng viên càng phải cẩn trọng hơn.
HLV Park Hang-seo và các học trò đã cùng nhau tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết
3. Xong xuôi tất cả mọi việc trên sân, nhìn đồng hồ trên tay lúc này đã gần 23 giờ đêm, tôi nhanh chóng di chuyển vào khu vực phòng họp báo chí để tiếp tục công việc hậu trường của mình. Nhận ảnh từ đồng nghiệp và sàng lọc trong hàng ngàn bức ảnh cũng phải rất nhanh để cho ra đời phóng sự ảnh đăng lên báo điện tử cũng như gửi bài đăng cho các ấn phẩm của báo giấy để kịp thời gian vì 1h30 sáng ngày hôm sau, báo đã vào nhà in. Chạy đua với thời gian, đến mức tôi dường như không nghỉ ngơi một giây phút nào, chỉ với một quyết tâm làm nhanh nhất có thể. Hàng nghìn file phải lựa chọn ra và chỉ lấy 9 tấm ảnh, nói thật là bỏ file nào đi cũng đều tiếc cả, thậm chí hai chúng tôi phải bàn cãi khá gay gắt thì mới ra được bộ ảnh cuối cùng.
Với phóng sự gồm 9 ảnh của tôi và đồng nghiệp đã thể hiện quá trình lao động vất vả và đầu tư, 9 bức ảnh này là 9 mảnh ghép tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh, không thể bỏ đi được bất cứ một bức ảnh nào. Cuối cùng thì công việc may mắn xong và gửi bài đúng thời gian quy định của tòa soạn. Bằng tất cả niềm nhiệt huyết và sự tập trung cao độ, tất cả mọi việc được thực hiện xong xuôi chỉ vẻn vẹn trong vòng 2 giờ đồng hồ. 1h sáng ngày hôm sau, mọi người đã về hết, trong phòng họp báo dành cho phóng viên chỉ còn lại khoảng vài ba người. Lúc này, tôi mới nhớ ra mình chưa ăn uống gì, người bắt đầu như lả đi, hai bả vai và lưng bị tê cứng, không vác nổi đồ nghề. Nhiệm vụ hoàn thành, nhưng đi được một đoạn ngắn, tôi phải dừng xe, nghỉ hồi sức, một lúc sau mới mò dậy trở về nhà, kết thúc một ngày làm việc hết công suất.
Thực sự, đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy áp lực công việc “căng như dây đàn” pha lẫn cả sự háo hức. Qua đó để thấy, muốn có được một tác phẩm ảnh để đời, không phải chỉ đơn giản bấm máy là xong, mà muốn thành công người phóng viên ảnh phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ và thực sự có sự đầu tư rất kĩ càng về thiết bị, luyện tập về thể chất, sự nhạy cảm phán đoán tình huống và quan trọng nhất phải có niềm đam mê tâm huyết thực sự với nghề...
Hoàng Huy (Ghi)