Phát huy sức mạnh đoàn kết để xây dựng quê hương

Tháng 8 vừa qua, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) long trọng tổ chức 30 năm Ngày thành lập. Từ xã Tân Phước (tên cũ) chuyển mình thành thị trấn bằng những nguồn lực nội tại, trong đó, bài học đoàn kết và sức mạnh từ nhân dân một lần nữa được tái khẳng định trong việc xây dựng quê hương mới.

Con đường hoa chuông vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Yên Mã Sơn

Con đường hoa chuông vàng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Yên Mã Sơn

Nguồn lực từ sức dân

Trước ngày thống nhất đất nước, Lao Bảo là vùng đất xa xôi, chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tháng 9/1975, một cuộc di dân từ đồng bằng Triệu Phong do Tỉnh ủy Quảng Trị phát động, sau nhiều năm khai hoang vỡ đất đã biến nơi này thành vùng đất hứa với nhiều bản làng trù phú. Có lẽ, từ đó đến nay, sau gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, từ khóa Lao Bảo được nhắc đến như đại diện cho sự thịnh vượng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC). Có được “đô thị vàng” như cách ví von lâu nay, thì bài học về sự đoàn kết trước vùng đất mới, vận hội mới lại được phát huy cao độ.

Ông Trần Đình Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lao Bảo cho biết, từ ngày khai hoang, phục hóa vùng đất mới, người dân Lao Bảo luôn chung lưng đấu cật, đoàn kết trong kiến thiết quê hương mới. Hiện nay, hạ tầng và đời sống người dân được nâng cao, nhưng truyền thống tốt đẹp đó vẫn được duy trì. Điều này thể hiện rất rõ trong việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi. Khi chính quyền phát động đóng góp là người dân ủng hộ nhiệt thành. Để chứng minh cho điều vừa nhận định, ông Dũng đã dẫn chúng tôi đi một vòng rồi giới thiệu những công trình được làm từ “sức dân” do chính quyền thị trấn phát động.

Nguyễn Huệ là một trong những tuyến phố đẹp nhất của thị trấn, nơi nhiều lần tổ chức phố đi bộ Lao Bảo. Ở đây có hệ thống hoa và cây xanh; tuyến đường về đêm sặc sỡ ánh đèn màu kéo dài gần một cây số. Theo ông Dũng, hệ thống đèn led, đèn trang trí này trị giá khoảng 200 triệu đồng và đều được người dân đóng góp mà có.

- Dân ở đây có vẻ hào sảng, phải không bác? - Tôi hỏi.

Ông Dũng cười: Có thể nói như vậy. Hơn 70% dân số hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ nên ít nhiều họ có cơ hội được cống hiến cho cộng đồng hơn những địa phương thuần nông khác. Tuy nhiên, yếu tố dấn thân, dám sống vì cộng đồng và hào phóng cũng là một điểm mạnh và khác biệt của người dân nơi này.

Anh Nguyễn Đức Duy, Giám đốc Công ty Duy Phát có trụ sở trên đường Nguyễn Huệ cho biết: "Chúng tôi luôn hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi của chính quyền địa phương vì mỗi công dân đều nên có trách nhiệm với cộng đồng mình đang sống. Mỗi người một tay, tích tiểu thành đại để chung tay cùng địa phương xây dựng, làm giàu cho quê hương”.

Có mặt tại đường Lê Thế Tiết, đoạn qua khóm Xuân Phước, khóm trưởng Trần Đình Phương đang cùng một số thợ điện tiến hành bắt đèn led, đèn trang trí vào các cây xanh hai bên đường. Ông Phương cho biết, thực hiện chủ trương cấp trên, mỗi khóm một công trình chào mừng 30 năm Ngày thành lập thị trấn, khóm Xuân Phước đã bắt tay vào việc ngay. “Sau vài ngày phát động đóng góp, chúng tôi đã huy động được gần 25 triệu đồng. Trước mắt làm thí điểm một đoạn khoảng 300m, phấn đấu tiếp tục kêu gọi xã hội hóa để đầu tư đoạn tiếp theo. Dù đời sống bà con còn khó khăn, nhưng khi nghe làm đẹp cho quê hương thì ai cũng hưởng ứng. Vậy nên chúng tôi rất tự tin thực hiện” - ông Phương tâm sự.

Ngoài mỗi khóm một công trình chào mừng 30 năm Ngày thành lập, công trình cổng chào Lao Bảo đặt ở điểm đầu thị trấn có trị giá 1,2 tỷ đồng đang được triển khai thi công. “Đây cũng là công trình xã hội hóa mà chúng tôi kêu gọi được. Công trình do Công ty Cổ phần Điện gió Hải Anh tài trợ cho thị trấn Lao Bảo nhân sự kiện này” - Chủ tịch UBND thị trấn Lê Bá Hùng cho biết.

Những đột phá

Theo ông Đặng Dựng, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Công đoàn thị trấn Lao Bảo, ngoài thực hiện chức năng chuyên môn, mỗi đoàn viên công đoàn là cầu nối để kết nối các nhà tài trợ trong việc huy động nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở hạ tầng. Cuối năm 2023, khi chủ trương thị trấn Lao Bảo muốn tạo một điểm nhấn trong cảnh quan đô thị để thu hút khách du lịch vào dịp đầu năm mới Giáp Thìn 2024, chính quyền đã quyết định đầu tư xây dựng linh vật rồng để phục vụ bà con địa phương và khách tham quan. “Linh vật rồng được thiết kế, trang trí tại công viên có trị giá dự toán khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí chưa biết nằm ở đâu. Sau khi xác định nguồn xã hội hóa, mỗi đoàn viên công đoàn trong cơ quan thị trấn đã không ngừng quảng bá sự kiện, kết nối, kêu gọi để chung tay góp sức xây dựng” - ông Đặng Dựng chia sẻ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm. Ảnh: Yên Mã Sơn

Phố đi bộ Nguyễn Huệ về đêm. Ảnh: Yên Mã Sơn

Tiếng vang của rồng Lao Bảo đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người thưởng lãm của cả nước. Du khách trong và ngoài tỉnh, từng đoàn kéo đến địa phương để chụp ảnh, ngắm rồng. Điều này góp phần kích cầu ngành thương mại dịch vụ tại địa phương trong thời gian qua, tăng thu nhập cho bà con nhân dân. Theo thống kê, trong quý 1/2024, hiệu ứng rồng Lao Bảo đã thu hút hơn 120 ngàn lượt người đến với địa phương, tạo doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Cùng với hiệu ứng tham quan do linh vật rồng mang lại, trong năm 2023 và đầu năm 2024, thị trấn cũng đã tổ chức thành công phố đi bộ Lao Bảo, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến với địa phương; tạo không gian mua sắm, tiêu dùng sôi động khiến người dân ai cũng vui mừng, phấn khởi.

Ông Lê Bá Hùng, người được xem là “cha đẻ” của phố đi bộ cho biết, sau 3 lần tổ chức phố đi bộ Lao Bảo, thương hiệu phố đi bộ ở miền Tây Quảng Trị đã được định hình. “Chúng tôi sẽ cố gắng thay đổi bằng nhiều hình thức, nhiều chương trình đặc sắc để phố đi bộ trở thành điểm đến của du khách trong khu vực. Phải làm sao, ngoài khách nội địa đến từ các địa phương còn phải thu hút du khách từ Thái Lan, Lào đến với Lao Bảo thông qua các sự kiện phố đi bộ. Mục tiêu đưa phố đi bộ Lao Bảo trở thành điểm sáng kinh tế đêm của tỉnh Quảng Trị” - ông Hùng nói.

Sự đoàn kết của người dân phố núi Lao Bảo không những được thể hiện qua sự đóng góp kinh phí, mà còn được thể hiện qua tinh thần hồ hởi, nhiệt tình của người dân khi tham gia các chương trình nghệ thuật quần chúng. Chị Nguyễn Thị Nga (thành phố Đông Hà) cho biết, chứng kiến các tiết mục văn nghệ quần chúng do hàng trăm người dân địa phương thực hiện trong các chương trình phố đi bộ Lao Bảo mới thấy người dân ở đây rất vì cộng đồng, yêu quê hương. Họ biểu diễn chuyên nghiệp, vui vẻ, hòa mình vào sự kiện để góp một phần bé nhỏ vào thành công chung.

Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, thị trấn Lao Bảo đã phát huy được lợi thế địa bàn biên giới và bản sắc văn hóa địa phương. Phố đi bộ Lao Bảo đã tổ chức nhiều lần thành công từ việc phát huy những điều đặc biệt đó. Các chương trình nghệ thuật, ẩm thực thể hiện phố đi bộ Lao Bảo là không gian đa sắc màu văn hóa. Trong đó có văn hóa Lào trên cơ sở văn hóa bản địa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô kết hợp đã tạo hiệu ứng tốt để thu hút khách du lịch.

Yên Mã Sơn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-suc-manh-doan-ket-de-xay-dung-que-huong-post482997.html