Đưa nhạc dân tộc đến với mọi người

Từ sự trăn trở với tình trạng âm nhạc, nhạc cụ truyền thống đang bị quên lãng dần theo năm tháng trong giới trẻ, Câu lạc bộ Cầm Ca của các học sinh của Trường chuyên THPT Hà Nội-Amsterdam thành lập với mục đích đưa âm nhạc dân tộc đến với mọi người. Cho đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được hàng trăm bạn trẻ tham gia và có sức lan tỏa ngày càng lớn.

Một buổi trình diễn của Câu lạc bộ Cầm Ca.

Một buổi trình diễn của Câu lạc bộ Cầm Ca.

Năm 2019, Câu lạc bộ Cầm Ca được bạn Lê Thu Hà, học sinh Trường Hà Nội-Amsterdam thành lập trong bối cảnh thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2019 có nhiều các hoạt động của học sinh sinh viên với đa dạng thể loại nở rộ nhưng lại thiếu các dự án tuyên truyền văn hóa đối với giới trẻ, sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê các loại nhạc cụ truyền thống lại càng vắng bóng. Các tiết mục nhạc cụ truyền thống trong nhà trường cũng hạn chế dẫn đến việc nhạc cụ, âm nhạc truyền thống dần phai mờ và không có được sự biết đến của nhiều người Việt.

Khi đó, Cầm Ca ra đời vì mong muốn tạo ra một sân chơi thỏa mãn niềm đam mê cho những ai yêu âm nhạc, yêu nhạc cụ và văn hóa truyền thống. Đồng thời, đây cũng là niềm mong mỏi được cống hiến và công nhận của những người chơi nhạc cụ dân tộc.

Câu lạc bộ Cầm Ca.

Câu lạc bộ Cầm Ca.

Cầm Ca hướng đến mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người lớn, khơi dậy sự tò mò và niềm yêu thích dành cho nhạc cụ truyền thống văn hóa Việt Nam với khán giả. Các buổi biểu diễn, tập luyện chủ yếu hoạt động tại thành phố Hà Nội. Trong một số dịp, Câu lạc bộ được biểu diễn tại những nơi xa hơn như Hải Phòng, Bắc Giang… để mở rộng cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhạc cụ truyền thống cho mọi thế hệ ở nhiều địa phương.

Cầm Ca tập trung vào hai lĩnh vực khai thác âm nhạc truyền thống là tổ chức biểu diễn và giảng dạy.

Nét mới của Câu lạc bộ là lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống nhưng qua góc nhìn của các bạn trẻ Gen Z, vì thế, những hoạt động của Câu lạc bộ luôn xuất phát từ những ý tưởng sáng tạo thú vị và họ cũng luôn sẵn sàng tiếp thu sự thay đổi. Vậy nên nghệ thuật truyền thống khi được đặt vào những người trẻ đã mang lại rất nhiều làn gió mới.

Ngoài việc tái hiện lại làn điệu dân ca trên nhạc cụ truyền thống, các thành viên Câu lạc bộ Cầm Ca cùng nhau tập luyện những bài nhạc hiện đại, xu hướng trên các trang mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok, Instagram,… để thu hút nhiều khán giả, cho khán giả thấy rằng nhạc cụ truyền thống cũng có thể tạo nên những bài nhạc độc đáo.

Ở một số tiết mục, các thành viên kết hợp nhạc cụ phương Tây với nhạc cụ truyền thống, tạo hiệu ứng dễ nghe cho tất cả đối tượng khán giả, tạo ra sự mới mẻ, góp phần thu hút khán giả trẻ.

Với mục tiêu hướng tới mọi đối tượng khán giả, Cầm Ca không chỉ lan tỏa âm nhạc truyền thống trên các nền tảng, các trang mạng xã hội, mà còn tích cực tham gia thật nhiều chương trình biểu diễn ở nhiều nơi để ngày càng nhiều khán giả biết đến những hoạt động của câu lạc bộ cũng như biết đến vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống.

Cùng nhau lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống.

Cùng nhau lan tỏa vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống.

Những dự án giảng dạy của Cầm Ca có cái tên độc đáo: "Bình dân học nhạc”. Đây là những lớp học, chương trình học được lấy cảm hứng từ "Bình dân học vụ" - xóa mù chữ và diệt giặc dốt. “Bình dân học nhạc” mang âm nhạc đến gần hơn tới cộng đồng, phổ cập kiến thức về âm nhạc nói chung và các loại nhạc cụ truyền thống nói riêng. Các lớp học được Cầm Ca tổ chức hoàn toàn miễn phí với mong muốn truyền tải những điều đơn giản và gần gũi, xóa bỏ những rào cản từ người học như tuổi tác, điều kiện kinh tế lẫn xóa bỏ những định kiến về nhạc cụ truyền thống là nhàm chán hay khó nghe.

Theo thống kê của Câu lạc bộ, ở mùa 5 của dự án "Bình dân học nhạc” (năm 2024), Câu lạc bộ đã khai giảng và chính thức đi vào giảng dạy 25 lớp, đồng thời tổ chức các hoạt động bên lề song hành cho học viên. Tính đến nay, trung bình mỗi năm Câu lạc bộ tổ chức khoảng 20 lớp học, thu hút khoảng 800 người tham gia, mỗi năm biểu diễn khoảng 34 buổi, hơn 13 nghìn lượt thích và theo dõi trang fanpage.

Học nhạc cụ truyền thống cùng Cầm Ca.

Học nhạc cụ truyền thống cùng Cầm Ca.

Với các thành viên Câu lạc bộ, niềm tin vào sự lan tỏa vẻ đẹp và những giá trị của âm nhạc truyền thống càng vững chắc hơn sau hơn 5 năm hoạt động. Phản ứng của khán giả ngay từ ngày đầu cho đến bây giờ vẫn luôn là tình cảm yêu mến, ánh mắt thán phục, trầm trồ cũng những lời động viên sau khi tiết mục diễn ra. Đó là nguồn năng lượng mạnh mẽ, cảm xúc mãnh liệt nhất để các thành viên Câu lạc bộ hết mình với âm nhạc, tiếp tục vững bước trong tương lai.

Chặng đường phía trước còn dài. Nhưng với mỗi thành viên Cầm Ca, càng tạo ra những hoạt động có những ảnh hưởng tích cực, dần dẫn dắt những người cùng “làm văn hóa” tìm thấy nhau để đồng hành, phát triển, học hỏi lan tỏa và sức mạnh tập thể sẽ càng đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng và cho chính bản thân mình.

Câu lạc bộ Âm nhạc truyền thống Cầm Ca

Địa chỉ: Số 1 Hoàng Minh Giám, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Email: camcavn@gmail.com

Thành phố: Hà Nội

Official homepage: https://www.facebook.com/camca.vn

Số điện thoại: 0986770903

Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo” tiếp tục tìm kiếm, vinh danh và kết nối những cá nhân, tổ chức đang dấn thân vì cộng đồng trên cả nước. Trong Lễ công bố Giải thưởng, tổ chức ngày 23/09/2024 tại khách sạn Sheraton Hanoi West, Human Act Prize chính thức công bố những điểm nhấn mới của Mùa giải 2024:

1. Ra mắt ấn phẩm “Dấu ấn tiên phong - Đổi mới trong tác động xã hội tại Việt Nam” – Cuốn cẩm nang hoàn chỉnh đầu tiên dành cho người hoạt động cộng đồng ở Việt Nam.

2. Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đơn vị hỗ trợ giải thưởng:

PwC (PricewaterhouseCoopers) – Một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, tiên phong hỗ trợ doanh nghiệp tích hợp yếu tố bền vững vào hoạt động kinh doanh.

Social Impact - Nền tảng giáo dục đầu tiên được thành lập bởi chính các nhà hoạt động cộng đồng ở Việt Nam nhằm thúc đẩy tri thức về phát triển bền vững.

Nền tảng TikTok - Nền tảng video dạng ngắn hàng đầu thế giới, đồng hành lan tỏa những câu chuyện tích cực, tôn vinh những cá nhân, tổ chức đang nỗ lực vì cộng đồng, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều người cùng chung tay tạo ra những thay đổi tích cực

Đơn vị bảo trợ truyền thông: 13 cơ quan báo chí đã sẵn sàng đồng hành cùng Human Act Prize 2024 để lan tỏa những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng: Vietnamnet, VietnamPlus, Lao động, Dân trí, Tiền phong, Đại Đoàn Kết, Công thương, Nông nghiệp, Dân Việt, Nhà báo và Công luận, Hà Nội Mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, TikTok

Human Act Prize 2024 quy tụ các dự án phát triển bền vững, các sáng kiến đóng góp cho cộng đồng của nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước, như Công ty Cổ phần Canifa, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia, đội ngũ sản xuất chương trình Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly, quỹ học bổng Vừ A Dính, và nhiều đơn vị khác…

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize

NGỌC LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dua-nhac-dan-toc-den-voi-moi-nguoi-post843270.html