Nghĩ về văn trẻ Khánh Hòa hiện nay

Năm 2006, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa tổ chức “Hội nghị những người viết văn trẻ Khánh Hòa lần thứ 2”. Tham dự hội nghị có khoảng 40 đại biểu trẻ dưới 40 tuổi của tỉnh. Có thể kể ra về thơ có các cây bút trẻ: Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Thảo Hương, Quốc Sinh, Nam Phương, Phan Thị Thúy Kiều, Phạm Thị Hồng Tha, Trần Ngọc Hồ Trường; văn xuôi có Huỳnh Việt Hà, Trần Quang Huy, Vũ Khuê, Trần Khánh Linh, Phan Văn Lương, Nguyễn Thị Khánh Ninh, Phong Nguyên, Lê Đức Quang, Đào Thị Diễm Tuyết, Trần Đức Hạnh... Trước đó, năm 2004, hội cũng làm tuyển tập “Thơ văn trẻ Khánh Hòa” tập hợp các cây bút kể trên.

Các đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ Khánh Hòa lần thứ 2 năm 2006.

Các đại biểu dự Hội nghị viết văn trẻ Khánh Hòa lần thứ 2 năm 2006.

Sau gần 20 năm, các cây bút trẻ hiện nay ra sao?

Trước hết, hãy nói về sự phát triển, rất may là tuy không nhiều nhưng các cây bút tham dự hội nghị viết văn trẻ ngày đó vẫn viết và theo nghiệp viết một cách vững chãi dù công việc chính của họ không phải là viết văn, làm thơ. Có thể kể những cái tên như Phong Nguyên, anh làm Báo Nhân dân nhưng vẫn viết ký một cách nền nã, vững chãi và có nét riêng. Anh in 3 tập sách ký được bạn bè, công chúng đánh giá cao. Không nói quá hiện anh là cây bút viết ký hàng đầu ở Khánh Hòa. Hay Lê Đức Quang - qua cần cù của năm tháng đã trở thành cây bút truyện ngắn rất khá ở Khánh Hòa, đã in được mấy đầu sách, truyện của anh in ở các báo và một số tạp chí. Phan Văn Lương là nhà báo ngành Công an, anh chịu khó đi con đường riêng là ký sự và truyện đề tài công an. Phan Văn Lương viết mộc mạc, chân tình, có chút sắc sảo về nghiệp vụ. Trần Ngọc Hồ Trường hồi còn trẻ làm thơ theo nghiệp cha (nhà thơ Trần Vạn Giã), nhưng cuối cùng anh chuyển sang dịch và trở thành dịch giả khá nổi tiếng với các bản in ở các báo, tạp chí trong cả nước. Đặc biệt, anh in riêng các sách dịch và khảo cứu, nghị luận dưới sự khám phá của riêng mình rất cá tính. Nhà thơ trẻ Quốc Sinh vốn là cây bút trưởng thành thời sinh viên thập niên 90, dù không chuyên về con đường viết nhưng thơ Quốc Sinh vẫn là điển hình cho thơ Khánh Hòa hiện nay. Tiếc là anh chưa in tập thơ nào... Lê Đức Quang, Trần Ngọc Hồ Trường là hội viên trẻ được Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp trong những năm gần đây. Một số cây bút làm báo và coi sáng tác thơ hay viết văn là cuộc dạo chơi chứ không đi chuyên sâu. Số còn lại hầu như đã rời bỏ cuộc chơi để lo kiếm kế mưu sinh.

Hiện nay, nếu tính văn trẻ Khánh Hòa có thể kể đến Nguyễn Hoàng Vũ, Phạm Bá Diệp - 2 cây bút trẻ viết truyện ngắn tài năng từng đạt giải Văn học tuổi 20, in đôi đầu sách được bạn đọc nhớ đến. Tiếc là Nguyễn Hoàng Vũ đi làm thầy giáo, Phạm Bá Diệp làm công nghệ không mặn mà với văn chương, mặc dù các hội nghị viết văn trẻ khu vực hay toàn quốc đều mời 2 cây bút này đại diện cho Khánh Hòa tham dự. Nguyễn Hữu Phú - sau khi đi dạy học ở Trường Sa, anh về quê dạy học và vẫn chưa có tác phẩm nào nổi như cách đây 5 năm, dù anh có in một tập thơ cho mình. Tạ Hương Nhuận - cây bút nữ ở Vạn Ninh, viết dễ thương nhưng vì cuộc sống, hiện chị đã chuyển lên Buôn Ma Thuột làm việc trong ngành Giáo dục, lâu nay không thấy có tác phẩm. Như Hoài, Hồng Đào - 2 cây bút nữ nhiệt thành hiện nay, các chị đều in sách, tạo ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc. Với thầy giáo Ngô Thế Lâm, hiện anh viết rất đều tay về thơ và tản văn, các tác phẩm của anh đăng trên các báo, tạp chí nhiều năm nay. Tuy nhiên, bạn đọc vẫn chờ anh có tác phẩm lớn hơn. Có thể kể thêm những cái tên như: Minh Anh, Ngọc Lan, cây bút ở Tạp chí Nha Trang.

Trong khi đó, những cây bút qua thời tuổi trẻ như: Ái Duy, Vân Hạ, Đào Thị Thanh Tuyền, Tạ Hùng Việt, Chế Diễm Trâm… hiện nay đang rất sung sức và tạo vị trí cho mình. Họ hiện là nòng cốt cho thế hệ thứ 4 của văn học Khánh Hòa.

Một điều khó khăn hiện nay, nói như nhà thơ Lê Khánh Mai - nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh là lớp trẻ hôm nay không thích viết, càng hiếm các cây bút đi chuyên sâu. Vì thế, lớp đàn anh khó tổ chức cho các bạn hội nhóm hay hội nghị như xưa. Theo nhà văn Ái Duy, hiện tại lớp trẻ yêu thích văn chương gặp khó khăn hơn xưa là không còn các tờ báo dành cho lứa tuổi của mình như: Áo trắng, Tuổi hồng, Mực tím, Hoa học trò... nên thiếu hẳn bệ đỡ và sự động viên cho các cánh chim nhỏ này. Chưa kể giới bạn đọc cũng không còn hâm mộ các cây bút trẻ như cách đây 20 năm. Thế nên, các cây bút trẻ phải có năng khiếu đặc biệt, ý chí và hoài bão lớn mới trở thành cây bút chuyên nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, với tình hình hiện nay, Hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh nên liên kết tổ chức hội nghị dành cho người viết trẻ khu vực để động viên các cây bút trẻ hiện nay tiếp tục sáng tác. Thiết nghĩ đó cũng là một ý tưởng để các hội văn học nghệ thuật cân nhắc và triển khai thực hiện trong thời gian tới.

DƯƠNG MY ANH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202411/nghi-ve-van-tre-khanh-hoa-hien-nay-7b6662e/