Bệnh 'nhạc liêu'

Muốn thu hút sự chú ý của công chúng cho các chương trình mít tinh thì luôn phải có ca múa nhạc. Những người thực hiện chương trình muốn những tiết mục này làm mềm mại cảm xúc nhằm chuyển tải thông điệp một cách tự nhiên nhất. Có những chương trình sân khấu sàn diễn đồ sộ và diễn viên huy động kiểu 'biển người'.

Cảm giác vẫn mơ hồ. Người xưa nói “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nên các tiết mục xưa số lượng người vừa và nhỏ, đôi khi chỉ là đội văn nghệ xung kích nhưng tác phẩm vẫn đi vào lòng người và trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Hiện nay có nhiều chương trình chịu chi lắm, mời những danh ca hàng đầu, đạo diễn gạo cội nhưng hiệu quả thì nhàn nhạt mờ sương, cái mới thì không hay, cái hay thì không mới. Rất nhiều ca khúc viết mới nhiều cảm xúc sử thi lắm, giai điệu cùng ca từ có vẻ cuồn cuộn bão giông nhưng không thấm thía, không đi vào tim. Nói như ngày xưa là không đi vào lòng người, còn nói như giới trẻ GenZ là không “đốn tim”.

Có khán giả nói rằng có những bài hát lộng lẫy trên sân khấu. Khi kết thúc, khán giả về nhà thì họ quên ngay, bài hát ở lại sân khấu. Có bài hát khi kết thúc thì khán giả về nhà vừa đi vừa hát. Khi về nhà, vừa rửa rau, nấu cơm vừa hát…

Có nhà văn gọi hiện tượng như vậy là tác phẩm đi đúng mạch sống. Những gì nằm ngoài mạch sống thật sẽ bị loại bỏ. Đó là chưa kể có những tác phẩm xây dựng bằng các thủ thuật sáng tác lão luyện, chỉ để “gia cố” cho cảm xúc giả.

Có nhiều cuộc vận động sáng tác, cuộc thi ca khúc, các trại sáng tác dành cho địa phương, ban ngành đoàn thể nhưng không gặt hái được tác phẩm tốt. Chung kết vẫn có tác phẩm in tuyển tập, làm CD, Music video, công diễn, giải thưởng, nhưng tiếng vang cụt lủn.

Những tác phẩm trên có những đặc điểm dễ thấy, tiến trình giai điệu phát triển và hòa âm hoàn toàn hợp lý nhưng thiếu cá tính. Ca từ thì đẹp đẽ lộng lẫy đấy nhưng không hề có câu chuyện nào dẫn dắt cả. Không có câu chuyện thì nhân vật cũng nhàn nhạt, thiếu sức sống.

Trong phạm vi bài báo in thì khó giãi bày được những yếu tố hòa thanh, tiết tấu, nhưng có thể bàn một chút về ca từ. Chúng ta hẳn sẽ nhận ra nhiều ca khúc hiện nay thiếu một nhân vật như anh lái xe trong bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” (phổ thơ Phạm Tiến Duật); anh lính lái xe tăng trong “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (phổ thơ Hữu Thỉnh); cô thanh niên xung phong trong “Cô gái mở đường” (nhạc và lời Xuân Giao); anh quân bưu trong “Anh quân bưu vui tính” hay chiến sĩ nuôi quân trong “Tôi là Lê Anh Nuôi” là những ca khúc đi vào tâm hồn nhiều thế hệ của Đàm Thanh.

Theo NSND Trần Hiếu kể thì nhân vật Lê Anh Nuôi là có thật. Nhạc sĩ Đàm Thanh đã khái quát hóa một “binh chủng” đặc biệt qua câu chuyện của một con người. Chuyện anh quân bưu mang tin vui đến với mọi người với hình ảnh cụ thể sinh động nhưng cũng mang tính biểu tượng rõ nét: “Thư này là lệnh của trên/ Thư đây là tin chiến thắng/ Có lá thư tình yêu mà sao dán đến năm con tem… Bên này công văn nhà nước, bên kia công văn trái tim/ Lòng sướng vui vẻ đẹp cuộc đời, lòng tôi vui vẻ đẹp cuộc đời/ Cười chi anh nuôi thân mến? Có thư anh gửi tôi đi/ Và cô quân y yêu quý, có thư, thư của cô đây… Ai da da Ái dà dà…”.

Đoạn lặp đi lặp lại “Ái da da, ái dà dà” đã trở thành dấu hiệu nhận biết để bài không lẫn vào đâu được. Các giáo trình dạy sáng tác thế kỷ 21 từ Âu Mỹ luôn khuyến cáo mọi ca khúc nên có câu chuyện nào đó để kể. Chuyện tình yêu, chuyện xã hội, thậm chí là chuyện của trái đất. Gì cũng được nhưng không thể không có chuyện. Ballad vốn là thể loại kể chuyện. Pop Âu Mỹ tràn ngập thị trường cũng nhờ kể chuyện. Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học nhờ phần ca từ cũng là những câu chuyện. Các phương pháp đều không quên nhắc đến khái niệm “hook”, là một thủ pháp khiến người nghe bị ám ảnh không dứt.

“Hook” có thể là một câu điệp khúc, cũng có thể một lời, hình ảnh nào đó giàu cá tính được nhấn mạnh. Cũng có thể một câu nhạc hoặc một nhịp điệu, hoặc một âm sắc riêng có được đặt đúng chỗ. Thủ pháp này tạo ra hiện tượng “con sâu trong não” khiến người nghe không thể thoát ra khỏi bài ca. Nghe câu chữ có vẻ tân kỳ chứ kỳ thực các “đòn thế” này được các nhạc sĩ tiền bối, các tác giả khuyết danh trong dân ca cũng làm từ thượng cổ.

Suốt thời kháng chiến, các nhạc sĩ tiền bối đi thực tế là sống cùng với nhân vật thật, với chiến sĩ, thợ lò, tự vệ, giáo viên... Họ hiểu rõ âm sắc của đàn ta lư, hiểu rõ tâm tình tiếng tích tà của tín hiệu mật mã Morse mà người chiến sĩ thông tin làm hàng ngày. Chất liệu cuộc sống thô nhám trở thành vàng ròng trong tác phẩm.

Ngày nay, một bộ phận tác giả nhạc chưa làm được do xa dân, không có điều kiện chia ngọt sẻ bùi với dân nên chỉ có cảm xúc trên giấy. Nhiều trại sáng tác mong có được những tác phẩm hay nhất về địa phương, ban ngành đoàn thể nhưng lại quá chú trọng vào đón tiếp kiểu trống giong cờ mở chứ không tạo cơ hội cho nhạc sĩ “ba cùng” với nhân vật. Bệnh quan liêu đã được chúng ta bớt dần nhưng “nhạc liêu”, “thơ liêu”… có vẻ đang tăng lên.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/benh-nhac-lieu-i749362/