25 năm vượt khó, bám bản 'gieo'chữ
'Ngày đầu lên nhận công tác, nhìn thấy lớp học tiêu điều chẳng có gì ngoài mấy cột nhà, nên đứng giữa trường học mà bật khóc. Các thầy cô động viên 'em ơi yên tâm, mai chúng mình lên rừng lấy vầu, lấy nứa về rồi cùng nhau làm lại, mấy hôm là có lớp ngay ấy mà'. Thấm thoắt cũng đã 25 năm gắn bó với nghề, với vùng cao' - cô giáo Đỗ Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Cheo chia sẻ.
Chúng tôi lên Trường Tiểu học Pa Cheo (Bát Xát) sau thời gian dài toàn tỉnh trải qua thời gian giãn cách xã hội. Trái với cảnh tượng xác xơ bởi lâu ngày vắng bóng học sinh mà chúng tôi nghĩ, trường học vẫn được giữ sạch sẽ, cây cối xanh tươi đủ để thấy có bàn tay chăm nom mỗi ngày. Trong thời gian nghỉ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, được sự phân công của hiệu trưởng, các thầy cô vẫn thay phiên nhau đến trường, đeo khẩu trang tới nhà học sinh để giao bài, cùng nhau dọn dẹp, trang trí trường lớp. Trước ngày đón học sinh đi học trở lại, các thầy cô cùng nhau lên trường, lên thôn, gặp gỡ phụ huynh để vận động đưa các em đến lớp đầy đủ. Đi học lại vào thời điểm vùng cao chuẩn bị vào vụ cấy, nên vẫn có gia đình muốn con ở nhà phụ giúp cha mẹ. Nắm được tâm lý đó, cô hiệu trưởng cử thầy cô giáo phụ trách đến tận gia đình đón học sinh. Với quyết tâm cao, ngay từ ngày đầu đi học trở lại, tỷ lệ chuyên cần của trường đạt 95%, ngày thứ 2 đạt 98%... Do điều kiện địa hình chia cắt, chỗ ở phân tán, nhiều học sinh theo cha mẹ lên ở lán tạm trên nương, ruộng nên nhiều thầy cô cũng kiên trì leo núi, vượt rừng đón các em về học chữ. Nhìn các thầy cô trong trường chạy xe từ thôn, bản xa xôi, chở từng trò nhỏ tới trường, cô hiệu trưởng lén quay về phòng lau nước mắt…
Cô Hồng chia sẻ: Dù chỉ đạo rất quyết liệt, thầy cô phải nỗ lực, phải quyết tâm vượt khó nhưng hơn ai hết, mình hiểu được những vất vả của giáo viên vùng cao phải đối mặt bởi bản thân mình cũng từng trải qua. Thương học trò, thương các thầy cô giáo nên càng phải quyết tâm, càng thấy yêu nghề, bởi nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai!?
Cũng bởi chữ “thương” mà cô Đỗ Thị Hồng gắn bó với vùng cao Bát Xát 25 năm qua. Ngày mới lên nhận công tác, cô nghĩ rằng làm việc ở vùng cao 1 - 2 năm rồi xin về huyện bởi vất vả, thiếu thốn. Thế nhưng càng gắn bó, cô giáo trẻ ngày ấy lại càng yêu thương mảnh đất này. Thương học trò nghèo lam lũ, cặm cụi tới trường học chữ, thương bản làng nghèo, thương đồng bào chỉ quanh năm cày cấy, nên quyết tâm ở lại “gieo” chữ. Trong suốt sự nghiệp của mình, mỗi sáng, cô Hồng thức dậy từ 5 giờ, nhiều lần phải đến tận nhà, lên lều, lên nương vận động, đón học sinh tới lớp, sau đó đứng lớp, đến trưa lo bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Đến chiều, cô lại trực tiếp hướng dẫn các em vệ sinh cá nhân, chăm sóc bản thân, đến khi học trò ngoan ngoãn đi ngủ, cô lại chong đèn soạn giáo án cho ngày mới. Trải qua 25 năm, những học trò nhỏ ngày nào giờ đã khôn lớn, trở thành các phụ huynh đưa con tới lớp, lại trở thành những học trò nhỏ của cô Hồng. Sự nghiệp “gieo” chữ trên bản vùng cao của cô Hồng cứ thế miệt mài từ năm này sang năm khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đứng trước ngôi trường được xây khang trang, sạch đẹp, cô Hồng tự hào: Trường lớp được Nhà nước đầu tư, còn lại, các thầy cô trong trường kêu gọi xã hội hóa, cùng phụ huynh bỏ công sức đổ sân, tạo khu vui chơi, tạo thư viện xanh, chăm sóc hoa, cây cảnh. Thầy cô là thầy, là thợ xây, là thợ cơ khí, chăm nom học sinh bán trú như cha mẹ các em. Chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong các em khôn lớn mỗi ngày.
25 năm trôi qua, với sự yêu nghề, mến trẻ, không quản ngại khó khăn, cô giáo trẻ bật khóc giữa ngôi trường xác xơ ngày nào nay giữ cương vị Hiệu trưởng nhà trường, từng ngày đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đóng góp chung cho sự phát triển của địa phương. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Thảo mới nhận công tác tại Pa Cheo cách đây 2 năm tâm sự: Chẳng bao giờ thấy cô Hồng nghỉ, dù là hiệu trưởng nhưng cô luôn quan tâm chỉ đạo, tham gia mọi công việc từ nhỏ đến lớn. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong điều kiện tốt hơn thế hệ trước, chưa quen với vùng cao vất vả nhưng khi nhận công tác tại đây, thấy sự cố gắng không mệt mỏi của cô Hồng, chúng tôi như được tiếp thêm động lực để vượt khó, thêm yêu nghề để gắn bó với bản làng vùng cao.