26 thuyền viên mất tích trong cơn bão số 9

Lúc 23h, Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9 thông tin việc 2 tàu bị chìm hiện vẫn chưa được tìm thấy. Trên 2 tàu có tổng cộng 26 thuyền viên.

Vị trí tâm bão số 9 - Molave: 22h ngày 27/10; cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400km, cách Quảng Ngãi 360km, cách Phú Yên 286km.
Sức gió: Mạnh nhất cấp 14 (150- 165km/h), giật cấp 17
Di chuyển: Hướng tây tây bắc, tốc độ 20 km/h.
Đổ bộ: Dự kiến sáng 28/10, tâm bão trên đất liền Quảng Nam - Bình Định.
Vùng ảnh hưởng: Do ảnh hưởng của bão số 9 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định đã có mưa.

Trước giờ bão Molave đổ bộ 22h ngày 27/10, các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam bắt đầu có mưa kèm gió mạnh. Chính quyền khuyến cáo người dân không ra đường trước khi bão Molave đổ bộ.

23:19 27/10

Tâm bão còn cách Phú Yên 280 km

Bản tin 23h ngày 27/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết do ảnh hưởng của bão số 9 ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Hồi 22h ngày 27/10, vị trí tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 460km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km, cách Phú Yên 280 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/h), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần. Đến 10h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/h), giật cấp 13.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

 Dự báo hướng di chuyển và đổ bộ của bão số 9. Nguồn: VNDMS

Dự báo hướng di chuyển và đổ bộ của bão số 9. Nguồn: VNDMS

23:04 27/10

Ban Chỉ đạo tiền phương họp trong đêm, 26 thuyền viên vẫn mất tích

Ảnh: Đoàn Bắc.

23h đêm 27/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó với bão số 9, hồi 22h ngày 27/10, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 460 km, cách Quảng Nam 400 km, cách Quảng Ngãi 360 km và cách Phú Yên 280 km. Gió cấp 14, giật trên cấp 17.

Gió khi đổ bộ từ Đà Nẵng đến Bình Định là cấp 11-13, giật cấp 15; Thừa Thiên - Huế, Phú Yên là cấp 8-10, giật cấp 12.

Ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gió cấp 7, giật cấp 10. Sóng và nước dâng từ 7,5 đến 9,5 m trong vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

Về sự cố trên biển, Ban Chỉ đạo tiền phương thông tin việc 2 tàu bị chìm hiện vẫn chưa được tìm thấy. Trên 2 tàu có tổng cộng 26 thuyền viên.

Tàu BĐ96388-TS/12 LĐ bị chìm lúc 13h30 ngày 27/10 tại khu vực cách bờ Phú Yên 330 km về phía Đông. Tàu BĐ97469-TS/14 LĐ bị chìm cách Hòn Tre (Khánh Hòa) 310 km.

Các lực lượng đang thông báo cho các tàu hoạt động gần khu vực trên tham gia tìm kiếm người mất tích.

Ban Chỉ đạo tiền phương yêu cầu khẩn trương tìm kiếm cứu nạn 2 tàu bị chìm của Bình Định; kiên quyết kêu gọi 92 tàu của Bình Định ra khỏi khu vực nguy hiểm. Cùng với đó, bố trí phương tiện ứng trực tại khu vực bão đổ bộ để cứu hộ tàu khi có sự cố.

22:29 27/10

Sáng mai, tâm bão số 9 nằm ngay vùng biển từ Đà Nẵng đến Phú Yên

Dự báo đường đi của bão số 9 trong những giờ tới. Ảnh: VNDMS.

Tối 27/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ảnh hưởng của bão số 9 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lúc 19h, tâm bão cách Đà Nẵng khoảng 480 km, cách Quảng Nam 430 km, cách Quảng Ngãi 380 km và cách Phú Yên 320 km. Sức gió mạnh nhất cấp 14, giật cấp 17.

Theo bản đồ dự báo, lúc 7h ngày 28/10, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Với vận tốc 20-25 km/h, bão đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên trong vòng 24 giờ tới. Thời điểm đổ bộ, sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15.

22:15 27/10

Hình ảnh được cộng đồng mạng chia sẻ lúc hơn 21h.

22:06 27/10

Mưa lớn, gió giật liên hồi, người dân không ra đường

Ảnh: Đoàn Nguyên.

22h, tại các quận ven biển ở Đà Nẵng như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn có mưa lớn kèm gió giật liên hồi. Mọi công tác phòng chống, ứng phó cơn bão số 9 đang được các địa phương, lực lượng thực hiện nghiêm.

Lệnh cấm người dân trên địa bàn Đà Nẵng ra đường đã có hiệu lực, các tuyến đường vắng người và phương tiện di chuyển. Chính quyền Đà Nẵng đã sơ tán khẩn cấp 400 hộ dân dưới chân núi Ngũ Hành Sơn đến nơi an toàn.

21:38 27/10

"Lần đầu tiên trong đời dân làng đi tránh bão đông như vậy"

Ảnh: Minh Hoàng.

21h30 tối 27/10, Quảng Ngãi bắt đầu mưa to, gió lớn. Các phòng học tại trường THCS Nghĩa Dũng (TP Quảng Ngãi) chật kín người dân sơ tán tránh bão số 9. Hơn 1.000 dân ở xã ven biển Nghĩa An vượt đường xa 7 km di tản đến nơi này.

Cụ Nguyễn Thị Đi (70 tuổi ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) chia sẻ đây là lần đầu tiên trong đời thấy dân làng cũng đi sơ tán tránh bão đông như vậy.

20:43 27/10

7 trực thăng sẵn sàng cứu trợ nơi bị cô lập

Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tối 27/10, đại diện Sư đoàn 372 đóng tại Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã huy động 100% quân số ứng trực làm nhiệm vụ khi có lệnh. Đặc biệt, Sư đoàn 372 sẵn sàng điều động 7 trực thăng và 100 cán bộ, chiến sĩ để chuẩn bị cho tình huống cứu trợ cho những địa phương bị cô lập sau bão.

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng cũng huy động 1.000 cán bộ, chiến sĩ, gồm 442 bộ đội thường trực cùng 3 xe thiết giáp, 54 ôtô các loại, 1 xe cứu thương để phòng, chống bão.

20:39 27/10

Nhiều hộ dân được sơ tán đến nơi an toàn

20h tối 27/10, chính quyền Đà Nẵng đã sơ tán hàng nghìn hộ dân ở các vùng xung yếu, trũng thấp đến các ngôi nhà kiên cố trú ẩn. Dự kiến, địa phương này sẽ sơ tán 12.067 hộ với 32.626 người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ.

Ảnh: Đoàn Nguyên.

20:09 27/10

'Giờ vàng để cứu dân'

19h50 tối 27/10, tại huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã xuất hiện gió giật cấp 8, cấp 9. Ông Đặng Tấn Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho hay mưa gió lớn rít từng cơn liên hồi. Hiện địa phương đã sơ tán gần 1.000 người dân đến trú bão ở các nhà nghỉ, khách sạn, trụ sở cơ quan kiên cố trên địa bàn để tránh bão số 9.

Trực tiếp gọi điện cho Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nghe báo cáo có 34.000 hộ dân dự kiến phải sơ tán. Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý phải sơ tán toàn bộ dân ở đảo Lý Sơn, đồng thời cảnh báo “không phải trú tránh vào nhà là đã an toàn”. Với công trình công cộng được trưng dựng cho dân cư trú tạm thời, Phó thủ tướng yêu cầu gia cố cửa kính ngay để đảm bảo an toàn. “Bây giờ là giờ vàng để cứu dân”, ông nhấn mạnh.

Ảnh: Minh Hoàng.

19:54 27/10

Tàu chở 12 thuyền viên bị chìm, mất liên lạc

Tối 27/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng từ Quảng Ngãi trở về Đà Nẵng chủ trì cuộc họp tại Ban Chỉ đạo tiền phương.

Về vấn đề đảm bảo an toàn trên biển, Phó thủ tướng cho biết dù rất quyết liệt chỉ đạo, còn một số tàu thuyền đang gặp khó khăn, đặc biệt là Bình Định. Phó thủ tướng thông tin hiện có một tàu gồm 14 người bị hỏng, đang được các lực lượng ứng cứu.

Một tàu khác bị chìm, trên tàu có 12 thuyền viên. Dù có một tàu đến tại chỗ ứng cứu, vẫn không có tín hiệu liên lạc với các thuyền viên, trong khi gió đang mạnh lên nên nguy cơ rất cao.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, lúc 13h ngày 27/10, tàu cá mang số hiệu BĐ-96388-TS do ông Lê Vạn (quê Bình Định) làm chủ phương tiện chở 12 ngư dân trên đường vào đất liền để tránh bão. Khi đến vị trí cách đảo Hòn Tre (Khánh Hòa) 120 hải lý, tàu bị phá nước nên chìm.

Chỉ đạo về neo đậu thuyền vào nơi tránh trú, Phó thủ tướng lưu ý nếu không có phương pháp neo đậu, chống va đập thì nguy cơ đắm thuyền tại khu vực neo đậu là rất lớn, vì cơn bão này rất lớn, rất mạnh và rất nguy hiểm.

 Cơn bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 càn quét qua Bình Định, gây sóng lớn nhấn chìm 8 tàu chở hàng và hai phương tiện khác trôi dạt vào bờ mắc cạn khiến 10 người chết, 3 người mất tích. Ảnh: Minh Hoàng.

Cơn bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 càn quét qua Bình Định, gây sóng lớn nhấn chìm 8 tàu chở hàng và hai phương tiện khác trôi dạt vào bờ mắc cạn khiến 10 người chết, 3 người mất tích. Ảnh: Minh Hoàng.

19:36 27/10

Đà Nẵng bắt đầu mưa to, gió lớn

Tối 27/10, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện mưa to, gió lớn. Theo yêu cầu của chính quyền địa phương, người dân đã hạn chế ra đường.

Đại tá Trần Công Thành, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã trưng dụng 8 tàu, 13 xuồng để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão số 9.

Đại tá Nguyễn Quốc Hương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, thông tin đơn vị đã huy động 1.000 cán bộ, chiến sĩ, trong đó bộ đội thường trực là 442 người, cùng 54 ôtô các loại, 1 xe cứu thương để phòng, chống bão số 9. Ngoài ra, đơn vị này huy động 3 xe thiết giáp sẵn sàng phục vụ lãnh đạo, chỉ huy. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố đã chỉ đạo lực lượng vũ trang 7 quận, huyện bố trí nhân lực thường trực tại các vị trí có nguy cơ ngập nhằm ngăn chặn không cho người dân qua lại, tránh nguy hiểm.

Ảnh: Đoàn Nguyên.

19:29 27/10

Hội An ngập một số đoạn

Ảnh: Duy Anh.

Tại Hội An, mưa ngắt quãng xuất hiện từ 18h. Ghi nhận tại phố Bạch Đằng, nước sông Thu Bồn dâng cao, một số đoạn đã bắt đầu ngập.

19:15 27/10

Gió ngày càng lớn, hàng trăm tàu thuyền đã neo đậu kiên cố

Ảnh: Trương Khởi.

Tại TP Quy Nhơn, trời tối đen từ 17h30, xuất hiện mưa kèm gió càng lúc càng lớn. Tại tuyến đường Xuân Diệu ở ven biển, xe cộ hạn chế di chuyển. Hàng trăm tàu, thuyền đã được neo đậu kiên cố trong khu vực cảng Quy Nhơn.

18:53 27/10

Điều xe bọc thép ứng phó khi bão số 9 đổ bộ

Ảnh: Xuân Hoát.

Để ứng phó với bão số 9, Quân khu 5 đã lập Sở Chỉ huy tiền phương tại tỉnh Phú Yên. Đại tá Lại Công Hoan, Phó hiệu trưởng Trường Sỹ quan Không Quân (đóng tại Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết Trung đoàn Trực thăng 915 đóng tại TP Tuy Hòa đã khảo sát và chọn được 16 điểm cất, hạ cánh. “Các máy bay trực thăng Mil Mi-8 đã sẵn sàng phục vụ công tác kiểm tra, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trước, trong và sau bão số 9”, đại tá Hoan cho hay.

Cùng với đó, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên cũng đã điều xe bọc thép sẵn sàng ứng phó khi bão số 9 đổ bộ.

18:48 27/10

Cưới "chạy" bão

Chiều 27/10 - một ngày trước khi cơn bão số 9 đổ bộ, nhiều người dân tại ấp Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, sau khi chằng chống nhà cửa đã tập trung về dự đám cưới của một cặp đôi trong xã. Khi biết bão số 9 sẽ đổ bộ ngày 28/10, gia đình cô dâu - chú rể quyết định không hoãn cưới mà tổ chức đơn giản, gọn nhẹ. Nhiều người thân, họ hàng từ các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Thái Bình... không thể đến dự lễ cưới do lo ngại ảnh hưởng của bão.

Ảnh: Phạm Ngôn.

18:25 27/10

Sẵn sàng ca nô đặc chủng cứu hộ, cứu nạn ở Đà Nẵng

Thủy đoàn 1, Cục CSGT triển khai ca nô đặc chủng phục vụ cứu hộ, cứu nạn tại Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Quang.

Cục CSGT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các chủ phương tiện, lái xe nếu không thực sự cần thiết, hạn chế tham giao giao thông qua những vùng bị ảnh hưởng bởi bão số 9. CSGT sẽ xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân, phương tiện cố tình đi vào khu vực nguy hiểm khi đã có hướng dẫn, cảnh báo nguy hiểm.

Cục trưởng Cục CSGT cũng có điện yêu cầu lực lượng CSGT công an các địa phương từ Nghệ An đến Phú Yên chủ động bố trí lực lượng làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông, đặt biển báo “nguy hiểm”, rào chắn… trước các điểm xảy ra ngập lụt, sạt lở để cảnh báo người dân. Cục CSGT đã thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống bão số 9 tại Đà Nẵng để điều hành, chỉ đạo, sẵn sàng các phương án cứu trợ khi cần thiết.

18:03 27/10

Cố nuôi sống số hải sản chưa kịp di dời

Ảnh: Ngọc Tân.

18h tại bãi tắm Rạng (Chu Lai, Quảng Nam), ông Mai Thanh Tùng là hộ kinh doanh du lịch cuối cùng còn nán lại bờ biển. Ông đang đấu dây điện chạy máy nổ để nuôi sống những chậu tôm hùm, ghẹ, ngao chưa kịp di dời. Tổng giá trị số hải sản này gần 20 triệu đồng. "Khi bão về điện sẽ bị cúp. Phải có điện để chạy máy sục oxy, nếu không hải sản sẽ chết sau 30 phút", ông Tùng chia sẻ.

18:02 27/10

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Không thể chủ quan với bão số 9' Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường lưu ý với cường độ và tầm ảnh hưởng rộng lớn của bão số 9 - Molave, chúng ta không thể chủ quan trong việc ứng phó.

17:42 27/10

Dùng xe cứu thương đưa người dân đi sơ tán

Chiều 27/10, chính quyền TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thực hiện sơ tán 9.000 người dân ở các xã Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Phú đến nơi cư trú an toàn trước khi bão số 9 đổ bộ.

Ông Huỳnh Lài cùng bà Kiều Thị Liễu (cùng 94 tuổi, ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh) không thể di chuyển do ông bị đau chân, bà bị mù mắt nên phải đợi lực lượng chức năng đưa xe cứu thương đến chở đi sơ tán.

17:31 27/10

'Đêm nay không ngủ'

Ảnh: Đoàn Bắc.

17h chiều 27/10, tại Quảng Ngãi bắt đầu mưa khá to, gió thổi mạnh. Chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân.

"Đây là cơn bão mạnh, đi nhanh và Quảng Ngãi là tâm bão. Theo thông tin mới nhất vừa nhận được từ Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, bão vào đất liền có thể mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14. Tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số một là bảo vệ tính mạng người dân, bảo vệ tài sản của người dân và Nhà nước”, Phó thủ tướng lưu ý.

Phó thủ tướng đề nghị rà soát lại tất cả tàu thuyền để đảm bảo neo đậu an toàn, người dân tuyệt đối không ở lại trên tàu thuyền. Đồng thời, tập trung sơ tán người dân. “Hiện mới sơ tán được 55.000 người, còn khoảng 60.000 nữa, nên phải tập trung đến 18-19h tối nay phải xong hết nhiệm vụ này, cưỡng chế những người không chịu đi”, Phó thủ tướng chỉ đạo không để người dân bị đe dọa tính mạng.

Ông cảnh báo nếu không làm tốt sẽ thiệt hại rất nặng nề. “Đêm nay không ngủ, phải tập trung rà soát công việc chống bão, các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật”, Phó thủ tướng đề nghị lãnh đạo các địa phương và đơn vị làm nhiệm vụ ứng phó bão.

16:51 27/10

Thủ tướng ra công điện khẩn

Ảnh: Phạm Ngôn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1490 yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9.

Để ứng phó với bão, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão, tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Cùng với đó, khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai, có thể cho nghỉ làm, nghỉ học nếu cần thiết.

Thủ tướng giao bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận, các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình, yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.

Các bộ: Quốc phòng, Công an và các địa phương huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tập trung ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.

16:44 27/10

Huy động hàng nghìn chiến sĩ công an, quân đội giúp dân chống bão

Cùng với chính quyền địa phương, các lực lượng công an, quân đội được huy động giúp dân ứng phó với bão số 9. Ảnh: Đoàn Nguyên - Phạm Phùng.

Nhằm giảm thiệt hại do bão số 9 gây ra, chiều 27/10, người dân Đà Nẵng hối hả đưa tàu, thuyền vào âu thuyền Thọ Quang để trú ẩn.

Chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu giám đốc sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện hiệp đồng với quân đội, công an để ứng phó với bão số 9. Ngay sau chỉ đạo này, Đà Nẵng đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội xuống cơ sở giúp dân phòng, chống bão.

Từ 20h tối nay, người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà theo yêu cầu của lãnh đạo chính quyền thành phố.

16:32 27/10

'Sức tàn phá của bão số 9 cực kỳ khủng khiếp' Cơ quan khí tượng nhận định Molave sẽ là một trong những cơn bão gây gió trên đất liền mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

16:17 27/10

‘Bà con chịu khó vất vả, chủ động sơ tán’

Ảnh: Đoàn Bắc.

Chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý đây là một trong 2 cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây hướng vào miền Trung, vì vậy, không được phép chủ quan.

Thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán dân Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), Phó thủ tướng lưu ý với sức mạnh của bão số 9, các nhà yếu sẽ không chịu nổi.

“Bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về”, Phó thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương. Đồng thời, đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản cho người dân để bà con yên tâm sơ tán; chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán.

Ngay sau đó, Phó thủ tướng yêu cầu đoàn công tác chia thành 3 mũi đi kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão. Ông tiếp tục đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Nam. Đoàn do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kiểm tra công tác ứng phó bão tại khu kinh tế Chu Lai, tỉnh Quảng Nam. Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tại Quảng Nam, Đà Nẵng.

16:09 27/10

'Nếu bão căng quá, tôi sẽ đưa cả nhà đi tránh'

Anh Huỳnh Quyết (khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết gia đình anh đã chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 9 từ hai ngày nay. Anh đã mua bao cát chèn mái tôn, chằng chống những nơi xung yếu trong nhà và mua lương thực tích trữ cho 3-4 ngày.

Trước cơn bão số 9 được đánh giá là rất nguy hiểm, anh Quyết chia sẻ rất lo lắng. Tuy nhiên, anh quyết định không di dời vì cho rằng nhà mình tương đối kiên cố và có dãy núi bên cạnh chắn gió. “Nếu tình hình bão căng quá, tôi sẽ đưa cả nhà đến trường học hoặc các khách sạn cao tầng tránh trú để an toàn hơn”, anh Quyết chia sẻ.

Ảnh: Phạm Ngôn.

15:44 27/10

Bình Định cấm biển, bắt đầu có gió mạnh

Ảnh: Phạm Ngôn.

Chiều 27/10, Bình Định có gió mạnh, trời âm u, bắt đầu mưa nhỏ từ 13h30. Bãi biển Tam Quan Bắc (Bình Định) có sóng mạnh, vắng vẻ trước bão, hoàn toàn không còn tàu thuyền neo đậu, chỉ có một nhóm bạn trẻ đến đây ngắm biển. Các hộ kinh doanh ven biển cũng đã đóng cửa, một vài hộ tranh thủ gỡ lều bạt để tránh bị gió bão thổi rách.

Dự báo, từ ngày 27 đến 29/10, do ảnh hưởng của bão số 9, trên địa bàn tỉnh Bình Định có mưa lớn với lượng mưa 200-400 mm, trên các sông sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Bình Định đã ra lệnh cấm biển từ 17h ngày 26/10 và cho học sinh nghỉ học từ chiều 27/10 cho tới khi có thông báo mới. Trước 17h chiều nay, công tác di dân tại những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn cũng sẽ được hoàn thành. Tỉnh đang triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, chủ động ứng phó với bão lụt.

15:30 27/10

Đóng cửa 5 sân bay miền Trung từ 18h ngày 27/10

Chiều 27/10, Cục Hàng không Việt Nam có công văn hỏa tốc ứng phó bão số 9. Trong công văn, Cục yêu cầu các đơn vị triển khai ngay hành động ứng phó ở mức cao nhất. Cục Hàng không yêu cầu dừng tất cả hoạt động bay tại 5 sân bay: Chu Lai, Phù Cát, Đà Nẵng, Phú Bài, Tuy Hòa. Giờ khai thác trở lại dự kiến là 16h ngày 28/10.

Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu dừng khai thác tàu bay tại sân bay Pleiku từ 21h ngày 27/10 đến 19h ngày 28/10.

Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Tân.

15:17 27/10

'Tình hình rất khẩn cấp'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục gọi điện cho Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng để cập nhật tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9. Ảnh: Đoàn Bắc.

Ngay sau cuộc làm việc tại Ban Chỉ đạo tiền phương, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 9 tại âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng). Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục gọi điện cho Phó thủ tướng để cập nhật tình hình và chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9.

“Tình hình rất khẩn cấp, chúng ta phải tập trung để bảo vệ, tính mạng người dân”, Phó thủ tướng chỉ đạo tại hiện trường.

Theo ông, phải khẩn trương sơ tán dân triệt để khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt ở những khu ven biển, nơi nước ngập sâu, hay những công trình không an toàn. Đặc biệt, phải sơ tán dân ra khỏi những khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, tập trung bảo vệ tài sản người dân, đưa tất cả thuyền, bè ngoài biển vào khu tránh trú an toàn, bảo vệ nhà cửa, bến bãi, các công trình xây dựng và hạ tầng như hệ thống điện, hạ tầng giao thông; vận hành an toàn các công trình hồ đập...

Phó thủ tướng yêu cầu tất cả bộ, ngành cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chuẩn bị sẵn lực lượng, trang thiết bị, kể cả xuồng, tàu, thuyền, máy bay trực thăng… cùng các địa phương ứng phó kịp thời để cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ người dân.

15:03 27/10

Ngư dân Phú Yên gia cố tàu thuyền tránh bão số 9 Ngư dân và chủ bè tại vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, Phú Yên) đang gia cố tàu thuyền, lồng nuôi hải sản trước khi bão số 9 đổ bộ.

14:53 27/10

Với tốc độ 25 km/h, bão số 9 sẽ đi thẳng vào bờ

Ông Lê Thanh Hải - Tổng Thư ký Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam. Ảnh: Phạm Thắng.

Ông Lê Thanh Hải, Tổng thư ký Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam, lưu ý trong vòng 5 tiếng qua, bão không đi chếch lên, mà đang đi theo chính tây (đi ngang). Với tốc độ rất nhanh là 25 km/h, bão sẽ đi thẳng vào bờ.

"Theo quy luật, bão đi ngang bao giờ cũng đi nhanh hơn so với các cơn bão đi chếch lên", ông Hải nói và dự báo chỉ trong vòng 15-18 giờ tới, tâm bão sẽ cập bờ, ngay trên đất liền Quy Nhơn, hoặc ở khu vực giữa Quảng Ngãi - Bình Định.

Phân tích thêm về khả năng suy yếu, ông Hải cho biết nếu 19h tối nay bão đạt cường độ là cấp 14, giật cấp 17 và trường hợp khả quan sau đó, cứ 3 tiếng bão giảm 1 cấp thì đến khi vào bờ, bão vẫn mạnh đến cấp 11-12. “Không có cơ may nào cho thấy bão sẽ suy yếu hơn cường độ dự báo khi vào đất liền”, ông Hải nói.

14:48 27/10

Quảng Nam di dời hơn 43.000 người dân khỏi khu vực nguy hiểm

Ảnh: Thanh Đức.

Chiều 27/10, chính quyền các huyện Núi Thành, TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), đã sơ tán hơn 43.000 người dân ở các xã ven biển đến nơi cao ráo, an toàn để tránh bão số 9. Việc sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm dự kiến hoàn thành trước 17h cùng ngày.

14:48 27/10

Hàng trăm ngư dân ở vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên hối hả chằng buộc lồng bè nuôi tôm trước bão số 9. Vịnh Vũng Rô có khoảng 600 hộ nuôi tôm, đến 13h ngày 27/10, hầu hết các lồng bè đã hoàn tất việc chằng buộc.

Ảnh: Lê Xuân.

14:41 27/10

Ngư dân Đà Nẵng đưa thuyền vào bờ

Đà Nẵng được dự đoán là một trong những tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão số 9. Ngư dân ở đây cẩu thuyền lên bờ đưa vào nơi an toàn. Hàng nghìn tàu thuyền cũng cập vào Cảng cá Đà Nẵng trú ẩn.

Ảnh: Đoàn Nguyên.

14:38 27/10

Nếu bão đổ bộ cấp 12-13, nhà cấp 4 của dân không thể trụ được

Hình ảnh mô phỏng độ chống chịu của nhà cửa trước các sức gió.

So sánh bão số 9 với những cơn bão có cường độ đổ bộ tương tự trong quá khứ, cơ quan khí tượng nhận định nếu bão đổ bộ với sức gió mạnh cấp 12-13 như dự báo, sức tàn phá của bão cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4 của người dân không thể trụ được trước sức gió này.“Với dự báo bão gây gió mạnh trên đất liền lên đến cấp 12-13, giật cấp 15, Molave sẽ là một trong những cơn bão gây gió trên đất liền mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây”, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định.

14:37 27/10

Đồ họa: Phượng Nguyễn - Hoài Thanh

14:24 27/10

Người dân Quảng Nam đào hầm tránh bão

Tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, gia đình bà Nguyễn Thị Mao đã đào hầm cạnh nhà để chống bão số 9.

Ảnh: Thanh Đức.

14:16 27/10

Dự báo mưa lớn và gió mạnh liên tục 24 giờ

Hiện, các mô hình dự báo thể hiện quỹ đạo bão không quá phức tạp, có độ tin cậy cao nhưng cường độ ở thời điểm bão đổ bộ sai khác nhau khá nhiều. Một số mô hình thể hiện bão có thể đổ bộ với sức gió cao nhất lên đến 50 m/s, tương đương cấp 16-17. Trong khi nhiều mô hình cho thấy sức gió ở thời điểm bão cập bờ chỉ đạt 30 m/s, chưa đến cấp 12.

Tổng hợp và phân tích các điều kiện tương tác, ông Lâm cho biết cơ quan khí tượng giữ nguyên dự báo bão đổ bộ đất liền vào sáng 28/10 với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Trọng tâm bão đi vào là các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Định.

“Tham khảo nhận định của các cơ quan khí tượng quốc tế, chúng tôi dự báo mưa lớn và gió mạnh do bão trên đất liền bắt đầu từ 19h tối 27/10 và kéo dài đến 19h tối 28/10. Mưa và gió mạnh kéo dài liên tục trong 24 giờ, sau đó giảm dần”, ông Lâm nói.

Ảnh: NCHMF.

14:01 27/10

Bão số 9 có thể đạt cường độ cực đại vào 19h ngày 27/10

Ảnh: Phạm Thắng.

Chiều 27/10, Tổng cục Khí tượng Thủy văn tổ chức cuộc họp thông tin về diễn biến bão số 9 - Molave - cơn bão được đánh giá là có khả năng tác động lớn tới đất liền Trung Bộ khi di chuyển nhanh và đổ bộ với cường độ mạnh. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão đang duy trì sức gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 17. Bão có xu hướng yếu hơn so với 6 giờ trước nhưng trong 6 giờ tới, bão sẽ mạnh trở lại.

Dù các mô hình dự báo cho ra kết quả khác nhau về cường độ đổ bộ vào đất liền, nhiều chuyên gia cùng chung nhận định bão số 9 có thể đạt cường độ cực đại lúc 19h tối nay (27/10). Lúc này, bão mạnh cấp 14, giật cấp 17.

14:01 27/10

Dự báo đường đi của bão Molave trước khi vào đất liền Bão Molave di chuyển ổn định theo hướng tây tây bắc với vận tốc 25 km/h trong 24 giờ tới. Rạng sáng 28/10, bão tiến vào vùng biển Đà Nẵng - Phú Yên với sức gió mạnh cấp 14.

13:53 27/10

Phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 9

Ảnh: Đoàn Bắc.

13h30, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo tiền phương ứng phó bão số 9 (đặt tại TP Đà Nẵng). Tham dự cuộc họp có thành viên Ban Chỉ đạo tiền phương và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo hai địa phương đều khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa để bảo đảm an toàn cho người và tài sản.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, hồi 13h ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 470 km; gió cấp 13, 14, giật cấp 17, di chuyển 20-25 km/h theo hướng Tây Tây Bắc.

Hiện các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.

Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm. Thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.

Tại số khu du lịch tập trung đông khách như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), chính quyền địa phương đã thông tin cho khách du lịch biết về bão để chủ động phòng tránh.

13:52 27/10

Kịch bản đổ bộ của bão Molave

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các mô hình dự báo cho ra nhiều kết quả khác nhau về xu hướng đổ bộ của bão.

Một số mô hình thể hiện bão có thể đi vào Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, trong khi một số mô hình khác cho ra kết quả bão di chuyển hơi chếch nam, đi thẳng vào Phú Yên.

Dù vậy, dựa trên các đánh giá, phân tích, cơ quan khí tượng nhận định nhiều khả năng vùng đổ bộ trực tiếp của bão nằm ở Quảng Ngãi - Bình Định. Kịch bản này có 60-70% khả năng xảy ra.

Ảnh: Phạm Ngôn.

13:49 27/10

Bão số 9 có thể giật sập nhà cấp 4

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão số 9 (Molave) đã mạnh cấp 14, gió giật cấp 17 khi còn cách đảo Song Tử Tây 230 km. Khi bão cập bờ sáng 28/10, sức gió mạnh nhất đạt cấp 11-12, giật cấp 14. Sau đó, bão giữ cường độ này, tiến vào đất liền từ Đà Nẵng - Phú Yên.

Theo thang đo cấp độ sức gió Beauful, bão mạnh cấp 12, giật cấp 14 trên đất liền có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về nhà cửa, công trình. Cường độ gió này có sức phá hủy lớn. Sóng biển rất mạnh, có thể đánh chìm tàu có trọng tải lớn.

Ảnh: VNDMS.

Nhóm phóng viên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/26-thuyen-vien-mat-tich-trong-con-bao-so-9-post1146480.html