3 năm sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Việc bố trí cho cán bộ, công chức dôi dư thế nào?

Sáng 12-9, tại phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021'.

Tại phiên họp, báo cáo về kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát đã nêu những kết quả nổi bật đạt được khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019 - 2021.

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

3 năm sắp xếp, cả nước giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp đều được kiện toàn theo đúng yêu cầu tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cả nước đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã.

Cùng với đó, cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị.

Đáng chú ý, Chính phủ và các địa phương đều xây dựng phương án, lộ trình hoàn thành việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong thời hạn quy định.

Cụ thể, ở cấp huyện, tổng số cán bộ, công chức của 21 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 2.411 người; số được bố trí theo đúng quy định là 1.705 người; số dôi dư là 706 người.

Ở cấp xã, tổng số cán bộ, công chức của 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp có mặt tại thời điểm sắp xếp là 20.417 người; số được bố trí theo đúng quy định là 10.712 người; số dôi dư là 9.705 người.

“Việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức dôi dư và việc chấm dứt hợp đồng đối với viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đã được quan tâm thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch, góp phần hỗ trợ các đối tượng dôi dư bước đầu ổn định cuộc sống”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định: Có thể nói, việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước đến nay, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua.

Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị ở những địa phương thực hiện sắp xếp đều được kiện toàn và bảo đảm thực hiện đầy đủ, có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân ổn định, không phát sinh khiếu nại, tố cáo do việc sắp xếp đơn vị hành chính….

Số lượng cán bộ, viên chức dôi dư còn nhiều

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được như trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Đó là, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.

Ngoài ra, trong giai đoạn đầu sau khi thực hiện sắp xếp, đời sống sinh hoạt của nhân dân ở một số địa phương cũng chịu tác động, ảnh hưởng nhất định do phải điều chỉnh thông tin, thay đổi địa chỉ…

Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương án xử lý, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, để bảo đảm tốt hơn, thuận lợi hơn việc cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu cho người dân.

Đồng thời, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư của các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 - 2021 để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý 2 năm 2025, bảo đảm hoàn thành việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư theo đúng yêu cầu...

THẢO PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/3-nam-sau-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-xa-viec-bo-tri-cho-can-bo-cong-chuc-doi-du-the-nao-705198