3 nội dung đang được quan tâm nhất liên quan đến Dự thảo Luật Nhà giáo

Nhà giáo cũng là người lao động, là viên chức nhà nước và tất nhiên các chế độ, quyền lợi phải thực hiện và tuân thủ theo các chủ trương chung.

Ngày 8/10, tiếp tục phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần hai đối với dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo lần này có một số điểm đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đó là: Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu; Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên; nghiêm cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học..

Những dự thảo này cho thấy ban soạn thảo đã rất xem trọng đến chế độ tiền lương của nhà giáo. Đồng thời quan tâm đến đời sống của giáo viên và danh dự của nhà giáo. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chung thì những nội dung này có phần chưa thực sự phù hợp.

 Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Giáo viên được tăng 1 bậc khi xếp lương lần đầu

Theo Dự thảo Luật, Điều 25 dự thảo quy định: “Nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập hưởng lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Đồng thời hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Nhà giáo bậc mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên tiền lương và phụ cấp cao hơn.

Khi tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.

Thực ra, việc dự thảo nêu “nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” thì đây là điều phù hợp. Bởi, Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Thế nhưng, dự thảo đề xuất: “Xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” e là khó thành hiện thực. Bởi lẽ, nhà giáo là viên chức sự nghiệp, đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Nếu ngành đề xuất như vậy, ngành khác cũng có những lý do để đề xuất. Và, tất nhiên, mỗi ngành nghề cũng đều có những khó khăn, thuận lợi riêng.

Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên

Dự thảo luật cũng dự kiến có chính sách miễn học phí cho con giáo viên, giảng viên. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề khó, không dễ gì thực hiện. Hơn nữa, đề xuất này rất có thể sẽ tạo ra những thị phi không đáng có.

Bản thân người viết bài là một giáo viên và hiện nay có con đang theo học tại trường phổ thông thấy rằng tiền học phí đóng hằng năm không phải là khoản tiền quá lớn. Nếu so với các khoản tiền trường khác, học phí chẳng thấm tháp vào đâu.

Nhưng, nếu cộng lại tất cả con của 1,6 triệu giáo viên trên cả nước thì khoản học phí sẽ rất nhiều. Khoản miễn học phí này lấy nguồn ở đầu bù vào. Cấp phổ thông học phí không nhiều nhưng khi lên đại học, cao đẳng thì tiền học phí của mỗi sinh viên lại rất lớn. Mỗi tháng, học phí có thể vài triệu đến vài chục triệu/ sinh viên. Nếu đề xuất miễn, các trường tư thục, dân lập họ có chịu không.

Nếu nhà nước bù thì đây lại là một khoản chi phí rất lớn cho từng năm học.

Hơn nữa, các chính sách miễn giảm học phí hiện nay ở các cấp học đều có. Nếu con giáo viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo thì đã có chính sách miễn giảm. Nếu không thuộc các đối tượng này, thì con nhà giáo cũng cần bình đẳng với con em các ngành nghề khác.

Bởi, trong xã hội, nhiều con em những gia đình lao động còn khó khăn hơn nhiều con em nhà giáo.

Nhà giáo đã được đề xuất: “Xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” mà con nhà giáo đi học được miễn học phí thì không phù hợp.

Suy cho cùng, con nhà giáo hay con cán bộ, công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước cũng cần có nghĩa vụ như nhau khi đi học.

Cấm công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề xuất quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có một số hành vi liên quan đến nhà giáo.

Theo đó, có 6 nhóm hành vi được Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nghiêm cấm. Trong đó, đề xuất việc nghiêm cấm “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học”.

Chỉ tính từ đầu năm học cho đến nay, chúng ta thấy có nhiều sự cố liên quan đến nhà giáo và báo chí đã kịp thời thông tin đến dư luận. Với đề xuất “cấm các tổ chức, cá nhân công khai thông tin về sai phạm” sẽ khó khăn cho việc khai thác thông tin của báo chí- nếu sai phạm đã xảy ra và mọi người đều đã biết.

Nếu đợi đến khi sai phạm của nhà giáo đến mức “phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học” mới được khai thác thông tin thì e rằng không phù hợp. Bởi, đây là mức kỷ luật cao nhất của nhà giáo rồi. Trong khi đó, các văn bản hiện hành quy định viên chức có nhiều mức kỷ luật khác nhau.

Thực ra, yếu tố đầu tiên của báo chí là tính thời sự, một khi không còn tính thời sự thì báo chí mất đi ý nghĩa. Lâu nay, nhiều sai phạm của nhà giáo thường được phản ánh khá sớm trên các phương tiện thông tin truyền thông. Thậm chí, nhiều vụ việc, báo chí phản ánh, cơ quan chức năng mới biết để vào cuộc. Báo chí đưa thông tin khách quan theo các thông tin, tài liệu, minh chứng và soi chiếu trên các quy định pháp luật liên quan; đồng thời xác minh từ các bên liên quan. Việc kết luận là của cơ quan chức năng.

Việc khai thác thông tin nếu sai sự thật thì tất nhiên người tung tin, khai thác tin tức phải chịu trách nhiệm. Nếu đưa lên mạng xã hội thì có Luật An ninh mạng; nếu đưa lên các trang báo chính thống, có Luật Báo chí. Vì thế, đề xuất này, chúng tôi thấy cũng chưa hoàn toàn hợp lý.

Hiện nay, cả nước có khoảng 1,6 triệu giáo viên, chiếm hơn một nửa số lượng đội ngũ công chức, viên chức đang công tác. Vì thế, mỗi chính sách được ban hành đối với nhà giáo sẽ có tác động rất lớn.

Là những giáo viên đang công tác trong ngành, ai cũng mong muốn có nhiều quyền lợi đến với ngành của mình nhưng phải đặt trong mối tương quan với các ngành nghề khác để tránh chính sách khi thực hiện khó khả thi.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/3-noi-dung-dang-duoc-quan-tam-nhat-lien-quan-den-du-thao-luat-nha-giao-post246080.gd