30 năm UNCLOS có hiệu lực: Vai trò giữ gìn trật tự pháp lý trên biển của ITLOS

Với việc giải quyết hơn 30 tranh chấp biển trong gần 30 năm qua, Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS) góp phần quan trọng vào việc giữ gìn tính toàn vẹn, thúc đẩy tuân thủ UNCLOS, qua đó duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương.

Các thẩm phán của Tòa án Luật biển quốc tế. (Nguồn: ITLOS)

Các thẩm phán của Tòa án Luật biển quốc tế. (Nguồn: ITLOS)

Ngày 16/11/1994, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - “Hiến pháp về biển và đại dương” - chính thức có hiệu lực, xác lập khuôn khổ pháp lý cho tất cả các hoạt động trên biển và đại dương ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Đáng chú ý, UNCLOS quy định hệ thống giải quyết tranh chấp về biển chưa từng có tiền lệ về tính chất và quy mô. Đặc biệt, việc UNCLOS có hiệu lực tạo cơ sở để ITLOS được thành lập. Với thẩm quyền xét xử bao gồm các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS giữa các quốc gia lựa chọn Tòa là cơ quan thụ lý, cũng như các vấn đề pháp lý được quy định trong các thỏa thuận khác giữa các quốc gia thành viên, sự ra đời của ITLOS đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp biển dựa trên luật pháp quốc tế.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhu cầu sử dụng và khai thác biển ngày càng tăng, tranh chấp biển diễn biến ngày càng phức tạp, môi trường biển ngày càng bị ô nhiễm, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích các quốc gia ven biển và cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

“Sân chơi” bình đẳng, hiệu quả cho tất cả

Trải qua gần 30 năm, ITLOS đã thụ lý 33 tranh chấp liên quan đến nhiều vấn đề luật biển giữa các nước tại tất cả các khu vực trên thế giới.

Các vụ “Grand Prince” giữa Belize và Pháp, vụ “Mox Plant” giữa Ireland và Anh, vụ “Arctic Sunrise” giữa Hà Lan và Nga, hay vụ bắt giữ tàu hải quân Ukraine giữa Ukraine và Nga... cho thấy khả năng của ITLOS trong việc mang lại giải pháp công bằng trong tranh chấp giữa một nước nhỏ và một nước lớn hơn, có nhiều tiềm lực hơn về chính trị, kinh tế, hàng hải. Qua đó, ITLOS phát huy vai trò là một “sân chơi” bình đẳng mà tất cả các nước thành viên, dù lớn hay nhỏ, đều có thể sử dụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình như được UNCLOS quy định.

Đáng chú ý là tính hiệu quả trong hoạt động của ITLOS. Thời gian trung bình để ITLOS giải quyết các tranh chấp phức tạp là hai năm. Đối với các tranh chấp liên quan đến biện pháp tạm thời và trả tàu nhanh, ITLOS thường chỉ mất một tháng để xem xét ra phán quyết.

Tính hiệu quả trong hoạt động của ITLOS đã góp phần giảm thời gian và chi phí theo kiện của các nước – một yếu tố quan trọng đối với các nước đang phát triển. Việc giải quyết tranh chấp thông qua ITLOS cũng là giải pháp “tiết kiệm” hơn so với biện pháp trọng tài do các bên tranh chấp không phải trả chi phí cho các thẩm phán và cho Ban thư ký của Tòa.

Nếu các bên yêu cầu, ITLOS còn thành lập Viện đặc biệt (Special Chamber) với các thành viên được các bên chỉ định, có thủ tục linh hoạt hơn. Các Viện đặc biệt được sử dụng trong tranh chấp phân định biển giữa Ghana và Côte d'Ivoire, phân định biển giữa Mauritius và Maldives, và bảo tồn nguồn cá kiếm ở Đông Nam Thái Bình Dương giữa Chile và EU.

Làm rõ các vấn đề pháp lý quan trọng

ITLOS có nhiều đóng góp trong việc làm rõ các vấn đề pháp lý quan trọng của UNCLOS, góp phần định hướng hoạt động trên biển của các quốc gia.

Chẳng hạn, trong vấn đề phân định biển, ITLOS là tòa án đầu tiên xác nhận các nước có thể phân định thềm lục địa mở rộng kể cả khi chưa có kiến nghị về ranh giới ngoài thềm lục địa của Ủy ban ranh giới thềm lục địa (vụ phân định biển giữa Bangladesh và Myanmar). ITLOS là cơ quan đầu tiên phân định biển giữa hai quốc gia quần đảo (vụ phân định biển giữa Mauritius và Maldives), qua đó làm sáng tỏ vai trò của quy chế pháp lý của quần đảo trong phân định biển.

Trong vấn đề bảo vệ môi trường biển, thông qua các phán quyết và ý kiến tư vấn của mình, ITLOS đã xác định rõ nội hàm của nghĩa vụ tiếp cận phòng ngừa (precautionary approach) và cẩn trọng thích đáng (due diligence) của các nước khi tiến hành các hoạt động có thể ảnh hưởng đến môi trường biển. Tòa khẳng định tất cả các nước đều có nghĩa vụ hợp tác trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên biển. Tòa xác nhận khí thải nhà kính là ô nhiễm môi trường biển và các nước có nghĩa vụ phải tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, và quá trình axit hóa đại dương.

Ngoài ra, ITLOS đã có nhiều đóng góp trong việc làm sáng tỏ nghĩa vụ của các nước trong việc bảo đảm tự do hàng hải, bảo trợ hoạt động ở vùng đáy biển quốc tế, thả tàu nhanh, kiềm chế sử dụng vũ lực trong các hoạt động chấp pháp trên biển, hoặc ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

ITLOS chính thức ra đời ngày 1/8/1996 với trụ sở chính tại thành phố Hamburg (Đức). Đây là thiết chế tài phán được thành lập theo Phụ lục VI của UNCLOS, có nhiệm vụ chính là giải quyết tranh chấp và đưa ra ý kiến tư vấn trong lĩnh vực luật biển. Tòa gồm 21 thẩm phán, do các quốc gia thành viên UNCLOS bầu chọn, với nhiệm kỳ chín năm và có thể tái cử.

Duy trì trật tự pháp lý trên biển và đại dương

Hiệu quả của ITLOS đối với việc thúc đẩy trật tự trên biển còn được thể hiện thông qua thực tế là hầu hết các phán quyết hoặc quyết định của ITLOS đều được các bên liên quan tuân thủ đầy đủ.

Pháp đã ba lần tham gia thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc tại ITLOS và trong cả ba trường hợp, Pháp đều tuân thủ quyết định của ITLOS. Nhật Bản có hai tranh chấp do Nga đệ trình lên ITLOS, trong cả hai vụ, Nhật Bản đều thực hiện quyết định của Tòa. Trong vụ “Arctic Sunrise”, Nga cũng thả thủy thủ đoàn và tàu của Hà Lan sau quyết định của ITLOS.

Kể cả trong các tranh chấp nhạy cảm như phân định biển, phán quyết của ITLOS cũng đều được các bên cam kết tuân thủ. Chẳng hạn, Bangladesh và Myanmar đều ra tuyên bố sẽ thực thi phán quyết của Tòa liên quan đến phân định biển ở Vịnh Bengal. Trong vụ phân định biển giữa Ghana và Côte d’Ivoire, ngay sau khi Viện đặc biệt của ITLOS ra Phán quyết, hai nước đã ban hành Thông cáo chung, khẳng định hai nước chấp nhận và thành lập Ủy ban hỗn hợp để thực thi Phán quyết.

Đóng góp của Việt Nam

Là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNCLOS, Việt Nam ủng hộ việc giải quyết hòa bình tranh chấp biển thông qua các cơ chế được UNCLOS quy định, trong đó có ITLOS.

Từ khi trở thành thành viên UNCLOS, quan hệ giữa Việt Nam và ITLOS có nhiều bước phát triển. Hai bên thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi về việc thúc đẩy quan hệ. Các thẩm phán của ITLOS tích cực tham gia các hội thảo về luật biển do Việt Nam tổ chức. Việt Nam cũng thường xuyên cử người tham dự các chương trình nâng cao năng lực do ITLOS tổ chức.

Năm 2023, Việt Nam lần đầu tiên tham gia đầy đủ tiến trình xin ý kiến tư vấn của ITLOS về nghĩa vụ của các nước liên quan đến biến đổi khí hậu. Sự tham gia của Việt Nam không chỉ thể hiện ưu tiên cao đối với vấn đề biến đổi khí hậu, mà còn cho thấy ủng hộ của Việt Nam dành cho ITLOS và vai trò của ITLOS, cũng như đóng góp thực chất của Việt Nam trong việc hỗ trợ Tòa giải quyết các vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến biển và đại dương.

Vừa qua, Việt Nam quyết định giới thiệu ứng viên vào vị trí thẩm phán ITLOS nhiệm kỳ 2026-2035. Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với việc giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển thông qua ITLOS, cho thấy Việt Nam đánh giá cao vai trò của ITLOS và sẵn sàng đóng góp tích cực hơn nữa vào hoạt động của ITLOS trong việc duy trì, thúc đẩy trật tự trên biển và đại dương.

Phan Duy Hảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/30-nam-unclos-co-hieu-luc-vai-tro-giu-gin-trat-tu-phap-ly-tren-bien-cua-itlos-290509.html