4 thầy trò Đường Tăng ai cũng từng phải chịu phạt nhưng tại sao Sa Tăng lại là người bị nặng nhất?
Sa Tăng luôn là người cần mẫn, ít nói nhất trong 4 thầy trò Đường Tăng nhưng thực ra lại là người chịu hình phạt khổ sở nhất.
Trong Tây Du Ký, trước khi tụ họp lại thành một đội đi Tây Trúc thỉnh kinh thì 4 thầy trò Đường Tăng ai cũng từng phải trải qua những hình phạt khắc nghiệt: Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử, vì ngủ gật và vô tình đá đổ một hạt gạo nên bị đày xuống trần gian tu 10 kiếp, chỉ được trở về Linh Sơn khi đã kinh qua 81 kiếp nạn; Tôn Ngộ Không đại náo Thiên cung, bị giam dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm.
Đáng nói, Sa Tăng tuy là người ít nói, cần mẫn, chăm chỉ nhưng trên thực tế lại là người phải chịu hình phạt khổ sở nhất. Vốn là Quyển Liêm Đại tướng - vị thần trông coi xe loan ở điện Linh Tiêu phục vụ Ngọc Hoàng - nhưng vì làm vỡ chiếc đèn lưu ly khi tham dự hội Bàn Đào mà Sa Tăng đã phải hứng chịu hình phạt đau đớn thể xác dẫn đến hình thành tâm ma.
Nguyên tác Tây Du Ký có đoạn Sa Tăng nói với Quan Âm Bồ Tát về quá khứ của mình như sau: "Nguyên trước tôi hầu Ngọc Ðế làm chức Quyển Liêm Đại tướng, nhân hội bàn đào lỡ tay làm bể đèn lưu ly nên Ngọc Ðế bắt tội đánh 800 roi, đày xuống hạ giới, biến ra xấu xa, cứ 7 ngày có gươm bay đến đâm tôi một lần, đau đớn quá chừng. Lại thêm đói lạnh chịu không nỗi, nên làm sóng gió bắt người qua lại mà ăn thịt, nay rủi phạm nhầm Bồ Tát".
Vùng Lưu Sa Hà vốn là nơi "trên không nhìn thấy chim bay, dưới không có dấu thú chạy, đáy nước lại càng không có thủy tảo", hoang vu đến cùng cực. Sa Tăng ở đây chịu đói chịu khát, buộc lòng phải ăn thịt người. Có một sự thật thú vị đó là chuỗi vòng đầu lâu đeo trên cổ Sa Tăng trước khi đi thỉnh kinh chính là 9 kiếp người của Đường Tăng bị hắn ăn thịt. Chính vì tội nghiệp quá nặng nên sau này, hắn chịu trách nhiệm gánh hành lý, dù có mệt nhọc ra sao cũng không dám ca thán. Và sau khi tu thành chính quả, Sa Tăng cũng không được thành Phật mà chỉ làm một vị La Hán.