4 vướng mắc của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
Phê duyệt dự toán, ký kết phụ lục hợp đồng số 19, gỡ nút thắt thỏa thuận vay lần 4... là một số vướng mắc, kiến nghị của chủ đầu tư muốn UBND TP.HCM hỗ trợ tháo gỡ.
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về các vướng mắc liên quan tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo MAUR, vướng mắc thứ nhất là vấn đề điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Hồi tháng 2, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho MAUR tiếp tục triển khai các công việc của dự án metro số 1 song song với quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh thời gian hoàn thành.
Dự án cần điều chỉnh thời gian là do chậm tiến độ, ảnh hưởng của dịch bệnh, thủ tục ký kết phụ lục hợp đồng số 19 của hợp đồng tư vấn chung với tư vấn chung kéo dài…
Trước tình hình trên, MAUR kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét, tổng hợp báo cáo thành phố thông qua nội dung công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng xem xét.
Vướng mắc thứ 2 được MAUR đề cập là gỡ nút thắt thỏa thuận vay lần 4. Hoàn thành giải ngân khoản vay này cùng nhiệm vụ chủ đầu tư đặt ra trong năm 2022. Bên cạnh đó, MAUR kỳ vọng sớm hoàn thành xác định vốn ODA cấp phát còn lại của dự án bổ sung vốn cấp phát từ ngân sách Trung ương cho kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của dự án.
Năm 2020, phân bổ nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho tuyến metro số 1 hơn 2.000 tỷ đồng nhưng chưa giải ngân vốn này do các Bộ ngành Trung ương chưa có ý kiến thống nhất về giá trị vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương còn lại cho dự án.
Hiện, vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị ODA cấp phát còn lại vẫn chưa được giải quyết dứt điểm mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vướng mắc thứ 3 là vấn đề chậm ký kết phụ lục hợp đồng số 19 (hợp đồng Tư vấn chung). Việc trì hoãn ký kết phụ lục này đã ảnh hưởng đến nhiều đầu việc quan trọng như: Tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin...
Gói thầu tư vấn dự án metro số 1 được MAUR và NJPT (liên danh tư vấn chung) ký kết năm 2007, trị giá gần 1.300 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, hợp đồng này phát sinh chi phí nên giai đoạn 2009-2017, MAUR đã thực hiện thủ tục ký kết 18 phụ lục hợp đồng, đến cuối năm 2021 nên phát sinh phụ lục hợp đồng số 19 với tổng giá trị hơn 1.700 tỷ đồng.
MAUR cho biết trong kế hoạch năm 2022, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ ký kết phụ lục 19, đơn vị tiếp tục thương thảo, đàm phán ký phụ lục 20 (cùng là hợp đồng tư vấn chung) để giải quyết dứt điểm vướng mắc phát sinh; giải quyết các khiếu nại hợp đồng của nhà thầu.
Vướng mắc thứ 4 liên quan sự cố làm rơi và dịch chuyển gối cầu tại 6 vị trí trên toàn tuyến metro. Các gối cầu đã được khắc phục ngay sau đó, tuy nhiên đã hơn một năm điều tra và đánh giá, kết luận cuối cùng về nguyên nhân sự cố vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra.
Theo MAUR, hôm 22/3, đơn vị đã đề xuất Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA) hỗ trợ triển khai đơn vị Tư vấn đánh giá độc lập của chủ đầu tư để giám sát quá trình quan trắc hạng mục gối cầu; đảm bảo chất lượng đến khi công trình đưa vào khai thác an toàn.
Bên cạnh đó, MAUR cho biết đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật nhằm triển khai thi công các cầu bộ hành, tăng cường kết nối nhà ga trên cao của metro số 1.
Trước đó, ngày 15/3, UBND TP.HCM đã chỉ đạo MAUR phối hợp Sở GTVT rà soát hồ sơ thiết kế cầu bộ hành các nhà ga trên cao, điều chỉnh thiết kế theo thực tế. MAUR cho biết sắp tới, đơn vị có cuộc họp làm việc với Sở GTVT về nội dung này.
Tính đến tháng 4, metro số 1 đạt 89,2% toàn khối lượng. Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Hiện, 14/17 đoàn tàu metro đã được đưa về TP.HCM chuẩn bị vận hành thử nghiệm trong năm nay.