40 doanh nghiệp tủ bếp bị Bộ Thương mại Mỹ từ chối 'bản minh oan'

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) vừa có công văn gửi đến Hiệp hội thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm cho nội dung điều tra xem xét phạm vi sản phẩm (scope inquiry).

Nguyên nhân là do 40 doanh nghiệp tủ bếp nộp bản bình luận muộn hơn thời hạn quy định (deadline). DOC đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động gỡ bỏ/xóa các tập tài liệu (file) đã nộp trên hệ thống.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm (Ảnh minh họa)

Bộ Thương mại Mỹ từ chối bản bình luận của 40 doanh nghiệp tủ bếp, tủ nhà tắm (Ảnh minh họa)

Cục Phòng vệ thương mại cũng khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, tránh bị đưa vào trường hợp không hợp tác theo đánh giá của DOC.

Cụ thể, ngày 29/7/2022 và 3/8 - 4/8/2022, DOC xác định một số bản bình luận (bao gồm việc cung cấp các thông tin liên quan đến vụ việc) do các bên liên quan nộp trong vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm đã được nộp không đúng thời hạn và bị từ chối. Do đó, DOC yêu cầu các doanh nghiệp xóa và xóa khỏi truy cập các mã vạch tài liệu nói trên.

Trước đó, ngày 24/5/2022, DOC đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam và Malaysia vào Mỹ sử dụng các bộ phận nhập khẩu từ Trung Quốc có thuộc phạm vi áp dụng của biện pháp phòng vệ thương mại mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm tương tự của Trung Quốc hay không.

Theo đó, DOC đã khởi xướng điều tra cả 2 nội dung trong đơn đề nghị của nguyên đơn về xem xét phạm vi sản phẩm (scope ruling) và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (anti-circumvention) với sản phẩm tủ gỗ.

Theo quy định pháp luật của Mỹ, trong vòng 300 ngày kể từ khi khởi xướng, DOC phải ra kết luận cuối cùng của vụ việc, có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá 365 ngày.

Để đảm bảo lợi ích chính đáng của chính doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tủ gỗ tiếp tục nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ; thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan này trong suốt quá trình của vụ việc.

Về vấn đề của ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vifores chia sẻ, mỗi khi nước láng giềng bên cạnh Việt Nam bị điều tra áp thuế chống phá giá, thì độ lùi 2 năm sau, các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng bị đưa vào diện điều tra. Đơn cử như mặt hàng tủ bếp sau 2 năm Trung Quốc bị áp thuế, Mỹ đã điều tra tương tự với mặt hàng tủ bếp xuất khẩu từ Việt Nam.

Do vậy, đại diện Vifores mong muốn cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn để giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các cáo buộc trên, tránh tình trạng vụ việc lấy ý kiến điều tra chỉ diễn trong thời gian ngắn nhưng doanh nghiệp không kịp phản hồi thông tin với phía điều tra, dẫn tới bị cáo buộc không hợp tác, không phản hồi thì rất nguy hiểm.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tin-tuc/40-doanh-nghiep-tu-bep-bi-bo-thuong-mai-my-tu-choi-ban-minh-oan-1087418.html