43 mô hình ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia

Chiều 12.7, trong khuôn khổ Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án số 06 của Chính phủ, tại trụ sở Chính phủ, Bộ Công an đã tổ chức triển lãm giới thiệu các mô hình chuyển đổi số đang được ứng dụng trên thực tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan triển lãm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các Bộ, ngành tham quan triển lãm

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác Đề án số 06 của Chính phủ và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương... tham dự triển lãm.

Triển lãm giới thiệu về 43 mô hình ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia. Trong đó gồm các nhóm: nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phát triển kinh tế- xã hội; nhóm tiện ích phục vụ công dân số; nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách thủ tục hành chính; nhóm phục vụ điều hành của lãnh đạo các cấp.

Quang cảnh triển lãm chiều ngày 12.7.2023

Quang cảnh triển lãm chiều ngày 12.7.2023

Ngoài 43 mô hình được trưng bày, giới thiệu, triển lãm còn có nhiều gian tích hợp ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia của các Công ty, tập đoàn lớn, có uy tín về lĩnh vực công nghệ thông tin của nước ta như: Tập đoàn FPT; VNPT; Công ty CP Văn hóa Ngôi nhà Xanh - SSC, Tổng công ty Công nghệ - Viễn thông Toàn cầu, Công ty CP hệ thống công nghệ ETC, GTEL ICT, Công ty CP Tập đoàn MK; Công ty ICT VINA; Hanet Đại học Bách Khoa Hà Nội; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội... đã mang đến cho người xem góc nhìn toàn cảnh về nỗ lực thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trong thời gian qua và những thành tựu về chuyển đổi số mà người dân đang được thụ hưởng, như việc tích hợp căn cước công dân gắn chíp trong lĩnh vực y tế, ngân hàng, giải quyết thủ tục hành chính…

Giới thiệu với các thành viên Chính phủ, các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Đề án số 06 đã đi đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng từ xác thực dữ liệu.

Khách tham quan được hướng dẫn trải nghiệm thực tế các thiết bị đọc CCCD gắn chip, hộ chiếu, camera... phục vụ chuyển đổi số

Khách tham quan được hướng dẫn trải nghiệm thực tế các thiết bị đọc CCCD gắn chip, hộ chiếu, camera... phục vụ chuyển đổi số

Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận 37,1 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử; có 16,5 triệu tài khoản kích hoạt, đã cấp hơn 80,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Với nền tảng căn cước công dân gắn chíp đã ứng dụng trên các lĩnh vực, tạo được kết quả nổi bật. Cụ thể, đã có 12.434/13.068 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bằng căn cước công dân gắn chíp tích hợp BHYT, với 36.412.474 công dân sử dụng căn cước công dân đi khám, chữa bệnh trên toàn quốc; triển khai công nghệ xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân gắn chíp tại các cơ sở khám, chữa bệnh…

Trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục ứng dụng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số và phát triển kinh tế cho các tập đoàn, tổng công ty, như: Phân tích, đánh giá dữ liệu người lao động, nghề nghiệp để phục vụ hoạch định chính sách; Ứng dụng CCCD, VNeID mức độ 2 để các tập đoàn, tổng công ty nghiên cứu, triển khai các giải pháp trong kiểm soát khách hàng, cắt giảm chi phí in ấn những loại vé, giấy tờ, thẻ hội viên…

Tin và ảnh: Hải Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cong-nghe/43-mo-hinh-ung-dung-cac-cong-nghe-tien-tien-nhat-trong-linh-vuc-chuyen-doi-so-quoc-gia-i335881/