5 nguyên nhân khiến bán hàng online không còn là 'miếng bánh dễ ăn'
Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển, doanh số bán hàng online tăng cao. Tuy nhiên, bán hàng online không còn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà bán lẻ nhỏ.
Bán hàng trực tuyến, hay còn gọi là bán hàng online từng là miếng bánh béo bở ai cũng có phần vì chi phí vốn thấp, mô hình kinh doanh linh động và nhu cầu lại cao; từ tiểu thương, bạn trẻ mới khởi nghiệp... cho đến các mẹ bỉm sữa, dân văn phòng muốn kiếm thêm thu nhập. Vậy nguyên nhân nào khiến bán hàng online không còn dễ ăn “một vốn bốn lời” như trước?
Theo nền tảng dữ liệu Metric, trong quý 3 năm 2023, tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok shop đã đạt 63.000 tỉ đồng, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ vào năm 2022.
Tuy nhiên, đằng sau con số ấn tượng là sự cạnh tranh khốc liệt khiến bán hàng online không còn là miếng bánh béo bở dễ ăn. Trong cùng thời gian đó, số lượng nhà bán lẻ TMĐT tại Việt Nam giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng gần 50.000 nhà bán lẻ dừng hoạt động.
1. Gia tăng các loại phí
Các sàn TMĐT liên tục tăng phí cho nhà bán lẻ. Ban đầu, những nền tảng này cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc có phí thấp, tặng mã giảm giá đơn hàng và phí vận chuyển thấp. Nhưng theo thời gian, các sàn TMĐT áp đặt các loại phí khác nhau, như phí cố định, phí thanh toán, thuế, phí cho mã giảm giá, phí chạy quảng cáo…
Các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam
Chưa kể nhà bán lẻ trực tuyến còn phải chi trả chi phí nhân viên, chi phí đóng gói, kho bãi, vật tư,…Việc tăng nhiều loại phí từ phía các sàn TMĐT ảnh hưởng cực lớn đến lợi nhuận, nhà bán lẻ chỉ có thể thực hiện theo các quy định các sàn đặt ra.
2. Thị trường cạnh tranh gay gắt
Thị trường bán hàng online tại Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp lớn, nhỏ. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khiến cho các nhà bán lẻ online phải nỗ lực hơn để thu hút khách hàng và duy trì doanh số.
Người mua cũng ngày càng khó tính hơn. Họ đòi hỏi chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn. Do đó nhà bán lẻ online cũng phải nỗ lực mới có thể thu hút và giữ chân khách hàng
3. Cạnh tranh xuyên biên giới
Một khó khăn nữa mà nhiều nhà bán lẻ online gặp phải là hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh với hàng nhập từ Trung Quốc, đặc biệt là về giá cả và thời gian giao hàng.
Không thể phủ nhận hàng hóa Trung Quốc rẻ, đẹp, nhiều mẫu mã, kiểu dáng. Kể cả mua món hàng chỉ vài chục nghìn đã được áp được mã miễn phí vận chuyển, và thời gian giao hàng từ Trung Quốc về tới tay người mua ở Việt Nam chỉ mất 3 ngày vận chuyển.
Trong khi đó ở Việt Nam, mua hàng trong cùng một thành phố cũng tính phí vận chuyển, thời gian giao hàng mất vài ngày. Chưa kể những món đồ khối lượng lớn vận chuyển liên tỉnh, phí vận chuyển còn cao gấp nhiều lần, khiến người mua cảm thấy e ngại việc mua hàng online.
Trên các sàn thương mại điện tử, sự xuất hiện của các nhà bán lẻ xuyên biến giới từ Trung Quốc ngày càng nhiều. Cùng một sản phẩm các cửa hàng này bán ra rẻ hơn, nên cửa hàng Việt Nam khó cạnh tranh được.
4. Cạnh tranh hàng hóa
Hàng hóa trên các sàn TMĐT rất đa dạng, kiểu dáng khác nhau, đặc biệt là hàng xách tay được bày bán nhiều.
Tuy nhiên hàng xách tay không được phép có mặt trên các sàn TMĐT. Theo quy định của Chính phủ, kinh doanh hàng xách tay bị coi là hàng nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ kèm theo, không khai báo hải quan bị phạt gấp hai lần so với giá trị hàng hàng hóa. Các cửa hàng nhập khẩu chính hãng khó cạnh tranh với hàng xách tay bán giá thấp hơn.
5. Khả năng quản lý và chiến lược kinh doanh
Một phần nguyên nhân là do sai lầm của các nhà bán lẻ khi chưa tìm hiểu kỹ thị trường, chưa kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành trong khi TMĐT đang ngày càng chuyên nghiệp hóa. Nhiều nhà bán lẻ trực tuyến có thể thiếu chiến lược kinh doanh hiệu quả và khả năng quản lý chặt chẽ, làm giảm khả năng thành công trong môi trường kinh doanh online ngày càng phức tạp.
Tình trạng trả mặt bằng kinh doanh và rời bỏ thị trường thì đang chỉ không xảy ra với các cửa hàng kinh doanh trực tiếp mà cả với các gian hàng trực tuyến nữa. Với tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt đang khiến doanh nghiệp trở nên khó xoay sở hơn để tồn tại và tăng trưởng.
Bán hàng online vẫn là một hình thức kinh doanh tiềm năng, nhưng để thành công, các nhà bán lẻ cần phải có chiến lược kinh doanh hiệu quả, khả năng quản lý chặt chẽ cũng như sẵn sàng cạnh tranh trong môi trường ngày càng khó khăn.