Huyện Cao Lãnh thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo

ĐTO - Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện Cao Lãnh tập trung chỉ đạo, điều hành, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân giảm nghèo, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện, duy trì các tiêu chí về xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Hằng năm, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, theo đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 18 xã, thị trấn để tìm hiểu nguyên nhân, phân loại hộ nghèo; xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vay vốn, học nghề, việc làm và tư vấn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng...

UBND huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội huyện đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời đến đối tượng thụ hưởng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp họ có điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, mỗi năm, hàng ngàn người lao động huyện Cao Lãnh được tư vấn, giới thiệu việc làm trong, ngoài huyện, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, góp phần giảm số hộ nghèo tại địa phương, hoàn thành chỉ tiêu về tỉ lệ hộ nghèo trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, tăng 1,25 lần so với năm 2020, ước đến cuối năm 2024 đạt 72 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 1,26% (672 hộ) và cận nghèo 2,66% (1.413 hộ).

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tết vì người nghèo”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, xã, thị trấn tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn đoàn viên, hội viên giúp nhau làm kinh tế; tiếp tục duy trì các mô hình giảm nghèo hiệu quả, như: các hộ khá, giàu giúp 1 hộ nghèo, mỗi cơ sở Hội và chi hội giúp 1 hộ nghèo với hình thức giúp vốn, kiến thức, con giống, cây giống, giới thiệu học nghề, việc làm. Mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, tư vấn giúp đỡ hội viên, nông dân giải quyết vướng mắc trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, giới thiệu những mô hình hay, cách làm mới để hội viên, nông dân nghiên cứu, học tập; đồng hành cùng thanh niên tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... qua đó đã giúp hơn 200 hội viên vươn lên thoát nghèo.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách huyện triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Qua đó, các hộ dân đã thay đổi và mạnh dạn vay vốn mở rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Anh Lê Thanh Phú (bìa phải) ở Ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh vay vốn chính sách để canh tác xoài lá, giúp cải thiện nguồn thu nhập gia đình

Anh Lê Thanh Phú (bìa phải) ở Ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh vay vốn chính sách để canh tác xoài lá, giúp cải thiện nguồn thu nhập gia đình

Gia đình anh Lê Thanh Phú ngụ Ấp 2, xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh là một trong những hộ nghèo, không đất sản xuất, đi làm thuê kiếm sống, nên cuộc sống rất bấp bênh. Nhờ vào số vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi, anh Phú mua xoài của các chủ vườn để làm xoài lá, thu hoạch trái. Qua 2 năm ổn định với nghề làm xoài lá, sau mỗi vụ mùa, anh lãi được một số tiền vừa trang trải chi phí cho gia đình, vừa để dành hoàn vốn vay của ngân hàng. Anh Lê Thanh Phú chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội nhà nước đầu tư cho những người hộ nghèo, giúp người dân có vốn, mạnh dạn làm ăn, cải thiện thu nhập, góp phần thay đổi cuộc sống, thoát nghèo”.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hương - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cao Lãnh, cho biết, hiện nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có 13 chương trình tín dụng chính sách triển khai cho vay, với hơn 14.500 khách hàng vay vốn, tổng dư nợ trên 485 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có hơn 2.700 lượt hộ vay vốn với số tiền trên 98 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cho công tác giải ngân chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và song song đó sẽ tiếp tục giải ngân chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

MỸ LONG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/xa-hoi/huyen-cao-lanh-thuc-hien-nhieu-giai-phap-giam-ngheo-126764.aspx