50 năm chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không': Một thời máu và hoa

Thiết thực kỷ niệm 50 năm chiến thắng 'Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không' (12/1972 - 12/2022), ngày 15/12, tại Bảo tàng Chiến thắng B.52, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình Giao lưu nhân chứng lịch sử 'Một thời Máu và hoa'.

Tại buổi giao lưu, Ban Tổ chức mời đến các khách mời là những nữ nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đến tham gia và chia sẻ những tư liệu, ký ức về chiến dịch 12 ngày đêm cách đây 50 năm.

Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, bà Lê Kim Anh - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội nhấn mạnh: Sau 50 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".

Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta; là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược với tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm và tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ.

Các nữ nhân chứng lịch sử giao lưu với khán giả Thủ đô

Các nữ nhân chứng lịch sử giao lưu với khán giả Thủ đô

Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam “mưu trí, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn”, là nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng trong thế trận phòng không nhân dân, tổ chức hiệp đồng chiến đấu, tạo thành sức mạnh tổng hợp cả trên không và mặt đất để chiến thắng kẻ thù.

Thật tự hào góp công vào chiến thắng chung của quân dân Hà Nội có sự cống hiến, hy sinh của các tầng lớp phụ nữ Hà Nội. Trên mọi mặt trận đều xuất hiện những tấm gương phụ nữ tiêu biểu. Với ý chí, nghị lực phi thường, tinh thần kiên cường, dũng cảm, các bác, các chị đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất tốt đẹp “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam, truyền thống phụ nữ ‘Ba đảm đang”, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đau thương, mất mát để vừa vừa lao động, sản xuất, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” sẽ vẫn mãi là tài sản vô giá, nguồn động lực quan trọng, tiếp lửa cho các thế hệ quân và dân Hà Nội, trong đó có phụ nữ Thủ đô vươn lên đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xứng danh là Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, góp phần làm rạng rỡ truyền thống văn hiến Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Tại buổi giao lưu, các nhân chứng lịch sử đã chia sẻ những khoảnh khắc khó quên của cuộc chiến 12 ngày đêm của nhân dân Hà Nội. Bà Chu Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc, nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh, là người cán bộ đã trực tiếp chỉ đạo nhân dân trong công tác hỗ trợ, phục vụ cuộc chiến, là một tấm gương sáng điển hình cho phong trào “Ba đảm đang” không những trong thời chiến mà cả trong thời bình. Với những nỗ lực của bản thân, bà đã vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ, Huy hiệu chiến thắng B52, Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều khen thưởng khác.

Tại Chương trình, Hội LHPN Hà Nội đã tặng quà tri ân các nữ nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trong trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Tại Chương trình, Hội LHPN Hà Nội đã tặng quà tri ân các nữ nhân chứng lịch sử đã trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trong trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không"

Bà Phạm Thị Viễn, nguyên nữ dân quân tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động, là người đã điều khiển khẩu 14,5 ly bắn rơi tại chỗ F111, loại máy bay “cánh cụp, cánh xòe” hiện đại bậc nhất lúc đó vào đêm 22/12/1972. Đồng thời, bà cũng là người được nhắc đến trong bài thơ “Việt Nam máu và hoa” của nhà thơ Tố Hữu trong dịp thăm trận địa năm đó.

Bà Trần Thị Bảy, nguyên Chi hội trưởng phụ nữ, nguyên dân quân trực chiến trực tiếp tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân - người đã chỉ huy trung đội dân quân đánh trả máy bay Mỹ, trực tiếp tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm lịch sử.

Qua lời kể của các nhân chứng lịch sử, càng chứng thực hơn những ngày tháng ác liệt của tháng 12 năm 1972, sự bạo tàn của kẻ thù và những tổn thất, đau thương không làm nhụt ý chí mà càng tăng thêm quyết tâm đánh Mỹ của quân và dân Hà Nội - những người trong cuộc sống đời thường vốn coi trọng sự thanh tao, lịch lãm và yêu chuộng hòa bình.

Hàng ngàn tấm gương sáng ngời, những “bông hồng thép” của phụ nữ Thủ đô đã ghi dấu chiến công thầm lặng trong sản xuất, bảo vệ sản xuất, trong chiến đấu, cứu thương, cứu hỏa, cứu sập hầm; cưu mang, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống.

Trong khuôn khổ chương trình, để thể hiện tình cảm và tỏ lòng kính trọng trước tinh thần chiến đấu anh dũng của những người lính, người dân của Thủ đô mùa đông năm ấy, Ban Tổ chức dành tặng 10 phần quà cho đại diện thế hệ nữ chiến sỹ, dân quân, tự vệ trực tiếp chiến đấu và tham gia phục vụ chiến đấu trong trận chiến Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/50-nam-chien-thang-ha-noi-dien-bien-phu-tren-khong-mot-thoi-mau-va-hoa-150133.html