Vũ Bình Lục - người giải mã nhiều tác giả, tác phẩm văn học trung đại

Tại tọa đàm 'Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại' do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức sáng 19.10, các đại biểu cho rằng, Vũ Bình Lục đã đi đúng hướng khi kết hợp văn và sử để đọc, dịch, tìm hiểu, giải mã nhiều tác giả, tác phẩm lớn của văn học trung đại Việt Nam.

“Chuyên gia về văn học trung đại Việt Nam”

Vũ Bình Lục vào bộ đội chống Mỹ năm 1967 trong Binh chủng Đặc công ở chiến trường khu V, nhiều lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Đến năm 1972, do bị thương nặng, ông được đưa ra Bắc điều trị, học lại phổ thông và trúng tuyển vào khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Ngay từ những năm tháng đó, ông vừa làm thầy giáo vừa không ngừng học hỏi, sáng tác và nghiên cứu văn học, nhất là văn học trung đại. Đặc biệt khi về hưu, 16 năm qua, Vũ Bình Lục tập trung sáng tác và nghiên cứu văn học với hơn 30 đầu sách. Trong đó có 9 tập thơ xuất bản trước năm 2008, 6 tập giai phẩm, thơ hay và lời bình, một tập tiểu luận Văn học trong nhà trường, nghĩ thêm và bình luận, 1 tập bút ký Đi qua chiến tranh, hai tập Trầm tích Đông TriềuVũ Bình Lục tùy bút.

 Tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” sáng 19.10

Tọa đàm “Nhà văn Vũ Bình Lục và các công trình giải mã văn học trung đại” sáng 19.10

Ngoài ra, ông có 2 cuốn Hồng Hạc cõi trời Nam, Giải mã thơ chữ Hán và bình thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Giải mã thơ Lý Trần (5 tập), Hồn Thiền trong thơ Lý Trần, Thánh thơ Cao Bá Quát, Giải mã thơ chữ Hán Việt Nam từ thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIX, Giải mã thơ chữ Hán Lê Quý Đôn và công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Vừa đi vừa nghĩ

“Như vậy, ngoài 19 tác phẩm sáng tác văn học, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục có đến 14 tác phẩm nghiên cứu văn học trung đại. Với số lượng sách ở địa hạt đặc biệt khó khăn là đem kho vàng mấy nghìn năm văn học trung đại ấy trực tiếp về với người đọc hôm nay, có lẽ ông đáng được “Thì trao giải nhất chi nhường cho ai” (Nguyễn Du)”, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa khẳng định.

Nhận xét về chất lượng các công trình nghiên cứu, giải mã văn học trung đại của Vũ Bình Lục, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết: “Có thể nói, với nhãn quan, cảm quan nghệ thuật, thành quả lao động của Vũ Bình Lục không hề thua kém một viện nghiên cứu vài ba chục người. Nhà văn Vũ Bình Lục đang nổi lên như một hiện tượng ở nước ta. Ông được giới chuyên môn và bạn đọc đánh giá cao, xứng đáng là một trong những chuyên gia về văn học trung đại Việt Nam”.

Nghiên cứu với tinh thần khoa học và tư duy phản biện

Theo nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội, PGS.TS Nguyễn Thanh Tú, đóng góp của Vũ Bình Lục cho văn chương nước nhà là công việc sưu tầm, hệ thống, khảo cứu, dịch thuật các tác giả, tác phẩm giá trị của văn học. “Không có tri thức văn hóa truyền thống (chữ Hán, chữ Nôm, các mã văn hóa...), không có đam mê nặng lòng với vốn quý cha ông, không thể có một khối lượng sách cần cho nghiên cứu, phê bình như thế. Các tác phẩm có hệ thống, kèm theo lời bình chú, bình giải chi tiết".

PGS.TS Nguyễn Thanh Tú dẫn chứng, công trình nghiên cứu hai tác giả Nguyễn Trãi và Cao Bá Quát của ông thể hiện rõ năng lực liên văn hóa không gian (Việt Nam - Trung Hoa - Đông Nam Á), liên văn hóa thời gian (truyền thống - hiện đại). Ông dịch thơ Nguyễn Trãi theo lối lục bát dễ hiểu, gần gũi với số đông bạn đọc, ví như bài Trại đầu xuân độ vẫn giữ ý thơ mà bay bổng, tài hoa: Mưa xuân nước vỗ lưng trời/ Cỏ xuân như khói xanh phơi bến đò/ Vắng teo đường nội quanh co/ Bãi sông gác mũi con đò ngủ say.

 Công trình "Vừa đi vừa nghĩ" của nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, gồm 1.056 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024

Công trình "Vừa đi vừa nghĩ" của nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, gồm 1.056 trang, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024

Nhận định về một trong những công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học của Vũ Bình Lục mang tên Vừa đi vừa nghĩ, nhà nghiên cứu Đinh Thiên Hương cho rằng, công trình “vừa mang tính chuyên sâu, vừa phản ánh những chuyện tưởng rất bình thường của đời sống, tưởng ít liên quan đến văn chương, song chọn lọc chữ nghĩa và thú vị; thể hiện rõ cá tính của ông. Bài luận dù thuộc đề tài nào, ngắn hay dài cũng là cái tâm, cái tình và nội lực trong ngòi bút tác giả”.

“Bằng phương pháp nghiên cứu liên ngành, liên văn bản thuộc hệ hình khoa học xã hội nhân văn, công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học Vừa đi vừa nghĩ chắc chắn sẽ là nguồn tư liệu cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin mới, nhận thức mới, về những vấn đề tưởng như đã cũ.

Trên tinh thần khoa học và tư duy phản biện, tác giả đã không ngại ngần nêu ra và giải quyết một số vấn đề khá gai góc và nhạy cảm trong lịch sử văn hóa, văn chương nước nhà. Điều ấy khiến một bộ phận người đọc ngày nay vốn quen với lối tư duy máy móc, thụ động trong nhận thức những vấn đề tưởng như đã mặc định, phải bất ngờ và vui vẻ đồng cảm, bởi tính khách quan khoa học của nó”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá.

Những năm gần đây, hầu như năm nào Vũ Bình Lục cũng đem đến cho bạn đọc ấn phẩm mới, là những công trình biên khảo, lý luận, phê bình văn học, văn hóa và lịch sử, trải dài hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, ông đã phát hiện, chỉnh lý, hiệu đính nhiều sai sót của những sách đã xuất bản trước, trên tinh thần phản biện khoa học nghiêm túc và thuyết phục...

Hương Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/vu-binh-luc-nguoi-giai-ma-nhieu-tac-gia-tac-pham-van-hoc-trung-dai-post393742.html