50 năm Hiệp định Paris: Thắng lợi của khát vọng hòa bình

Cách đây tròn 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đó là thắng lợi của khát vọng hòa bình, của ý chí, tinh thần Việt Nam cùng sự đồng hành của nhân dân yêu chuộng hòa bình khắp năm châu, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi của Hiệp định Paris và Hội nghị Paris đã để lại nhiều bài học sâu sắc. Những bài học đó đã tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hôm nay thêm vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới.

Bài 1: Đường đến thắng lợi

Cuộc đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris là một hành trình kéo dài và quyết liệt. Thắng lợi của Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu trí, đấu lực trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Hiệp định Paris mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt Nam nói chung và lịch sử ngoại giao Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói riêng như một dấu son không bao giờ phai mờ.

"Vừa đánh vừa đàm"

Ngay từ cuối những năm 1940, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam và Đông Dương bằng cách chi viện ngày càng nhiều cho thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1945-1954). Mỹ đã phá hoại Hiệp định Genève 1954 về Đông Dương, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam bằng việc lần lượt tiến hành nhiều chiến lược, như chiến lược chiến tranh đặc biệt, chiến lược chiến tranh cục bộ...

Quang cảnh Hội nghị Paris (Ảnh TTXVN)

Cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại và những khoản tiền khổng lồ, từ đầu những năm 1960, Mỹ không ngừng đưa quân vào miền Nam Việt Nam. Tiếp theo sự kiện vịnh Bắc bộ (tháng 8 - 1964), Mỹ đã leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, chủ yếu bằng không quân và hải quân, nhưng càng đánh Mỹ càng sa lầy, tổn thất về người và của càng lớn.

Trước tình hình Mỹ ngày càng leo thang, dấn sâu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhân dân ta đã kiên cường chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, không quản hy sinh, gian khổ. Đi đôi với đấu tranh quyết liệt và giành thắng lợi to lớn liên tiếp trên mặt trận quân sự, Đảng và Nhà nước ta ngày càng chú trọng nâng cao vị thế và vai trò của đấu tranh ngoại giao. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, Mỹ chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, từng bước leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, ta đã đề ra những điều cơ bản làm cơ sở cho đàm phán, đó là lập trường 5 điểm ngày 22 - 3 - 1965 của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và tuyên bố 4 điểm ngày 8 - 4 - 1965 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng như: Nghị quyết 12 (tháng 12 - 1965), Nghị quyết 13 (tháng 1 - 1967), Nghị quyết 14 (tháng 1 - 1968) ngày càng nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của đấu tranh ngoại giao trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, đồng thời chủ trương mở đường cho địch đi vào thương lượng theo hướng có lợi nhất cho ta.

Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính trong tình hình đó, ngày 31 - 3 - 1968, Tổng thống Mỹ Johnson đã tuyên bố: Hy vọng đi tới hội nghị hòa bình với tinh thần “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự”. Ngày 3 - 4 - 1968, Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên bố sẵn sàng cử đại diện tiếp xúc với Mỹ. Tuy nhiên, phải mất 30 ngày 2 bên mới thỏa thuận, thống nhất được địa điểm họp ở Paris theo sáng kiến của ta.

Giương cao ngọn cờ hòa bình

Tình hình thế giới trước ngày diễn ra cuộc hội đàm chính thức giữa ta và Mỹ hết sức phức tạp. Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhiều giới chính trị, kinh tế, xã hội ở các nước đế quốc lo ngại chiến tranh khu vực phát triển thành chiến tranh thế giới. Do đó, dư luận rộng rãi trên thế giới một mặt ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, mặt khác mong muốn Việt Nam ngồi vào bàn thương lượng để giải quyết chiến tranh Việt Nam bằng phương pháp hòa bình. Trong khi đó, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế cũng như hệ thống xã hội chủ nghĩa xuất hiện những mâu thuẫn, bất đồng.

Bà Nguyễn Thị Bình, đại diện đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam gặp gỡ với báo chí trước khi bước vào bàn đàm phán tại Trung tâm Hội nghị Kleber ở Paris, Pháp, năm 1969. (Ảnh tư liệu)

Đứng trước tình hình phức tạp trên, Đảng và Nhà nước ta phải phát huy tinh thần độc lập và tự chủ, phối hợp chặt chẽ các hình thức đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao; đồng thời tranh thủ đến mức cao nhất sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cũng như sự ủng hộ vật chất và tinh thần của nhân dân thế giới. Chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi to lớn ở chiến trường, đồng thời giương cao ngọn cờ hòa bình, thiện chí, phân hóa và cô lập đối phương.

Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, gay go và quyết liệt, ngày 27 - 1 - 1973, Bộ trưởng Ngoại giao 4 bên dự Hội nghị Paris là Nguyễn Duy Trinh (Việt Nam Dân chủ cộng hòa), Nguyễn Thị Bình (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam), W.Rogers (Hoa Kỳ) và Nguyễn Văn Lắm (chính quyền Sài Gòn) đã chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư liên quan; ngày 28 - 1 ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris buộc Mỹ phải rút khỏi Việt Nam và mở đường cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Đây là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài 4 năm 8 tháng 16 ngày, gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500 buổi họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam trên khắp thế giới.

Trí Dũng

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/50-nam-hiep-dinh-paris-thang-loi-cua-khat-vong-hoa-binh-a288899.html