50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Công trình bất hủ về xây dựng Đảng cầm quyền

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những giá trị cốt lõi của Di chúc

(HNM) - Sau nửa thế kỷ, bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng sáng tỏ giá trị lịch sử và tầm nhìn thời đại của một bậc thiên tài; có ý nghĩa soi đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm qua, hôm nay và mai sau. Đặc biệt, đây là công trình bất hủ về xây dựng Đảng cầm quyền.

Chi bộ Ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội tổ chức Hội nghị sinh hoạt chuyên đề cán bộ, đảng viên trung thực, trách nhiệm, nói đi đôi với làm gắn với thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Bình Minh

Không đoàn kết, thống nhất thì không có thắng lợi!

Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo Bác, trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết, thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.

Trong bản Di chúc hoàn thành năm 1965, Người đã viết “Trước hết nói về Đảng”. Người đã khẳng định sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta mà nhấn mạnh: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Người cũng khẳng định, Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của nhân dân, của dân tộc. Các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện; việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên.

Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng”.

Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn với bốn chữ “thật”: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”…

Thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm nhìn chiến lược, tư tưởng thiên tài của Người, nhất là trong công tác xây dựng Đảng. Soi xét vào từng lời dạy của Bác, để tự hào, trân trọng những thành quả đã đạt được, nhưng chúng ta cũng rất buồn, thậm chí đau lòng về những thiếu sót, hạn chế, tiêu cực đang diễn ra trong xã hội hay sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Những năm gần đây, Đảng ta đã đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng và trong các cơ quan, đơn vị. Chính vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiên phong gương mẫu là rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị chính là mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế cho thấy, đoàn kết thống nhất trong cán bộ lãnh đạo ở cấp càng cao thì tác động, ảnh hưởng đối với Đảng càng mạnh, sức lan tỏa ra xã hội càng lớn và ngược lại… Những thành tựu đạt được qua hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước chính là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là minh chứng khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thành tựu, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Chính vì vậy, việc tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và từ Trung ương đến cơ sở là điều tất yếu, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, coi là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Có như vậy thì hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc mới đoàn kết thống nhất xung quanh Đảng.

Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIII của Đảng, khi chúng ta đang đứng trước thời điểm phải lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo đất nước. Hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo phải thực hiện nghiêm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”…

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/939838/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-cong-trinh-bat-hu-ve-xay-dung-dang-cam-quyen