55 năm gắn nhà trường với chiến trường, đơn vị

55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã lập được nhiều chiến công trong tham gia chiến đấu, giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) đội ngũ sĩ quan phòng không, không quân cho quân đội, quân chủng PK-KQ và bạn bè quốc tế. Trong điều kiện hiện nay, học viện có những định hướng lớn để nâng cao chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học (NCKH). Chúng tôi đã trao đổi với Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường, Giám đốc Học viện PK-KQ về vấn đề trên.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, trong chặng đường 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Học viện PK-KQ đã đạt được nhiều thành tích. Vậy học viện đã phát huy những thành tích đó như thế nào?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Học viện PK-KQ, tiền thân là Trường Sĩ quan cao xạ, được thành lập ngày 16-7-1964. 55 năm qua, học viện đã nhiều lần đổi tên, phân tách, sáp nhập từ các nhà trường khác nhau. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, học viện vừa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, vừa trực tiếp tham gia chiến đấu 129 trận, bắn rơi 91 máy bay các loại của không quân Mỹ. Truyền thống của học viện được khái quát thành 26 chữ: “Đoàn kết, anh dũng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, dạy tốt, học tốt, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ”. Học viện PK-KQ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều phần thưởng cao quý khác trong sự nghiệp GD, ĐT và bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Liên tục từ năm 2013 đến nay, học viện được Bộ Quốc phòng tặng cờ “Đơn vị xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng”. Những chiến công, thành tích của nhà trường luôn được các thế hệ, cán bộ, giảng viên, học viên gìn giữ và phát huy. Hơn nửa thế kỷ qua, học viện đã đào tạo gần 7 vạn cán bộ, sĩ quan cho Quân chủng PK-KQ, Quân đội nhân dân Việt Nam; gần 3.000 sĩ quan cho quân đội các nước bạn Lào, Campuchia và Thái Lan.

 Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường.

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường.

PV: Phương châm đào tạo “Nhà trường gắn liền với chiến trường, đơn vị” đã được vận dụng như thế nào trong suốt 55 năm qua, thưa đồng chí?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Đây là phương châm cơ bản, quan trọng và xuyên suốt, là cơ sở để nhà trường hoạch định phương hướng và chiến lược GD-ĐT đội ngũ sĩ quan phòng không, không quân, tác chiến điện tử. Từng thời kỳ, điều kiện cụ thể, chúng tôi đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để phù hợp với thực tiễn. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dù còn non trẻ, nhà trường vừa đào tạo đội ngũ sĩ quan có chuyên môn cao cung cấp cho các chiến trường, vừa cử các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu trong đội hình của trên và sự phối hợp, hiệp đồng của đơn vị bạn. Qua thực tiễn chiến đấu đã kiểm chứng được chất lượng đào tạo của nhà trường. Cũng từ những trận chiến đấu, nhà trường đã bổ sung được nhiều kiến thức, những bài học kinh nghiệm quý báu, làm giàu tri thức cho các bài giảng và từng trang giáo án.

 Lãnh đạo Học viện Phòng không-Không quân trao đổi kinh nghiệm với học viên.

Lãnh đạo Học viện Phòng không-Không quân trao đổi kinh nghiệm với học viên.

Trong giai đoạn hiện nay, phương châm “Nhà trường gắn liền với chiến trường, đơn vị” vẫn còn nguyên giá trị và được vận dụng ở một tầm cao mới. Tất cả kế hoạch, chương trình khung đào tạo các đối tượng học viên đều được xây dựng trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của các đơn vị chiến đấu và theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian huấn luyện thực hành. Chúng tôi chủ động mời thủ trưởng bộ tư lệnh, các đồng chí cán bộ đang công tác tại đơn vị chiến đấu về trực tiếp tham gia quá trình đào tạo và đánh giá chất lượng GD-ĐT tại học viện. Chủ động tham gia diễn tập, bắn đạn thật cùng các đơn vị chiến đấu; tham quan, hội thao, diễn tập trong quân chủng. Đồng thời, điều động các đồng chí cán bộ, giảng viên luân phiên đi thực tế chức vụ tại các đơn vị để trau dồi kiến thức và tích lũy kinh nghiệm. Chúng tôi tiến hành khảo sát chất lượng đầu ra của các đồng chí sĩ quan sau khi được đào tạo tại học viện để điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp. Một số chuyên ngành đào tạo, như: Tên lửa, ra-đa, tác chiến điện tử, sau khi được trang bị lý thuyết cơ bản, chúng tôi sẽ tổ chức cho học viên tham quan, học tập và thi tốt nghiệp tại các đơn vị có vũ khí, khí tài mới, cải tiến. Tích cực chế tạo và phát huy tốt tính năng, tác dụng của các trang thiết bị mô phỏng, phòng thí nghiệm để học viên có điều kiện thực hành như trên vũ khí, khí tài thật. Tất cả những biện pháp trên đã mang lại kết quả tích cực, các nội dung giảng dạy, học tập hiện nay đều xuất phát từ thực tiễn và gắn liền với thực tiễn.

PV: Những định hướng lớn của Học viện PK-KQ để nâng cao chất lượng GD-ĐT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới?

Thiếu tướng, TS Hà Xuân Trường: Chúng tôi xác định tầm nhìn đến năm 2030, học viện sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học, NCKH hàng đầu của quân đội về lĩnh vực PK-KQ và tác chiến điện tử; phấn đấu đạt chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực. Vì vậy, Đảng ủy học viện luôn xác định xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm là khâu then chốt để xây dựng học viện VMTD, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục-một đội ngũ nhà giáo có tâm, tầm, trí, tâm huyết với nghề, theo đúng tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Đây là vấn đề có tính chất quyết định chất lượng GD-ĐT, NCKH (đội ngũ giảng viên của học viện hiện nay 100% có trình độ đại học, trong đó 71,2% có trình độ sau đại học).

Chúng tôi đã, đang và sẽ đổi mới mạnh mẽ, căn bản, toàn diện nội dung, chương trình, quy trình, chất lượng GD-ĐT. Tập trung xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực, đẩy mạnh phong trào dạy, học và sử dụng ngoại ngữ, xây dựng chính quy và rèn luyện thể lực. Chú trọng nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật hiện đại, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai dự án nhà trường thông minh, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào nâng cao hiệu quả, chất lượng các mặt công tác trong điều kiện quân chủng được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Phát triển học viện trở thành trường trọng điểm của quân đội, góp phần bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PV:Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TIẾN TƯỜNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/55-nam-gan-nha-truong-voi-chien-truong-don-vi-582403