6 giáo viên bị sa thải trái luật vẫn chưa được bồi thường sau vụ kiện kéo dài chục năm

UBND huyện Krông Pắk nghiêm túc phê bình Phòng Nội vụ, ban giám hiệu các trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Ea Kly không chấp hành việc tham mưu thi hành bồi thường cho giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động và nộp án phí theo chỉ đạo trước đó.

Ngày 16/10, liên quan đến phản ánh "Huyện thua kiện giáo viên, chây ì bồi thường tiền tỷ" của Báo Giao thông, mới đây ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ban hành văn bản thi hành khoản bồi thường cho giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) và nộp án phí vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Thầy Nguyễn Ánh Dương sau khi rời bục giảng đang mưu sinh bằng nghề thợ sắt, mặc dù đã thắng vụ kiện nhưng vẫn chưa được thi hành án.

Thầy Nguyễn Ánh Dương sau khi rời bục giảng đang mưu sinh bằng nghề thợ sắt, mặc dù đã thắng vụ kiện nhưng vẫn chưa được thi hành án.

Trước đó, ngày 9/10, Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Krông Pắk có văn bản về việc thi hành án liên đới bồi thường cho các giáo viên bị chấm dứt HĐLĐ và nộp án phí.

Theo UBND huyện Krông Pắk, huyện nghiêm túc phê bình Phòng Nội vụ huyện và Ban Giám hiệu các trường: THCS Nguyễn Thị Minh Khai, THCS Ea Kly đã không chấp hành việc tham mưu thi hành bồi thường cho giáo viên bị chấm dứt HĐLĐ.

"UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Phòng Tài chính - Kế hoạch và các đơn vị liên quan, căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của huyện, khẩn trương tham mưu UBND huyện thi hành dứt điểm hai bản án của TAND tỉnh Đắk Lắk.

Yêu cầu trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và trường THCS Ea Kly căn cứ các quy định và tình hình thực tế của trường, khẩn trương thực hiện, thi hành dứt điểm 2 bản án trên", văn bản nêu.

Trước đó, như Báo Giao thông đã phản ánh, ngày 17/10/2013, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lúc đó là ông Nguyễn Sỹ Kỷ ký quyết định về việc hợp đồng lao động đối với thầy Nguyễn Ánh Dương (SN 1986, nguyên giáo viên hóa học) để bố trí giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai.

Tuy nhiên, đầu năm 2017, nhà trường bất ngờ không phân công thầy Dương đứng lớp, không trả lương. Các giáo viên còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự nên đã khởi kiện ra tòa.

Theo TAND huyện Krông Pắk, việc nhà trường cho các giáo viên trên nghỉ việc là trái luật. Vì thế, Tòa buộc UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho 6 giáo viên tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng cùng tiền lãi suất.

Tương tự, cuối năm 2021, bà Nguyễn Thị Bình là giáo viên Trường THCS Ea Kly (huyện Krông Pắk) khởi kiện nhà trường vì bị chấm dứt HĐLĐ trái luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là UBND huyện Krông Pắk.

HĐXX đã tuyên Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bà Bình hơn 175 triệu đồng và đóng bảo hiểm từ tháng 11/2018 - 11/2021.

Cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh (nguyên giáo viên môn hóa, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) được người thân cho mượn căn nhà cũ ven QL26 (thuộc xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) để mở quán nước kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và chăm sóc đứa con gần 3 tuổi.

Cô giáo Trịnh Thị Bích Hạnh (nguyên giáo viên môn hóa, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai) được người thân cho mượn căn nhà cũ ven QL26 (thuộc xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) để mở quán nước kiếm thu nhập trang trải cuộc sống và chăm sóc đứa con gần 3 tuổi.

Tháng 8/2022, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Pắk đã có quyết định thi hành án. Tuy nhiên, từ đó đến nay các giáo viên vẫn chờ đợi trong vô vọng.

Sau đó, UBND huyện Krông Pắk đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk xem xét, hỗ trợ kinh phí hơn 2,1 tỷ đồng để thi hành án và nộp án phí.

Tuy nhiên, Sở Tài chính Đắk Lắk đã có văn bản trả lời không thể bổ sung khoản kinh phí này. Trong khi đó, không có quy định nào được phép lấy ngân sách từ huyện để chi trả khoản tiền trên.

Qua hai đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, trên địa bàn đã tuyển ồ ạt giáo viên, dẫn đến dôi dư trên 500 giáo viên. 5 giáo viên trong vụ kiện trên cũng là nạn nhân của vụ việc này.

Ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2015) đã ký hơn 400 hợp đồng lao động với các giáo viên và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk kế nhiệm) ký tuyển dụng thêm 197 hợp đồng giáo viên, nhân viên trường học, giáo viên trên địa bàn đã dôi dư.

Với những vi phạm trên, năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kỷ luật khiển trách ông Y Suôn Byă. Ông Nguyễn Sỹ Kỷ bị kỷ luật cảnh cáo khi đang giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk (hiện đã nghỉ hưu).

Riêng số lượng giáo viên dôi dư, chỉ có 28 người được tuyển dụng, số còn lại trên 500 người đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngọc Hùng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/6-giao-vien-bi-sa-thai-trai-luat-van-chua-duoc-boi-thuong-sau-vu-kien-keo-dai-chuc-nam-192241016155540505.htm