68 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam

Ngày 7-5-1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là 'cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển'. Ngày 7-5-1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hơn 3 tháng sau ngày thành lập, ngày 24-8-1955, Cục Phòng thủ bờ bể tổ chức trọng thể Lễ thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng tại Trường Huấn luyện bờ bể, bên bờ sông Cấm, TP. Hải Phòng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh và đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Ủy ban quân chính TP. Hải Phòng cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã chứng kiến buổi ra mắt của hai thủy đội. Đây là những viên gạch đầu tiên, là tiền thân của lực lượng tàu chiến đấu của Hải quân Nhân dân Việt Nam sau này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc quyết định thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, ngày 24-8-1955. Ảnh: TL

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc quyết định thành lập hai thủy đội Sông Lô và Bạch Đằng, ngày 24-8-1955. Ảnh: TL

Trên cơ sở Cục Phòng thủ bờ bể, ngày 24-1-1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 322/NĐ thành lập Cục Hải quân thuộc Bộ Tổng Tham mưu. Biên chế tổ chức của Cục cũng thay đổi với 5 phòng chức năng (Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Công trình, Đo đạc biển) và 5 đơn vị trực thuộc (Trường Huấn luyện Hải quân, Đoàn 130, Xưởng 46, Đoàn 135, Tiểu đoàn Công binh 145).

Ngày 20-4-1959, Đảng bộ Cục Hải quân được thành lập đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Quân ủy. Trong thời gian này, liên tiếp các đơn vị, lực lượng của Cục Hải quân được xây dựng, phát triển. Cục Hải quân luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ đội Hải quân đã 3 lần được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Người dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Lời dạy của Bác vừa là lời chỉ bảo ân tình, sâu sắc vừa là mệnh lệnh thiêng liêng, trở thành tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong xác định nhiệm vụ và hành động của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân.

May bay K32, Không quân Hải quân huấn luyện cất hạ cánh trên tàu. Ảnh: Duy Khánh

May bay K32, Không quân Hải quân huấn luyện cất hạ cánh trên tàu. Ảnh: Duy Khánh

Ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP-QĐ nâng cấp Cục Hải quân thành Bộ Tư lệnh Hải quân. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới cả về quy mô tổ chức và sức mạnh chiến đấu của Hải quân Nhân dân Việt Nam, lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ chủ quyền và chiến đấu trên chiến trường sông biển, hải đảo của Tổ quốc. Đảng ủy Cục Hải quân cũng được nâng cấp thành Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Các phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần nâng thành Cục Tham mưu (từ tháng 10-1965 là Bộ Tham mưu), Cục Chính trị, Cục Hậu cần và thống nhất về tổ chức biên chế cho phù hợp. Các đơn vị được củng cố, xây dựng đáp ứng với yêu cầu chiến đấu mới.

Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, đêm 1-8-1964, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh sử dụng một phân đội tàu phóng lôi làm nhiệm vụ đánh tàu khu trục Ma-đốc của địch, không cho chúng ngang nhiên xâm phạm vùng biển của ta. Chiến công đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2-8 và đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm lược ngày 5-8-1964 đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự và VKTBKT hiện đại hơn ta gấp nhiều lần, làm nên truyền thống “Đánh thắng trận đầu” của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Các đơn vị Hải quân cũng tích cực tham gia chống chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ và làm nòng cốt trong chống phong tỏa sông, biển miền Bắc bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ.

Tháng 10-1963, Đoàn 759 chuyển về trực thuộc Quân chủng Hải quân và tháng 1-1964 đổi tên là Đoàn 125 Hải quân, hay còn gọi là Đoàn tàu Không số. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, từ năm 1962-1972, Đoàn tàu Không số đã thực hiện gần 170 lần chuyến tàu, trực tiếp chi viện hơn 5.700 tấn vũ khí và hàng trăm cán bộ tăng cường cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đoàn còn đã vận tải hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí, tạo chân hàng cho tuyến chi viện chiến lược 559 vận chuyển vào chiến trường.

Đặc công Hải quân huấn luyện nhảy dù. Ảnh: TTV

Đặc công Hải quân huấn luyện nhảy dù. Ảnh: TTV

Quân chủng kịp thời huấn luyện lực lượng đặc công nước chi viện chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu và lập công xuất sắc trên chiến trường Cửa Việt- Đông Hà. Tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các đơn vị Hải quân trực tiếp tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Quán triệt chủ trương lãnh đạo của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong giai đoạn mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ IX quyết định chủ trương Hải quân là một trong 5 đơn vị đầu tiên của toàn quân được đầu tư xây dựng hiện đại. Từ đây, Hải quân Nhân dân Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn phát triển mới. Được Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân quan tâm, đầu tư xây dựng nên những năm 2010-2015 là thời kỳ Hải quân Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước tiến quan trọng cả về lượng và chất.

Đến năm 2014, Hải quân đã có đủ 5 thành phần lực lượng chiến đấu là: Tàu mặt nước, Tàu ngầm, Không quân Hải quân, Pháo binh-Tên lửa bờ, Hải quân đánh bộ-Đặc công Hải quân và các lực lượng phục vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, nghiên cứu khoa học kỹ thuật quân sự Hải quân. Các cơ sở giáo dục, đào tạo ở các bậc trình độ chuyên môn kỹ thuật hải quân từ sơ cấp đến đại học và trên đại học được trang bị và cải tiến thiết bị phục vụ dạy và học hiện đại, giáo trình giảng dạy tiên tiến. Các nhà máy, xí nghiệp tiếp tục được củng cố, nâng cấp và xây dựng. Các cơ sở sản xuất, làm kinh tế quốc phòng khác được trang bị những thiết bị công nghệ mới hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh để không ngừng phát triển phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế.

Tàu Hải quân Việt Nam-Indonesia luyện tập chung trên biển. Ảnh: Duy Khánh

Tàu Hải quân Việt Nam-Indonesia luyện tập chung trên biển. Ảnh: Duy Khánh

Bám sát các nghị quyết lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Hải quân chủ động tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xử lý, giải quyết những vấn đề có liên quan đến tình hình trên biển, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Hải quân tiến lên hiện đại. Toàn Quân chủng thường xuyên duy trì tốt các hoạt động quản lý, nâng cao khả năng bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa; tăng cường củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên các vùng biển, đảo; tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, huy động nguồn lực cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo và xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Quân chủng tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án SSCĐ và diễn tập theo phương án; thực hiện tốt các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn; củng cố thế trận quốc phòng-an ninh trên các khu vực, trọng tâm là ở quần đảo Trường Sa, khu vực DK1 và các vùng biển, đảo trọng điểm khác; hoàn thành xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh và quốc phòng-an ninh trên các đảo và nhà giàn. Hoạt động đối ngoại quốc phòng Hải quân tiếp tục được tăng cường, ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu.

Trải qua 68 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình nối tiếp nhau xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”. Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phần thưởng cao quý

Hải quân Việt Nam hai lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; được tặng thưởng 2 Huân chương Sao Vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 2 Huân chương Độc lập hạng Nhất và hạng Nhì, 3 Huân chương Quân công, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Ba và 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 80 lượt tập thể, 46 đồng chí được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và Anh hùng Lao động; 7.254 lượt tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc và Huân chương Lao động.

HQVN

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/143945/68-nam-xay-dung-chien-dau-truong-thanh-cua-hai-quan-nhan-dan-viet-nam