7 nhân tố quan trọng trong thu hút FDI của Quảng Ninh
Dù đối mặt với những khó khăn và thách thức do Covid-19 gây ra nhưng thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Ninh vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm 2020 và 2021.
Trong suốt hai năm đại dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến khó lường, tỉnh Quảng Ninh vẫn là một điển hình trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa đảm bảo chống dịch, vừa ổn định kinh tế - xã hội.
Trong đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài đã ghi được nhiều dấu ấn với việc trao giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD đã được khởi động ngày 31/3/2021 và dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD đã được trao giấy chứng nhận đầu tư dự án ngày 19/9/2021.
Hai dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn Quảng Ninh từ trước đến nay được kỳ vọng sẽ tạo ra những cú huých phát triển mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tại Quảng Ninh.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2020, tỉnh Quảng Ninh thực hiện cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 45 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký 24.109 tỷ đồng, tăng 55,5% so với cùng kỳ.
Chuẩn bị kết thúc năm 2021, tổng vốn thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của Quảng Ninh đạt trên 360 nghìn tỉ đồng. Trong đó, thu hút FDI thế hệ mới năm nay có bước đột phá, đạt trên 1 tỉ USD, gấp 2,67 lần so với cùng kỳ.
Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh đã làm việc với gần 30 lượt nhà đầu tư. Nhiều cái tên nổi bật có thể kể đến như Iris Ohyama (Nhật Bản) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án điện gia dụng, tủ lạnh; Amata, Toyota Tsusho và Aapico Hitech PCL (Thái Lan) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án tổ hợp thành phố thông minh Móng Cái và các dự án sản xuất công nghiệp ô tô; VSIP nghiên cứu triển khai đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp; BYD (Trung Quốc) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; Jinsung Hitec Co., Ltd (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án Jinsung Hitec Vina...
Chia sẻ kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh trong công tác thu hút đầu tư FDI, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh bảy yếu tố quan trọng.
Thứ nhất là ban hành kịp thời nghị quyết, kế hoạch về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp thu hút đầu tư FDI trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
Các chỉ tiêu này được đặt ra tương đối cao để các cấp, ngành, địa phương phải nghiên cứu giải pháp mới, mang tính đột phá nhằm thu hút dòng vốn đầu tư FDI.
Thứ hai là thay đổi phương châm thu hút đầu tư nước ngoài sang thu hút có chọn lọc, chủ động và dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường.
Tỉnh Quảng Ninh ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Địa phương này tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn. Đó phải là những nhà đầu tư có thương hiệu, năng lực tài chính, trình độ, kinh nghiệm quản lý và có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Thứ ba là đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, tổ chức các hoạt động vận động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài bám sát tình hình thực tế bằng nhiều hình thức.
Cụ thể, Quảng Ninh đã tham gia các hội nghị, hội thảo liên quan đến xúc tiến đầu tư để tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới xúc tiến đầu tư đồng thời tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến.
Thứ tư là chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động tiếp xúc với nhà đầu tư ngay cả sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư.
Quảng Ninh cũng tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với nhà đầu tư.
Thứ năm là chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh với quan điểm: làm đúng, làm nhanh, làm tốt.
Quảng Ninh thường xuyên rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Ông Khắng cho biết, thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được rà soát cắt giảm 40 - 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định của pháp luật. Năm 2020, Quảng Ninh lần đầu tiên đứng đầu cả nước với 4 chỉ số bao gồm: PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.
Thứ sáu là chỉ đạo các các sở, ngành và các địa phương tham mưu triển khai các giải pháp để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
Thứ bảy là tranh thủ sự hỗ trợ rất thiết thực của đại sứ Việt Nam tại các nước và đại sứ nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức đại diện ngoại giao, thương mại, các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế,…