Bàn tròn chính sách - Dấu ấn đột phá trong đổi mới hoạt động của HĐND tỉnh

Lần đầu tiên Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức chương trình Bàn tròn chính sách để giúp cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin quan trọng, cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc để hình thành, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá của địa phương bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp yêu cầu phát triển chung và đúng quy định pháp luật. Bàn tròn chính sách cũng là một trong những cách làm sáng tạo của HĐND tỉnh với tinh thần 5 thật: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân hưởng thụ thật; tinh thần 7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn và thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; cùng chung sức, đồng lòng, sẻ chia trách nhiệm, năng động, sáng tạo để mang lại hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật.

Bài 1: Xây cơ chế thu hút container vào cảng - Giữ lời hứa, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Ba mục tiêu chính để ban hành Nghị quyết (NQ) về chính sách thu hút container vào cảng là hỗ trợ ban đầu cho các cảng trên địa bàn tỉnh phát triển; giúp các doanh nghiệp (DN) cảng có lợi thế thu hút khách hàng, đặc biệt là thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, hiện thực hóa lời hứa đồng hành cùng DN của lãnh đạo tỉnh.

Tham vấn xây dựng nghị quyết từ thế mạnh đặc thù

Năm 2024 tiếp tục đánh dấu sự đổi mới của HĐND tỉnh bằng các NQ mang tính đặc thù, đột phá. Để có cơ sở khoa học, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Chương trình Bàn tròn chính sách phát trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số của các cơ quan truyền thông tỉnh với mục đích phân tích, tham vấn ý kiến chuyên gia, cơ quan quản lý nhà nước, đối tượng chịu sự tác động của các cơ chế, chính sách mà HĐND tỉnh chuẩn bị ban hành.

Để chuẩn bị cho chương trình Bàn tròn chính sách, Thường trực HĐND tỉnh quyết định lựa chọn chủ đề cơ chế, chính sách thu hút container vào cảng sau nhiều ý kiến góp ý. Sở dĩ chủ đề này được lựa chọn bởi tỉnh có tiềm năng rất lớn trong phát triển logistics nhưng chưa thể bật lên trở thành trung tâm logistics của khu vực.

Chương trình Bàn tròn chính sách là một trong những cách làm sáng tạo của HĐND tỉnh với tinh thần 5 thật, 7 dám cùng chung sức, đồng lòng, sẻ chia trách nhiệm, năng động, sáng tạo để mang lại hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật

Chương trình Bàn tròn chính sách là một trong những cách làm sáng tạo của HĐND tỉnh với tinh thần 5 thật, 7 dám cùng chung sức, đồng lòng, sẻ chia trách nhiệm, năng động, sáng tạo để mang lại hiệu quả thật và người dân được hưởng thụ thật

NQ Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định một trong các đột phá chiến lược của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước trong phát triển kinh tế.

Cùng với sự giúp đỡ của Trung ương, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như đường Vành đai TP.Tân An, Đường tỉnh (ĐT) 830E, ĐT830, đường Vành đai 3 TP.HCM,... từng bước hình thành hệ thống giao thông - vận tải tương đối đồng bộ, thông suốt, huyết mạch, kết nối liên vùng, liên tỉnh mang tính chiến lược.

Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trong phát triển KT-XH, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đưa tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, công trình ĐT830 góp phần kết nối 4 huyện phát triển công nghiệp của tỉnh gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc đến Cảng Quốc tế Long An.

Cảng Quốc tế Long An có vị trí chiến lược quan trọng tại tỉnh Long An, kết nối với TP.HCM, các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, Campuchia và biển Đông. Với kết nối giao thông thuận lợi cả đường bộ và đường thủy, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, Cảng Quốc tế Long An được ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, đóng vai trò quan trọng đưa tỉnh Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, Vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia, đầu mối xuất khẩu nông sản của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khẳng định, tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng to lớn, hệ thống giao thông đang được đầu tư đồng bộ, có tính kết nối cao. Do đó, việc phát triển hệ thống cảng biển, thu hút dòng hàng container vào cảng không chỉ nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics mà còn là một “đòn bẩy” quan trọng để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Theo Thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Long An - Ngô Thị Thanh Vy, hiện nay, Cảng Quốc tế Long An đầu tư hoàn thiện 7 cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 tấn, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và logistics trọn gói như khai thác hàng tổng hợp, container, dịch vụ lưu kho bãi, giao nhận hàng hóa quốc tế, vận chuyển thủy bộ,... Từ khi đi vào hoạt động đến nay, sản lượng hàng hóa xếp dỡ tại Cảng đều tăng theo từng năm. Nếu năm 2018, Cảng chỉ tiếp nhận khoảng 350.000 tấn hàng hóa thì trong 9 tháng năm 2024, số lượng hàng hóa Cảng tiếp nhận lên đến hơn 4 triệu tấn.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động cũng cho thấy, dù Cảng Quốc tế Long An được đầu tư đồng bộ, hiện đại từ hệ thống cầu cảng đến kho bãi và đã triển khai dịch vụ khai thác container nhưng việc thu hút các tàu hàng vận tải lớn cập Cảng bốc xếp hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

“Qua làm việc, tiếp xúc, rất nhiều hãng tàu vận tải quốc tế đã trực tiếp đến tìm hiểu, song các đơn vị này vẫn còn e ngại bởi chưa có cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi so với một số cảng biển khác hiện nay. Do đó, chúng tôi cũng mong tỉnh sớm có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút container vào hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút đầu tư” - bà Ngô Thị Thanh Vy cho biết.

Từ chương trình Bàn tròn chính sách giúp HĐND tỉnh có thêm kênh thông tin quan trọng, cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc để hình thành, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá thu hút container vào cảng

Từ chương trình Bàn tròn chính sách giúp HĐND tỉnh có thêm kênh thông tin quan trọng, cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc để hình thành, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá thu hút container vào cảng

Dưới góc độ chuyên gia, Trưởng bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải, Trường Đại học Giao thông Vận tải - Tiến sĩ Đặng Thị Thanh Bình cho rằng, hiện nay, một số địa phương khác có cảng tương tự Long An ban hành và vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ. “Do đó, tỉnh Long An cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút hàng container đến hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh.

Khi chính sách được ban hành, đi vào cuộc sống, hiệu quả thu được rất lớn không chỉ cho hệ thống các cảng mà còn phát triển được ngành logistics của tỉnh, tăng thu ngân sách từ hoạt động logistics trên địa bàn và giảm chi phí logistics cho các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh nhờ vào việc rút ngắn khoảng cách vận tải đường bộ, qua đó cải thiện môi trường đầu tư” - Tiến sĩ Đinh Thị Thanh Bình khẳng định.

Trong quan điểm quy hoạch của tỉnh xác định phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế địa kinh tế để tạo đột phá, phát triển nhanh, bền vững. Do đó, tỉnh luôn chú trọng và khai thác triệt để các tiềm năng có sẵn trên nhiều lĩnh vực để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

Trong đó, Cảng Quốc tế Long An là điểm nhấn quan trọng của tỉnh trong phát triển ngành dịch vụ logistics. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, hệ thống cảng trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thiếu các nguồn hàng container đi và về nên hầu như không có tàu vào cảng, chi phí tàu vào cảng cao nên khó hấp dẫn các tàu hàng lựa chọn các cảng trên địa bàn tỉnh làm điểm đến.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh - Mai Văn Nhiều, từ Chương trình Bàn tròn chính sách, ý kiến tham vấn của các chuyên gia về chính sách thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh sẽ là cơ sở để HĐND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật cũng như từ thực tiễn tại địa phương để xem xét ban hành NQ của HĐND tỉnh về cơ chế đặc thù thu hút container vào cảng trên địa bàn tỉnh vào Kỳ họp lệ cuối năm 2024.

Trong đó, mục tiêu của NQ sẽ hướng đến tập trung vào giải pháp mang tính chính sách để giảm chi phí cước dịch vụ cảng theo quy định; khuyến khích các chủ hàng, chủ doanh nghiệp vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa bằng container, chủ tàu vào cảng bằng cách bù đắp phần chi phí tăng thêm, thúc đẩy phát triển logistics, hình thành chuỗi liên kết giữa cung ứng nguyên liệu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa ổn định và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

“Qua chính sách được ban hành sẽ trực tiếp góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước của tỉnh từ nguồn thu thuế xuất, nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, từng bước hình thành các tuyến vận tải biển hàng hóa bằng container và tạo ra các khoản thu từ DN dịch vụ tại cảng và các đơn vị vận tải nội địa, logistics.

Đồng thời, khi chính sách được ban hành còn phát huy hiệu quả gián tiếp, có ý nghĩa quan trọng mang tính chiến lược về việc nâng cao tính sẵn sàng, chất lượng phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ, tăng tính hấp dẫn của điểm đến đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Điều này cũng thể hiện tính năng động, vai trò hỗ trợ của chính quyền đối với các DN một cách sinh động, hiệu quả” - ông Mai Văn Nhiều cho biết./. (còn tiếp)

Bài 2: Xử lý dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ - kiến tạo môi trường đầu tư

Kiên Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/ban-tron-chinh-sach-dau-an-dot-pha-trong-doi-moi-hoat-dong-cua-hdnd-tinh-a185258.html