7 triệu chứng cho thấy gan bị nhiễm độc quá nhiều

Gan nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến các bộ phận khác, lâu dần dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, ung thư gan...

Gan có nhiệm vụ giải độc, làm sạch những độc tố có trong cơ thể và thải ra ngoài qua hệ bài tiết. Tuy nhiên, khi gan bị suy yếu, chức năng thải độc kém, chất độc tích tụ lại sẽ dẫn đến một số dấu hiệu gan nhiễm độc như sau:

Hệ tiêu hóa bị rối loạn

Đây là triệu chứng phổ biến nhất và chiếm 60 - 80%. Biểu hiện cụ thể như: Chán ăn, đầy hơi, chướng bụng, ăn không tiêu gây đau bụng thường xuyên, buồn nôn và nôn, sợ thịt, sợ mỡ, tiêu chảy hoặc táo bón, tiểu vàng, phân vàng. Những triệu chứng này khiến cơ thể trì trệ và suy nhược.

Vàng mắt, vàng da

Gan nhiễm độc kéo dài dẫn đến suy gan khiến lượng lớn sắc tố bilirubin tích tụ trong máu. Bilirubin là tế bào hồng cầu cũ, bị phá vỡ và được gan xử lý.

Khi gan nhiễm độc, các tế bào gan bị tổn thương và phá hủy nên chất bilirubin không được đào thải ra ngoài nên bị ứ đọng lại ở máu, các niêm mạc. Chất này có thể được hấp thụ trong các mô như da và mắt, khiến chúng chuyển sang màu vàng.

Mề đay

Ngứa do nhiễm độc gan rất phổ biến. Nổi mụn, mẩn ngứa, nổi mề đay là triệu chứng điển hình của việc gan đang nhiễm độc. Nguyên nhân nhiễm độc gan gây ngứa là do gan bị suy giảm nghiêm trọng nên khả năng giải độc trong cơ thể không còn hiệu quả, chất độc tích tụ gây ngứa da.

Đổ mồ hôi trộm

Khi gan nhiễm độc, chức năng gan suy giảm, gây nóng gan. Triệu chứng dễ nhận biết thường là cảm giác nóng toàn thân, mồ hôi đầm đìa mặc dù nhiệt độ mát mẻ chứ không quá nóng.

Đau tức hạ sườn bên phải

Gan kém biểu hiện bằng việc đau tức hạ sườn bên phải. Nguyên nhân là vì vùng hạ sườn bên phải tương ứng với vị trí của gan, một số bệnh lý về gan có thể gây ra biến đổi về kích thước, khiến gan to hơn bình thường và kích thích vào bao gan, từ đó xuất hiện triệu chứng đau tức hạ sườn phải.

Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

Mệt mỏi thường xuyên cũng là dấu hiệu liên quan đến các vấn đề về gan. Mệt mỏi có thể do bệnh ở gan bởi vì sự tích tụ các chất độc nội sinh hay ngoại sinh, gan giảm khả năng dự trữ glucose nên cơ thể dễ rơi vào tình trạng đường huyết hạ hay tình trạng chán ăn và ăn ít đi cũng có thể gây mệt mỏi.

Hôi miệng và đắng miệng

Gan của bạn có nhiều chức năng quan trọng, bao gồm loại bỏ độc tố ra khỏi máu.

Gan có liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa, việc tích tụ độc tố trong gan sẽ ảnh hưởng đến quá trình bài tiết và đào thải mật. Sự bài tiết mật kém có thể dễ dẫn đến vị đắng trong miệng. Đồng thời, do chức năng giải độc của gan kém, các chất độc trong cơ thể sẽ lên men trong đường tiêu hóa, sinh ra những mùi hôi khó chịu tỏa ra qua miệng, tạo thành hơi thở có mùi hôi.

Ngoài ra, ở giai đoạn tiến triển của bệnh gan (xơ gan), vị giác của bạn có thể bị biến dạng hoặc giảm sút, đôi khi biểu hiện bằng vị đắng hoặc vị kim loại trong miệng. Có vị đắng trong miệng cũng là triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng viêm gan cấp tính (gây viêm gan và có thể phát triển thành bệnh gan).

Giang Thu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/7-trieu-chung-cho-thay-gan-bi-nhiem-doc-qua-nhieu-2036905.html