70% đơn hàng Shopee, Lazada, TikTok Shop là ở Hà Nội và TP.HCM
Ba tháng đầu năm, 5 ông lớn thương mại điện tử đạt doanh số 71.000 tỉ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, Hà Nội và TP.HCM vẫn chiếm trên 70% toàn thị trường cả về doanh số lẫn sản lượng.
Số liệu vừa được Metric - nền tảng số liệu về thương mại điện tử - công bố cho thấy, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đã vượt xa kỳ vọng tăng trưởng 35% so với 2023.
Theo đánh giá của Metric, Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương có doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho nhiều nhất, với tổng cộng chiếm trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc. Trong đó, doanh số và sản lượng trong quý 1/2024 của người tiêu dùng Hà Nội đều gấp rưỡi người dân sống tại TP.HCM
Trong top 10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2023. Trên thực tế, đây đều là những thành phố lớn khi Quảng Ninh sở hữu cửa khẩu quốc tế, 3 tỉnh thành còn lại tập trung nhiều khu công nghiệp.
Ngoài 10 khu vực có doanh số cao nhất, tình hình kinh doanh trên sàn thương mại điện tử tại các địa phương khác cũng cho thấy những tín hiệu tích cực, tổng doanh số và sản lượng bán của các địa phương ngoài top 10 đều tăng trưởng trên mức 50%. Điều này chứng tỏ thương mại điện tử đã có xu hướng bước đầu mở rộng ảnh hưởng sang các tỉnh thành.
Thống kê về doanh số và sản lượng theo khu vực của các sàn thương mại điện tử, theo Metric.
Quý đầu năm 2024, Metric đã ghi nhận hơn 766 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, gần 511.000 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái với 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, thông qua các sàn thương mại điện tử lớn này. Đặc biệt, số lượng nhà bán cũng phát triển mạnh hơn so với quý 2/2023, ở mức 9,22%. Đây là dấu hiệu tích cực khi chỉ số này luôn ở mức âm trong nhiều quý trước đó.
Giá rẻ vẫn là trọng tâm mua hàng của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử khi mức giá phổ biến nằm trong khoảng 10.000-350.000 đồng. Tuy nhiên, với một số nhóm ngành hàng đặc trưng như làm đẹp thì chất lượng mới là điều người tiêu dùng quan tâm thay vì mức giá. Thậm chí, mức giá rẻ đôi khi mang lại tác dụng ngược trong những ngành hàng này.
Điện thoại, mô tô xe máy, nhà cửa - đời sống,điện gia dụng, thực phẩm & đồ uống, mẹ và bé và làm đẹp là những ngành hàng sở hữu các thương hiệu có doanh thu và sản lượng cao nhất trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, 90% thương hiệu có doanh thu đứng đầu hiện nay đều thuộc sở hữu của thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài như Apple, Samsung, Ensure, Honda,...
Theo báo cáo của Metric, những ngành hàng có doanh số cao trên sàn thương mại điện tử đều vắng bóng các thương hiệu nội địa, đòi hỏi doanh nghiệp Việt cần có những chiến lược kinh doanh khôn khéo, hiệu quả để gia tăng sức cạnh tranh.
Top 10 thương hiệu có doanh số và sản lượng cao nhất, theo thống kê của Metric.
Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất chiếm 7,27% tổng doanh số toàn thị trường, chủ yếu đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Top 10 thương hiệu có sản lượng bán cao nhất chiếm 1,02% tổng sản lượng toàn thị trường, trong đó chỉ có 1 thương hiệu Việt là Inochi.
3 ngành hàng đứng đầu về doanh thu và số lượng bán tiếp tục là làm đẹp, nhà cửa - đời sống và thời trang nữ. Tuy nhiên, sự tăng trưởng doanh thu đột phá nhất, với mức tăng trưởng hơn 100% là ngành hàng điện gia dụng, điện thoại và máy tính bảng, thời trang nam. Như vậy, người tiêu dùng bắt đầu thể hiện sự tin tưởng và mua những sản phẩm có mức giá lớn trên sàn thương mại điện tử như điện thoại, nồi chiên không dầu, nồi cơm điện,... Trong đó, phần lớn những nhà bán kinh doanh thành công sản phẩm có giá trị cao này đều đến từ Shop Mall.
Trong quý I/2024, những tháng diễn ra tết nguyên đán luôn có doanh số và sản lượng bán thấp nhất. Mức độ mua sắm của người tiêu dùng sẽ phát triển mạnh hơn vào tháng 3. Dự báo, mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc từ quý 2/2024, với tốc độ tăng 19,2% so với quý 1/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý 2/2023. Chính vì vậy, theo doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất - nhập hàng phù hợp ngay từ đầu năm để tránh rơi vào tình trạng không đủ hàng hóa cung cấp cho thị trường, từ đó bị giảm doanh thu và thị phần.
Theo công bố của Metric, báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý 1/ 2024 được các chuyên gia của Metric thực hiện độc lập, dựa trên các số liệu công khai từ ngày 1/1/2024 đến 31/03/2024 và không bị ảnh hưởng bởi các đơn vị thứ ba. Trong báo cáo này, số liệu thống kê đã loại bỏ các sản phẩm: hàng hóa ở dạng dịch vụ, quà tặng có sản lượng bán bất thường không tương xứng với phản hồi từ người tiêu dùng, các sản phẩm bán đơn ảo và chưa bao gồm sản phẩm bán từ các phiên livestream.