Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ngôi nhà cấp 4 đạt tiêu chí '3 cứng' (nền-móng cứng, khung-tường cứng, mái cứng) được xây mới thuộc chương trình xóa nhà tạm, hư hỏng, dột nát cho người nghèo trên địa bàn xóm 5, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Ngôi nhà cấp 4 đạt tiêu chí '3 cứng' (nền-móng cứng, khung-tường cứng, mái cứng) được xây mới thuộc chương trình xóa nhà tạm, hư hỏng, dột nát cho người nghèo trên địa bàn xóm 5, xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vừa ký Quyết định số 126/QĐ-BCĐ ngày 5/11/2024 ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Quy chế này quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, chế độ làm việc, trách nhiệm của các thành viên, cơ quan thường trực; chế độ thông tin, báo cáo và cơ chế phối hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thành viên Ban Chỉ đạo được quy định tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 22/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo

Quyết định nêu rõ Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; giải quyết công việc đúng phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm đúng thời hạn, hiệu quả và đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cả nước chiều 1/10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc giữa Thường trực Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cả nước chiều 1/10/2024. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, thảo luận công khai, bảo đảm sự thống nhất. Trưởng Ban Chỉ đạo là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định một số nội dung theo phân công, ủy quyền của Trưởng Ban Chỉ đạo; các Ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

Ban Chỉ đạo có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm của Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để tổ chức thực hiện.

Ban Chỉ đạo họp phiên toàn thể định kỳ 2 lần/năm (sơ kết 6 tháng và tổng kết năm) do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền). Trường hợp cần thiết, Trưởng Ban Chỉ đạo triệu tập họp đột xuất. Thành phần tham dự họp đột xuất do Trưởng Ban Chỉ đạo hoặc Phó Trưởng Ban Chỉ đạo (khi được Trưởng Ban Chỉ đạo phân công, ủy quyền) quyết định.

Chế độ thông tin, báo cáo

Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tình hình triển khai các nhiệm vụ được phân công hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ động báo cáo những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo của các thành viên Ban Chỉ đạo gửi Trưởng Ban Chỉ đạo và Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để theo dõi, tổng hợp chung.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình, kết quả triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo định kỳ trước 31/12 báo cáo tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Cơ chế phối hợp

Trưởng Ban Chỉ đạo và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất làm việc với các Ủy viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo thực hiện các hoạt động của Ban Chỉ đạo.

 Gia đình ông Nông Hoàng Quỳnh tại xóm Kéo Si, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, được hỗ trợ xây nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Gia đình ông Nông Hoàng Quỳnh tại xóm Kéo Si, thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, được hỗ trợ xây nhà mới từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Các Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực mình phụ trách phối hợp với Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan; báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo về việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Đối với những vấn đề cần giải quyết ngay nhưng Ban Chỉ đạo chưa tổ chức họp được thì Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo lấy ý kiến bằng văn bản của các Ủy viên Ban Chỉ đạo và báo cáo, xin ý kiến quyết định của Trưởng Ban Chỉ đạo./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quy-che-hoat-dong-cua-ban-chi-dao-trung-uong-trien-khai-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-post989486.vnp